Mặc dù các cuộc thương lượng mới ở giai đoạn đầu, giới chức của cả hai bên đều cho hay họ muốn đi đến một thỏa thuận. Họ sẽ bàn bạc chi tiết kỹ lưỡng trong hôm nay và ngày mai tại Washington, chuẩn bị cho một cuộc gặp cấp cao vào tháng 3. Nếu hai bên đạt thỏa thuận, đây sẽ là bước tăng cường hiện diện quân sự tiếp theo của Mỹ, sau quyết định đưa thủy quân lục chiến đến bắc Australia và triển khai tàu chiến của hải quân ở Singapore.
Tàu sân bay Mỹ USS George Washington, ngôi sao của Hạm đội 7 ở Thái bình dương. Ảnh: US Navy |
Trong số các lựa chọn đang được đưa lên bàn đàm phán, có đề xuất cho các tàu của hải quân Mỹ hoạt động từ căn cứ Philippines, triển khai binh sĩ, và thực hiện nhiều hơn nữa các cuộc tập trận chung. Với mỗi một đề xuất, quân đội Mỹ đều trở thành khách, hoạt động tại các căn cứ quân sự hiện có dành cho nước ngoài.
Sự đột biến trong việc các nước châu Á Thái bình dương chấp nhận hiện diện quân sự gia tăng của Mỹ là một phần trong chuỗi phản ứng trước sự lớn mạnh nhanh chóng của quân đội Trung Quốc, tờ Washington Post bình luận. Bắc Kinh đang ngày càng mạnh mẽ khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, nơi có nhiều nước khác cũng tuyên bố chủ quyền.
"Chúng ta có thể nhìn động thái của các nước Australia, Singapore, Nhật", một quan chức cấp cao của Philippines tham gia thương thảo với Mỹ, phát biểu với điều kiện không nêu tên. "Chúng tôi không phải là nước duy nhất làm điều này. Tất cả chúng ta đều muốn có một hòa bình và ổn định trong khu vực. Không ai muốn phải đối đầu với Trung Quốc".
Hiện Mỹ có khoảng 600 lính đặc nhiệm ở Philippines, làm nhiệm vụ hỗ trợ quốc đảo chống khủng bố. Tuy nhiên, các cuộc thương thảo đang diễn ra là nhằm mục tiêu củng cố mối quan hệ đối tác với phạm vi rộng lớn hơn nhiều. Quốc gia có hơn 7.000 hòn đảo này cho hay ưu tiên lớn nhất hiện nay là củng cố quốc phòng, đặc biệt tại khu vực lân cận Biển Đông. Manila sẵn sàng trở thành chủ nhà cho các tàu và máy bay trinh sát của Mỹ.
Mỹ hiện có hàng chục nghìn quân nhân đồn trú tại các căn cứ quân sự trải dài từ Nhật, Hàn Quốc xuống Guam qua đảo Diego Garcia trên Ấn Độ Dương, nhưng họ vẫn muốn tăng hiện diện quân sự ở Đông Nam Á. Một trong số các tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới hiện nay đi qua Biển Đông và eo biển Malacca.
Gregorio del Pilar, soái hạm của hải quân Philippines, mới sắm từ Mỹ năm ngoái. Ảnh: Flirk |
Thay vì nỗ lực xây dựng các căn cứ thật lớn như thời Chiến tranh Lạnh, các quan chức Lầu Năm Góc cho hay họ muốn duy trì các cứ điểm nhỏ hơn.
"Chúng tôi không có ý định tạo lập một căn cứ riêng cho quân đội Mỹ ở Đông Nam Á", Robert Scher, phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng phụ trách chính sách an ninh của Mỹ ở khu vực này, phát biểu. "Trong bất kỳ trường hợp nào, mục tiêu cơ bản nhất của chúng tôi vẫn là phối hợp tốt hơn với các bạn hữu và đồng minh. Và điều quan trọng để có được sự phối hợp tốt, đó là hoạt động tại địa bàn của họ".
Trong năm 2011, Mỹ và Philippines đã hợp tác mạnh mẽ trong lĩnh vực hải quân. Quân đội của hai bên thực hiện các cuộc tập trận chung ở phía tây đảo Palawan, trên khu vực tiếp giáp với Biển Đông. Philippines mua tàu chiến lớn nhất hạm đội của mình từ Mỹ và dự định mua tiếp một chiếc nữa phục vụ việc tuần tra bờ biển. Trong dịp kỷ niệm 60 năm quan hệ đồng minh, các quan chức hàng đầu của Mỹ khẳng định rằng Washington luôn sát cánh với Manila trong các vấn đề đảm bảo an ninh và tự do hàng hải.
Thanh Mai