Trung Quốc tháng trước công bố đề xuất sửa hiến pháp, xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ với vị trí chủ tịch và phó chủ tịch nước, động thái được coi là mở đường để ông Tập Cận Bình tiếp tục nắm quyền sau năm 2023. Quốc hội Trung Quốc ngày 11/3 sẽ biểu quyết về đề xuất này.
Vương Thần, Phó chủ tịch quốc hội Trung Quốc, hôm qua nói với gần 3.000 đại biểu rằng đề xuất sửa hiến pháp được khởi xướng bởi ông Tập tại một cuộc họp của Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 29/9, theo SCMP.
Ông Tập thành lập một nhóm công tác do Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Trương Đức Giang lãnh đạo. Hỗ trợ ông Trương là hai trong số các đồng minh thân cận nhất của ông Tập gồm Lật Chiến Thư và Vương Hỗ Ninh. Cả hai người đều được bầu vào Ban thường vụ Bộ Chính trị tại Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 10/2017.
Ông Vương cũng tiết lộ rằng sau đại hội đảng, họ đã thu thập hơn 2.600 ý kiến từ các cán bộ đảng Cộng sản Trung Quốc và các đảng khác, ông nói. Các lãnh đạo sau đó tổ chức một vòng thảo luận và quyết định tham khảo ý kiến của cán bộ đảng cấp cao đã nghỉ hưu vào tháng 12 năm ngoái. Ông Vương nói rằng tất cả những người tham gia vào quá trình "đều nhất trí ủng hộ" việc thay đổi hiến pháp.
Lần gần đây nhất hiến pháp Trung Quốc được sửa đổi là vào năm 2004, khi thuyết Ba đại diện của ông Giang Trạch Dân được thêm vào. Để thực hiện được điều đó, họ đã mất một năm để chuẩn bị và tham vấn, trong khi đó, đề xuất xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ chỉ mất 5 tháng để hoàn thành.
Một nhà nghiên cứu Trung Quốc giấu tên nói rằng báo cáo của ông Vương dường như là phản ứng chính thức của Bắc Kinh với những đồn đoán rằng đề xuất xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ vấp phải sự phản đối trong nội bộ giới lãnh đạo. "Động thái này gây nhiều tranh cãi. Trong vài tuần qua, chúng tôi thấy có những chỉ trích và phản đối từ các nhà trí thức, doanh nhân cũng như các nhà quan sát Trung Quốc kỳ cựu trên khắp thế giới", ông nói.
Alexander Gabuev, chuyên gia của Trung tâm Carnegie Moscow, nói rằng ông không tin quan chức Trung Quốc đã thu thập nhiều ý kiến về vấn đề này và cũng bày tỏ nghi ngờ về thông tin nói rằng đề xuất nhận được sự ủng hộ rộng rãi.
"Tôi nghĩ đó là một quá trình bí mật, từ trên xuống dưới. Theo tôi được biết thì nhiều người không thích ý tưởng này. Việc Trung Quốc kiểm duyệt truyền thông, mạng xã hội là một dấu hiệu cho thấy điều đó", ông nói.
Các nhà phân tích tại Trung Quốc cho rằng ông Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo có thể đã được tham vấn. Pan Chengxin, giáo sư về chính sách đối ngoại và chính trị Trung Quốc tại Đại học Deakin ở Australia, đánh giá rằng mặc dù trong đảng Cộng sản Trung Quốc có người bất đồng ý kiến, họ sẽ không công khai bày tỏ phản đối vì điều đó sẽ cho thấy nội bộ đảng có lục đục và bị coi là động thái chống lại sự lãnh đạo của ông Tập.
"Thông báo về đề xuất sửa hiến pháp được công bố ngay trước hai kỳ họp của quốc hội và Chính hiệp Trung Quốc. Do đó, đề xuất nhiều khả năng được quốc hội Trung Quốc thông qua. Nếu đề xuất bị bác bỏ, điều đó sẽ làm các lãnh đạo hàng đầu mất mặt", Chengxin nói.
Phương Vũ