Lối vào Ellingham Hall, nơi Assange tại ngoại hầu tra. Ảnh: AFP |
Ngôi nhà lớn có 10 phòng ngủ mang tên Ellingham Hall nằm gần Bungay trên ranh giới giữa hai vùng Norfolk và Suffolk, một trong những nơi đẹp nhất nước Anh, sẽ là nơi ông chủ trang Wikileaks tại ngoại hầu tra, thay cho phòng giam trong nhà tù Wandsworth London mà Assange đã ở hơn một tuần qua.
Ngôi nhà sang trọng này thuộc sở hữu của Vaughan Smith, một người ủng hộ trang Wikileaks từng có thời gian phục vụ trong quân đội Anh trước khi sáng lập ra câu lạc bộ báo chí Frontline tại London.
Julian Assange đã được "Mạnh thường quân" Smith biệt đãi bằng ngôi nhà nghỉ sang trọng của mình, nhưng phải tuân thủ các quy định tại ngoại hầu tra do toà án quy định. Theo đó nghi phạm này phải đeo một thiết bị giám sát điệt tử, thường xuyên phải báo cáo với cảnh sát và chịu chế độ theo dõi chặt chẽ. Những người ủng hộ ông cũng đã đóng góp khoản tiền bảo lãnh với toà tương đương 374.000 USD.
Trước đó vào tối qua khi trời London đổi từ mưa sang tuyết rơi, Julian Assange bước ra ngoài trụ sở Toà án Tư pháp Hoàng gia và xuất hiện trước một rừng các phóng viên đang đợi. Mặc chiếc áo vest tối màu và sơ mi không cà vạt, người sáng lập Wikileaks là tâm điểm của những ánh đèn chớp liên hồi từ hàng trăm phóng viên ảnh ghi lại khoảng khắc ông được tự do.
Đằng sau khối người dày đặc gồm các nhà báo, phóng viên ảnh và quay phim là đám đông những người ủng hộ Assange. Họ liên tục hô vang khẩu hiệu: “Julian, Julian, Julian, thả, thả thả” ăn mừng sự kiện ông được phóng thích. Những người này còn tranh thủ thể hiện niềm vui trước các ống kính phóng viên.
Ngay sau khi được tại ngoại, Assange cũng tuyên bố sẽ "tiếp tục công việc và bảo vệ sự vô tội" của mình. BBC cho biết, khi bước ra ngoài toà án để gặp các nhà báo, người sáng lập Wikileaks thốt lên: "Thật tuyệt khi lại được cảm nhận không khí trong lành của London". "Nếu không phải lúc nào cũng có công lý, thì ít nhất công lý vẫn còn chưa chết", Assange nói thêm.
Julian Assange sau 8 đêm trong tù. Ảnh: AFP |
Việc ông chủ Wikileaks được tại ngoại sẽ càng kéo dài thêm thời gian có thể đưa ra phán quyết cuối cùng về việc có dẫn độ người này từ Anh sang Thụy Điển hay không. Giới chức quốc gia Bắc Âu đang yêu cầu đưa Julian Assange về để thẩm vấn liên quan đến cáo buộc cưỡng hiếp hai cô gái người địa phương. Assange phủ nhận mọi cáo buộc từ Thụy Điển và coi việc này chỉ mang động cơ chính trị.
Theo luật của Anh, phiên toà ra phán quyết về quyết định dẫn độ phải được tổ chức trong vòng 21 ngày kể từ khi nghi phạm bị bắt. Theo đó Julian Assange bị bắt ngày 7/12, đồng nghĩa với việc ông sẽ ra toà trở lại vào ngày 28/12 tới. Nhưng nhiều khả năng phiên toà này vẫn chưa thể ra quyết định cuối cùng về việc có dẫn độ ông chủ Wikileaks về Thụy Điển hay không.
Trang Wikileaks của Assange lần lượt công bố hơn 250.000 thư tín ngoại giao của Mỹ từ ngày 28/11 đến nay, phơi bày hậu trường gây sốc về nền ngoại giao toàn cầu. Washington và một số nước kịch liệt lên án hành động trên và tuyên bố đây là "sự tấn công vào cộng đồng quốc tế".
Trong khi đó, nhiều người gồm cả một số nguyên thủ lên tiếng ủng hộ Julian Assange và trang Wikileaks. Bản thân Assange cũng liên tục khẳng định mình không làm gì sai và đã góp phần tạo ra kiểu "báo chí khoa học", trong đó cho phép độc giả được tiếp cận với các nguồn tài liệu nguyên bản chưa qua bất cứ khâu biên tập nào.
Đình Nguyễn