Một đêm thu lạnh giá ở khu công nghiệp bỏ hoang tại Turin, Italy, nhiệt độ xuống gần mức đóng băng, mỗi góc đường lại có một cô gái trẻ phong phanh trong bộ đồ ngắn cũn cỡn, đứng cạnh bếp lò giữ ấm, theo CNN.
Họ chỉ rời khỏi vị trí để vẫy chào mỗi khi có xe chạy ngang qua. Những phụ nữ này nằm trong làn sóng người nhập cư đến từ châu Phi hạ Sahara vượt biên sang châu Âu với mong muốn đổi đời.
Năm 2016, khoảng 11.000 phụ nữ Nigeria đã tới Italy bằng đường biển, theo thống kê của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM). Họ đối mặt nguy cơ trở thành nạn nhân của mại dâm. Trong hành trình tới miền đất hứa, nhiều người đã bị cưỡng hiếp, lạm dụng và suýt chết khi vượt Địa Trung Hải trên những con xuồng cao su mỏng manh.
Giấc mộng châu Âu
Một trong số đó là Becky, 17 tuổi, đến từ bang Edo của Nigeria, quyết chí sang châu Âu khi mới 15 tuổi. Becky là trẻ mồ côi, làm giúp việc cho một phụ nữ giàu có ở Nigeria và luôn mơ ước trở thành bác sĩ. Con gái của bà chủ sống ở châu Âu và Becky bị cuốn hút bởi viễn cảnh cuộc sống tốt đẹp ở châu lục này.
"Cô ấy bảo tôi, 'khi đến châu Âu, em sẽ có nhiều cơ hội, được đi học, có mọi thứ trong tay'", Becky nhớ lại khi đang ngồi trên giường một trại dành cho phụ nữ nhập cư bị buôn bán ở miền bắc Italy.
"Cô ấy nói ở đó tôi được tùy ý làm điều mình muốn. Thế giới đó rất tự do. Tôi nghe mà mê mẩn. Cô ấy nói tiếp, 'thế này nhế, có thể em gái chị sẽ giúp được em '. Tôi nghe mà mừng rỡ, muốn đi châu Âu ngay".
Becky được sắp xếp rời khỏi Nigeria và khi tới Libya, cô bị nhốt 5 tháng trong một trung tâm giam giữ người nhập cư. Thiếu nữ liên tục bị quản giáo cưỡng hiếp, những người mà Becky cho là dân quân Libya.
"Đó là trải nghiệm đáng sợ nhất trong đời tôi", Becky nói, run lên khi kể lại bị tát vào mặt để đánh thức, thỉnh thoảng còn bị cưỡng hiếp ngay trước mặt những người di cư khác trong căn buồng ở chung.
"Ta cứ la hét, cứ cầu cứu, nhưng sẽ không ai đến cả. Chúng cưỡng hiếp, làm bất kỳ điều gì mà chúng muốn, còn ta không có quyền lựa chọn", Becky kết luận.
Sau khi những kẻ buôn người trả tiền cho bên bắt giữ, Becky được tự do. Nhưng thử thách chưa dừng ở đó. Cô gái trẻ mang thai, nhưng mất con khi bị những kẻ buôn người ép uống một thứ chất lỏng.
"Tôi không rõ chuyện gì đã xảy ra nữa, chỉ nhớ được đưa một chai nước và uống xong, tôi bắt đầu ra máu. Khi đó, tôi đau tới toát mồ hôi", Becky nói.
Ép bán dâm
Không được phép tĩnh dưỡng, Becky bị dồn lên một chiếc thuyền cùng 4 cô gái khác, và cuối cùng được đưa tới một trại dành cho người nhập cư ở Sicily, Italy. Sau đó, đối tác của bên buôn người đưa cô tới thủ phủ tỉnh Palermo.
"Tôi đã hy vọng mình cuối cùng có thể đi làm. Khi đó, tôi vẫn không hay chuyện gì sắp đến với mình", Becky nhớ lại.
Những kẻ đưa Becky tới châu Âu nói cô mắc nợ 35.000 EUR và ép thiếu nữ phải bán dâm trên phố để trả nợ.
"Chúng cho tôi mặc đẹp, làm tóc, trang điểm. Lúc đó tôi thậm chí vẫn chưa hiểu chúng muốn gì. Tôi còn được dúi vào tay một cái túi đầy bao cao su", Becky tâm sự.
Cô bị thả ở vệ đường, được lệnh phải kiếm về 200 EUR.
"Giá tối đa cho một lần đi khách là 30 EUR. Hãy tính xem cô phải ngủ với bao nhiêu người cho đủ số đó", Becky nói. "Trả nợ, trả nợ, trả nợ, điệp khúc ấy không bao giờ kết thúc".
Becky nói cô từ chối nghe lệnh và khi quay về với hai bàn tay trắng vào sáng hôm sau, cô bị đánh đập dã man. Cuối cùng, thiếu nữ quết định chạy trốn. Cô không còn phải đứng đường nữa mà được PIAM, một tổ chức phi chính phủ (NGO) vì quyền lợi người nhập cư chăm sóc.
PIAM do một phụ nữ Nigeria có tên Princess Inyang Okokon sáng lập. Bà cũng là nạn nhân của những kẻ buôn người. PIAM đã giúp đỡ và giải cứu 400 phụ nữ Nigeria từ năm 1999. Becky, cũng như nhiều phụ nữ trẻ sống ở trung tâm, được học tiếng Italy và học làm gốm sứ trong một xưởng thủ công nhỏ.
Cảnh báo
Paoloo Borgna, phó giám đốc sở công tố thành phố Turin, đã dành nhiều năm để thay đổi nạn buôn bán phụ nữ Nigeria. Ông cho biết độ tuổi bị ép bán dâm đang trẻ hóa và rất khó để thuyết phục nạn nhân trình báo cảnh sát.
Theo ông Borgan, trước đây Italy thường khuyến khích nạn nhân trình báo bằng cách cấp giấy tạm trú hợp pháp, nhưng tình hình bây giờ đã khác. Nạn nhân trình báo phải mất vài năm để chính quyền xem xét khiếu nại và cấp giấy tạm trú.
"Điều cần làm bây giờ là thay đổi ở cấp hành chính chứ không phải cấp tư pháp, cần giảm thời gian chờ đợi kết luận đơn xin tị nạn", ông nói.
Dù Becky tự nhận là người may mắn khi thoát khỏi tay bọn buôn người, nhưng những gì đã trải qua vẫn khiến cô gái gặp chấn thương tâm lý và phải điều trị.
"Đối với nhiều người, nếu bảo họ chớ có đi, họ càng không nghe lời. Bởi vì họ cho rằng cuộc sống ở nước ngoài rất tuyệt vời. Ai cũng muốn tới đây, tận mắt chứng kiến cuộc sống thế nào. Nhưng mọi thứ không như họ tưởng", Becky kết luận.
"Tôi sẽ không khuyên bảo ai thử tới châu Âu giống tôi hết. Vì tôi đã may mắn sống sót, nhưng có thể bạn thì không", cô cảnh báo.
Hồng Hạnh