"Tám trăm đây", chủ phiên đấu giá rao to. "900 ... 1.000 ... 1.100 ..." Bán. Chốt giá là 1.200 đồng dinar Libya, tương đương 800 USD, thứ được bán không phải xe cũ, miếng đất hay món đồ, mà hai người sống, theo CNN.
Trong video quay hồi tháng 8 ở Libya có hai người, một là người Nigeria, khoảng 20 tuổi, mặc áo phông, quần dài.
"Thanh niên mạnh khỏe, thích hợp làm việc đồng áng", người bán vừa chào mua vừa gạt camera đi.
Sau khi xem cảnh đấu giá nô lệ trên, 6 phóng viên của CNN đã tới Libya mở phóng sự điều tra. Mang theo camera bí mật vào một khu đất ngoại ô thủ đô Tripoli tháng trước, các phóng viên chứng kiến khoảng 10 người được mua bán trong vòng 6-7 phút.
"Có ai cần thợ đào đất không? Có thợ đào đất đây, lực lưỡng khỏe mạnh", người bán rao.
Người mua liên tục giơ tay. "500, 550, 600, 650 ..." Trong vòng vài phút, phiên bán kết thúc, số phận của những người đàn ông này được trao cho "chủ mới".
Màn đấu giá kết thúc. Phóng viên CNN cố tiếp xúc với hai trong số những người bị bán. Họ tỏ ra cực kỹ sợ hãi, không nói được lời nào và nghi ngờ mọi người mình gặp.
Trấn áp
Mỗi năm, hàng chục nghìn người vượt biên vào Libya. Họ là những người tị nạn chạy trốn chiến tranh hoặc muốn sang châu Âu kiếm tiền đổi đời. Đa số bán đi mọi tài sản mình có để lấy tiền vượt biên qua Libya tới Địa Trung Hải.
Tuy nhiên, lính biên phòng Libya gần đây siết chặt kiểm soát, khiến số lượng thuyền chở người vượt biển ít hơn. Do đó, những người di cư và tị nạn trở thành nô lệ, còn dân buôn lậu trở thành kẻ buôn người.
Những thước phim trên đã được bàn giao làm bằng chứng cho chính quyền Libya. Giới chức hứa sẽ mở cuộc điều tra.
Đại úy Naser Hazam, người đứng đầu cơ quan chống di dân trái phép của chính phủ ở Tripoli cho biết dù ông chưa chứng kiến vụ đấu giá nô lệ nào, nhưng có biết các băng nhóm có tổ chức đang điều hành đường dây buôn người trong nước.
"Chúng thường nhồi 100 người đầy thuyền. Những kẻ này có thể làm bất kỳ chuyện gì", ông Haazam nói. "Bọn buôn lậu không quan tâm chừng nào chúng còn kiếm được tiền, còn người di cư có thể tới được châu Âu hoặc chết trên biển".
"Tình hình rất kinh khủng", Mohammed Abdiker, giám đốc cơ quan cứu trợ khẩn cấp của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho biết sau chuyến thăm Tripoli hồi tháng 4. "Những báo cáo mới nhất về 'chợ nô lệ' người nhập cư có thể thêm vào danh sách dài những báo cáo kinh khủng trước đó".
Những vụ đấu giá nô lệ diễn ra ở những thị trấn bình thường tại Libya, nơi trẻ em vui đùa trên phố, người lớn đi làm, trò chuyện với bạn bè, hay nấu nướng cho gia đình.
Tuy nhiên, bên trong các phiên đấu giá, thời gian như quay ngược lại. Điều duy nhất không xuất hiện là gông cùm ở cổ tay và cổ chân nô lệ.
Trắng tay
Anes Alazabi là giám sát viên một trung tâm giam giữ người nhập cư chờ trục xuất ở Tripoli. Anh thường nghe "hàng tá câu chuyện" về bọn buôn lậu lạm dụng người.
"Tôi đau lòng cho họ. Những điều tôi thấy hàng ngày ở đây, hãy tin tôi đi, làm tôi rất đau đớn", anh nói. "Ngày nào tôi cũng được nghe kể một chuyện mới. Tôi phải nghe hết chuyện của họ. Người ta có quyền được nói".
Vitory, một thanh niên trong trại giam kể rằng cậu từng bị mua bán trong một cuộc đấu giá nô lệ. Chán chường vì tình trạng tham nhũng ở quê nhà Nigeria, chàng trai 21 tuổi trốn đi, mang theo toàn bộ tiền tích cóp, với đích đến là châu Âu.
Đặt chân lên Libya, nơi cậu và những người nhập cư khác bị giam giữ trong điều kiện khắc nghiệt, bị đánh đập, bỏ đói và ngược đãi bởi những kẻ buôn lậu.
"Nếu anh nhìn hết những người ở đây, khám người họ, sẽ thấy đầy vết bị đánh đập, ngược đãi", Victory nói.
Khi tiền mang theo hết sạch, Victory bị bán làm công nhân lao động ban ngày, với lý tiền bán mình sẽ giúp trả nợ cho cậu. Vài tuần sau khi bị ép đi lao động, chúng lại bảo Victory rằng số tiền kia không đủ trả nợ. Một lần nữa, cậu trở lại tay bọn buôn người, và cứ thế bị bán đi bán lại nhiều lần. Cuối cùng, chúng yêu cầu gia đình Victory trả tiền chuộc mới thả cậu ra.
"Tôi đã bỏ ra hơn 2.780 USD", Victory ngồi trong trại giam, kể lại chuyện. Cậu đang chờ ngày về Nigeria. "Mẹ tôi thậm chí phải đi tới vài ngôi làng mới vay đủ tiền chuộc tôi".
Vì tuyến đường vượt biên xuyên Bắc Phi đang ngày một nguy hiểm, nhiều người di cư đã từ bỏ ước mơ đặt chân tới bờ biển châu Âu. Năm nay, hơn 8.800 người đã tự nguyện hồi hương dưới sự giúp đỡ của IOM.
Trong khi nhiều bạn bè thành công tới châu Âu, Victory buộc phải từ bỏ giấc mộng, hồi hương với hai bàn tay trắng.
"Tôi không vui. Tôi phải quay về, làm lại từ đầu. Sự thật này rất đau đớn", cậu nói.
Hồng Hạnh