Vào lúc 20h30 ngày 30/4 theo giờ Mỹ (1h30 ngày 1/5 theo giờ Pakistan), bốn trực thăng Black Hawk chở một đội lính biệt kích cất cánh từ căn cứ không quân Ghazi ở phía tây bắc Pakistan và bay về phía một ngôi nhà ba tầng ở thị trấn Abbottabad tại Pakistan để tiêu diệt bin Laden. Từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ theo dõi toàn bộ diễn biến của cuộc tấn công trong thời gian thực.
Khi các máy bay tới gần tòa nhà, các cận vệ của bin Laden phát hiện và nổ súng. Một trực thăng đột nhiên gặp sự cố kỹ thuật, song phi công cố gắng đáp xuống an toàn. Một số báo đưa tin trực thăng chao đảo vì trúng đạn, song về sau giới chức Mỹ bác bỏ tin này.
Biết rằng trực thăng sẽ không thể cất cánh trở lại, những người lính quyết định phá hủy nó ngay lập tức.
“Tôi nghe thấy một tiếng nổ lớn, rồi hàng loạt tiếng súng vang lên. Thế rồi đột nhiên tiếng súng câm bặt và tôi nghe thấy một tiếng nổ lớn hơn”, một người dân địa phương có tên Mohammad Haroon Rasheed kể.
Một cuộc đọ súng ác liệt diễn ra khi toán lính biệt kích tìm cách xâm nhập vào bên trong tòa nhà. Sau vài phút từ khi vượt qua bức tường bao quanh có độ cao tới hơn 5 m, những người lính thấy Osama bin Laden. Ông ta cầm một khẩu súng tự động và bắn về phía họ. Một lính biệt kích bắn vào mặt trùm khủng bố. Viên đạn bay trúng đích và bin Laden lìa đời ngay lập tức. Người lính tiếp tục bắn thêm hai viên đạn vào đầu và ngực của trùm khủng bố để đảm bảo rằng ông ta chết hẳn.
Khoảng 20 phút sau khi toán lính biệt kích tiến vào bên trong ngôi nhà, người chỉ huy thông báo về Washington rằng bin Laden đã bị tiêu diệt. Những tiếng reo hò vang lên tại Nhà Trắng và đại bản doanh của Cục Tình báo trung ương Mỹ. Tổng thống Obama quay sang các cố vấn và nói: "Chúng ta đã diệt được ông ta".
Osama bin Laden tại Afghanistan vào năm 1998. Ảnh: AFP. |
Ông John Brennan, một quan chức phụ trách hoạt động chống khủng bố của chính phủ Mỹ, nói rằng trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm giành giật sự sống, bin Laden đã dùng cô vợ trẻ nhất làm bia đỡ đạn. Tuy nhiên, một quan chức khác trong Nhà Trắng khẳng định vợ của bin Laden chỉ bị thương, chứ không chết.
Đoạn video ghi lại cảnh tượng ngôi nhà sau cuộc tấn công mà đài truyền hình Pakistan công bố cho thấy máu thấm một tấm thảm trong một phòng ngủ. Trong một phòng khác người ta thấy nhiều máy tính vỡ.
Một số báo Mỹ đưa tin toán lính biệt kích Mỹ nhận được chỉ thị là “chỉ giết, chứ không bắt bin Laden”. Một quan chức Mỹ nói: “Ông ta đã chống cự đúng như dự đoán của chúng tôi”.
Chỉ khoảng 40 phút sau khi bắt đầu thực hiện cuộc tấn công, toán lính biệt kích leo lên ba trực thăng còn lại và rời khỏi ngôi nhà. Họ mang theo mọi tài liệu tình báo mà họ tìm thấy cùng với thi thể bin Laden.
Vài giờ sau khi phi đội trực thăng về tới căn cứ Ghazi, xác bin Laden được đưa tới tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ tại biển Ảrập. Tại đây các chuyên gia so sánh mẫu ADN của tử thi với mẫu ADN lấy từ người em gái của bin Laden. Người phụ nữ này tử vong vì bệnh ung thư tại thành phố Boston, Mỹ từ nhiều năm trước và giới chức Mỹ giữ thi thể của bà.
Những bức ảnh chụp cái xác, với một lỗ thủng do đạn tạo ra ở phía trên mắt trái, được truyền thẳng về thủ đô Washington. Sau khi thực hiện các nghi thức khâm liệm người chết theo đúng truyền thống của đạo Hồi, thi thể bin Laden được ném xuống biển.
Lúc 23h30 phút đêm 1/5, Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo tới toàn thể người dân Mỹ và thế giới rằng trùm khủng bố khét tiếng nhất hành tinh Osama bin Laden đã bị tiêu diệt trong một cuộc tấn công của lính Mỹ. Ông bình luận rằng "công lý đã được thực thi".
Minh Long