Công nhân Triều Tiên tại một xưởng may mặc ở Kaesong. Ảnh: The Guardian. |
Khu công nghiệp Kaesong được các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư và hoạt động trong 10 năm qua với khoản tiền lên tới hàng triệu USD. Tuy nhiên, khi căng thẳng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc lên cao, Bình Nhưỡng đã ra lệnh đóng cửa khu công nghiệp liên Triều này.
Những doanh nhân Hàn Quốc bày tỏ mong muốn được quay trở lại Kaesong làm việc càng sớm càng tốt. Họ nói không thể từ bỏ khoản vốn đầu tư lớn của mình tại các nhà máy, cũng như nguồn nhân công rẻ của Triều Tiên phần nào giúp họ gạt đi nỗi lo về công việc kinh doanh.
Lệnh đóng cửa khu công nghiệp Kaesong đã khiến các doanh nghiệp Hàn Quốc thiệt hại lớn. Một số doanh nghiệp đã lặng lẽ từ bỏ Kaesong hoàn toàn.
AP dẫn lời Giám đốc Hiệp hội các nhà máy Hàn Quốc tại Kaesong Han Jae-kwon, nói: "Chúng tôi đã gây dựng nên khu công nghiệp phức hợp Kaesong bằng chính những giọt mồ hôi nước mắt của mình, với niềm tin rằng Kaesong sẽ có thể hoạt động độc lập. Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là hiện nay, chúng tôi thậm chí còn không thể tới thăm các nhà máy của mình được nữa".
Từ đầu tháng 4, khu công nghiệp Kaesong gần như bị bỏ hoang trước lệnh đóng cửa của Bình Nhưỡng. Hầu hết 900 người Hàn Quốc đang làm việc tại đây đã trở về nước. Những người còn lại đang bám trụ tại Kaesong với nguồn thực phẩm dự trữ của mình.
Giữa tuần qua, một đoàn doanh nhân của Hàn Quốc yêu cầu Triều Tiên cho phép vào khu công nghiệp Kaesong để cung cấp thực phẩm và nhu yếu phẩm cho công nhân của họ, nhưng đã bị từ chối.
Lệnh đóng cửa khu công nghiệp Kaesong là phản ứng của Triều Tiên trước những cuộc diễn tập chung của Mỹ - Hàn, hành động mà Triều Tiên cho là chuẩn bị cho một cuộc xâm lược. Bình Nhưỡng cũng thể hiện sự tức giận khi Seoul ủng hộ lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên khi nước này tiến hành thử nghiệm hạt nhân hồi tháng 2.
Các doanh nghiệp tại Kaesong đang mong đợi một cuộc đối thoại diễn ra giữa Seoul và Bình Nhưỡng khi Mỹ - Hàn kết thúc tập trận vào ngày 30/4 tới, và nuôi hy vọng về khả năng Kaesong được mở cửa trở lại.
Những doanh nghiệp tại đây có thể sẽ nhận được bồi thường nếu hoạt động sản xuất đã bị ngừng trong hơn một tháng, với khoản bảo hiểm của ngân hàng nhà nước cho những thiệt hại lên đến 7 tỷ won (khoảng 6.300.000 đôla).
Đối với các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, hoạt động sản xuất bị ngừng lại trong một ngày cũng đã gây ra thiệt hại lớn. Việc giao hàng chậm trễ khiến khách hàng không hài lòng và sẽ rất khó để lấy lại niềm tin của họ.
Công ty BK Electronics hoạt động tại Kaesong đã đầu tư 4 tỷ won (khoảng 3.600.000 đôla) từ năm 2009. Yoo Byung-ki, Giám đốc điều hành công ty nói: "Tôi không thể vứt bỏ những gì tôi đã đầu tư vào Kaesong. Hiện tại, các thiết bị và máy móc vẫn đang nằm ở đó, trong khi chúng tôi không thể vận chuyển chúng trở về Hàn Quốc".
Kể từ khi có lệnh đóng cửa Kaesong, ông Yoo đã tạm chuyển một số hoạt động sản xuất tới các nhà máy ở Hàn Quốc nhưng điều này sẽ không thể diễn ra lâu do chi phí lao động ở Hàn Quốc cao hơn ở Triều Tiên.
Ông Yoo nói thêm: "Không còn lựa chọn nào khác. Việc nối lại Kaesong cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt. Tôi không thể từ bỏ Kaesong được".
Kaesong là biểu tượng hợp tác xuyên biên giới liên Triều, thu hút các doanh nghiệp Hàn Quốc bởi nguồn vốn đầu tư thấp và nguồn nhân công giá trẻ của Triều Tiên. Năm 2003, chính phủ Hàn Quốc đã triển khai xây dựng các nhà máy ở khu công nghiệp này.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa bắt đầu xuất hiện, thường là ngành dệt may hoặc điện tử. Số lượng các công ty Hàn Quốc đã tăng lên tới 120 công ty do mức tiền lương phải trả cho lao động Triều Tiên rẻ hơn nhiều, chỉ bằng 1/16 lương trung bình của lao động ở Hàn Quốc. Năm ngoái, những nhà máy tại đây đã sản xuất được khối lượng hàng hóa trị giá 470 triệu đôla.
Sau nhiều năm hoạt động, việc kinh doanh ở Kaesong đã đi vào quỹ đạo. Hầu hết những nhà quản lý của Hàn Quốc thường mang thực phẩm tới Kaesong vào thứ hai đầu tuần và ở lại đây quản lý hoạt động của nhà máy rồi lại quay trở về Hàn Quốc vào cuối tuần. Các nguyên vật liệu để sản xuất hàng hóa cũng được mang từ Hàn Quốc sang và sau khi thành sản phẩm lại được chuyển về Hàn Quốc.
Ông Choi Dong-jin, giám đốc điều hành công ty Daemyung Blue Jeans Inc. cho hay, ban đầu, ông đầu tư vào Kaesong bởi tại đây có nguồn nhân công rẻ. Nhưng sau đó, ông Choi nhận ra rằng có rất nhiều chi phí ẩn khi đầu tư vào khu công nghiệp này, ví dụ như không có đủ nhà ở cho những công nhân từ các tỉnh xa xôi tới, không có mạng internet mà thông tin chỉ được truyền qua điện thoại và fax. Và đặc biệt là nếu không có đủ công nhân thì nhà máy chỉ có thể hoạt động được 60 - 70% công suất.
Mặc dù có lợi thế cùng ngôn ngữ giao tiếp giữa quản lý với nhân viên nhưng ông Choi cũng tốn khá nhiều thời gian và tiền bạc để đào tạo kỹ thuật cho công nhân của mình. Sau bốn năm hoạt động, công nhân của ông trở nên khá lành nghề và nhà máy đã thu được nhiều thành tựu đáng kể.
Một trong những điều mà các doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại Kaesong lo lắng nhất hiện giờ là mất đi niềm tin từ phía khách hàng. Một số doanh nghiệp còn lại đang cân nhắc việc rút hoàn toàn khỏi khu công nghiệp Kaesong vì lí do chính trị bất ổn giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.
Thu Hằng (Theo AP)