Al-Qaeda suy yếu nhiều sau cái chết của cựu thủ lĩnh Osama bin Laden. Ảnh: AP |
Cái chết của Osama bin Laden hồi tháng 5 năm ngoái đã làm suy yếu tổ chức Al-Qaeda và nó dường như không còn là tổ chức khủng bố có thể tiến hành những vụ tấn công như vụ 11/9/2001 nữa, quan chức chống khủng bố của Mỹ tuyên bố.
"Al-Qaeda hiện tại rất khó để tập trung lực lượng, tiến hành huấn luyện, gom đủ tài chính để có thể thực hiện một vụ 11/9 khác. Tuy còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng, nhưng có nhiều dấu hiệu chứng tỏ tổ chức gây ra thảm họa 11/9 cho chúng ta đã cơ bản bị tiêu diệt", AFP dẫn lời quan chức Mỹ nói.
Tuy nhiên, "phong trào của tổ chức này vẫn sống sót, tư tưởng thánh chiến toàn cầu vẫn còn tồn tại, 'tư tưởng' của bin Laden vẫn còn ở một số nơi bên ngoài Pakistan". Trong số các chi nhánh của Al-Qaeda, nhóm ở Yemen là mối nguy hiểm nhất đối với Mỹ và nhóm này ngày càng lớn mạnh với chiến dịch tuyên truyền "rộng lớn và có hiệu quả".
Ngoài ra, chuyên gia khác là ông Robert Cardillo, phó giám đốc Văn phòng Chỉ huy tình báo quốc gia Mỹ, cũng có nhận xét tương tự. Ông cho rằng sự phân hóa trong Al-Qaeda cho thấynhững cuộc tấn công khủng bố trong tương lai nhiều khả năng sẽ do các chi nhánh mang tính chất quốc gia thực hiện.
Khi mạng lưới này phát triển, sẽ xảy ra những bất đồng giữa những kẻ đứng đầu về việc theo đuổi một cuộc tấn công toàn cầu hay là tập trung vào các mục tiêu địa phương, nơi có sẵn những căn cứ của các tổ chức thành viên. Ông dự đoán một cuộc tranh luận kịch liệt về phương hướng hoạt động đang xảy ra trong nội bộ Al-Qaeda.
Bằng chứng rõ nhất về của sự thiếu hụt "nhân tố hạt nhân" của Al-Qaeda là việc giảm tần suất của những vụ tấn công liên hoàn thường xuyên. Ông Cardillo cũng lặp lại lời của quan chức tình báo kể trên rằng những cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học, sinh học hoặc phóng xạ nhằm vào nước Mỹ dường như khó có thể xảy ra trong thời gian tới.
Trong khi các cuộc tấn công phức tạp với quy mô lớn đã được loại trừ thì những cuộc tấn công được gọi là "con sói đơn độc" sẽ là mối nguy hiểm. Tuy không được chỉ đạo trực tiếp từ Al-Qaeda nhưng những cuộc tấn công này vẫn là thách thức lớn với lực lượng chống khủng bố, ông Cardillo nhận xét.
Chẳng hạn, vụ xả súng tại Pháp tháng trước của tay súng Mohamed Merah và cuộc tấn công của một người bản địa ở Fort Hood, Texas năm 2009 là những vụ tấn công khó lường.
"Những người hoạt động đơn lẻ như Merah, tự trang bị vũ khí cho mình, tự quyết định thời gian và địa điểm tấn công, là những mục tiêu khó khăn nhất mà chúng tôi phải đối mặt", quan chức tình báo cho hay.
Al-Qaeda cũng đã nhận thấy sự yếu thế của mình trong những cuộc nổi dậy như Mùa xuân Arab. "Tư tưởng" của bin Laden đã bị suy yếu tại các quốc gia Arab.
Tuy nhiên, những cuộc nổi dậy lật đổ chính quyền lại tạo ra những lỗ hổng của lực lượng an ninh và quân đội quốc gia. "Sự thay đổi chính quyền có thể là mối nguy hiểm vì sẽ xuất hiện thêm nhiều kẻ cực đoan trên đường phố trong khi lực lượng an ninh lại suy giảm", quan chức tình báo cho biết.
Tại Syria, Al-Qaeda hy vọng dựa vào các vụ bạo lực vẫn đang tiếp diễn để mong kiếm được một chỗ đứng, và Al-Qaeda không chỉ muốn khoa trương thanh thế khi đã thực hiện xong một cuộc tấn công mà còn rất hứng thú với việc xây dựng các kế hoạch chiến đấu.
Ngoài ra, những kẻ đứng đầu Al-Qaeda cũng muốn tránh các cuộc tấn công hàng loạt tại Iraq. Khác với Yemen, chi nhánh của Al-Qaeda tại Iraq, Somali và khu vực Sahel của châu Phi thường tập trung vào các đối thủ tại địa phương của tổ chức.
Mạng lưới Al-Qaeda tại khu vực Sahel của châu Phi đang cố gắng tạo nên tình trạng bất ổn ở Mali sau cuộc bạo loạn hồi tháng 3 và chiến đấu trong liên minh với phiến quân độc lập Tuareg.
Ở Somali, chi nhánh của Al-Qaeda, quân nổi dậy Shebab đã mất đi nhiều tiếng nói và động lực, lý do chính là bởi những nỗ lực của quân đội Somali đánh trả cũng như ngăn chặn tiếp tế lương thực cho quân nổi dậy từ bên ngoài Somali, quan chức này nhận định.
Vũ Hà (theo AFP)