Sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo lính biệt kích Mỹ đã tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden tại Pakistan vào tối 1/5, hình ảnh một người đàn ông với khuôn mặt đầy máu xuất hiện trên các báo của Anh như Mail, Times, Telegraph, Sun và Mirror.
Bức ảnh còn được phát tán nhanh chóng trên mạng xã hội Twitter trước khi các báo phát hiện ra rằng họ bị lừa và gỡ xuống. Trên thực tế, nó được ghép từ một bức ảnh bin Laden còn sống và ảnh một người đàn ông đã chết từng gây xôn xao trên các cộng đồng mạng cách đây hai năm.
Bức ảnh giả mạo (ngoài cùng bên phải) mà nhiều báo sử dụng được ghép từ hai bức ảnh bên trái. Ảnh: Guardian. |
Guardian là một trong số ít báo lớn ở Anh không đăng bức ảnh. Ban biên tập Guardian cho biết, có vẻ như báo điện tử The Media Line (themedialine.org) ở Trung Đông đã đăng bức ảnh lần đầu tiên vào ngày 29/4/2009 kèm theo cảnh báo rằng “tòa soạn không đảm bảo tính xác thực của bức ảnh”.
Tuy nhiên, từ đó tới nay hàng loạt diễn đàn lấy lại bức ảnh và khẳng định đó là “đồ thật”. Nhiều cư dân mạng dùng bức ảnh để khẳng định rằng Osama bin Laden đã bị giết.
Giới chức Mỹ đã ra lệnh kiểm tra mẫu ADN lấy từ xác của bin Laden để đảm bảo chắc chắn rằng ông ta đã chết. Kết quả kiểm tra sẽ được công bố trong vài ngày tới. Một quan chức Mỹ tiết lộ trùm khủng bố sẽ được chôn dưới biển do Washington lo ngại không nước nào muốn nhận xác ông ta.
Ngoài bin Laden, ba người đàn ông và một phụ nữ cũng bị giết trong khu dinh thự ở thị trấn Abbottabad vào tối 30/4. Một người đàn ông được xác định là con trai của bin Laden, còn hai người đàn ông kia làm nhiệm vụ đưa tin cho trùm khủng bố. Người phụ nữ bị thuộc hạ của bin Laden bắt làm bia đỡ đạn.
Minh Long