Trong cái lạnh cắt da, cắt thịt ở thành phố Irkutsk, vùng Siberia cách thủ đô Moscow của Nga gần 5.000 cây số, một phụ nữ 39 tuổi và chồng 42 tuổi bước vào phòng khám của trung tâm tư vấn về bệnh AIDS. Đội nguyên mũ len to sụ, hai người vào gặp bác sĩ như thể họ chỉ ghé qua đây chốc lát rồi đi ngay. Sắc mặt họ trông u buồn, hai má trũng xuống.
Bác sĩ khuyên họ dùng thuốc điều trị virus HIV càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nghĩ đến viễn cảnh từ giờ cho đến hết đời phải đều đặn uống thuốc hai lần một ngày khiến họ hoảng sợ. Hai vợ chồng chắc "như đinh đóng cột" rằng căn bệnh thế kỷ AIDS không tồn tại và thứ virus họ đang mang trong người là một "trò bịp bợp" do các hãng dược phẩm của Mỹ dựng lên. Cặp vợ chồng thấy các trang mạng của Nga và báo chí địa phương đưa tin như thế suốt bao nhiêu năm qua, theo Daily Beast.
"Nhiều bệnh nhận lo lắng về việc phải uống thuốc hơn là nguy cơ truyền virus sang người khác", bác sĩ của trung tâm Oksana Razumovskaya cho biết.
Dịch HIV/AIDS đang lan nhanh ở Nga như một đám cháy rừng vào mùa khô. Hãng AFP dẫn số liệu thống kê mới nhất cho thấy ở xứ sở bạch dương, hiện mỗi giờ có thêm 10 trường hợp nhiễm virus HIV. Và trong 6 tháng đầu năm nay, mỗi ngày có 80 người chết vì những căn bệnh liên quan tới AIDS, tăng 60% so với năm 2016.
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tốc độ lây lan là do nhiều bệnh nhân nhiễm HIV không tự nguyện dùng thuốc nhằm ức chế sự nhân lên của virus và cải thiện chất lượng sống.
Nhiều trang mạng, diễn đàn online và các nhóm trò chuyện ở Nga, với hàng nghìn thành viên tham gia, phủ nhận sự tồn tại của HIV và kêu gọi người nhiễm virus không cần điều trị.
"Chuyện hoang đường nhất thế kỷ 20", một nhóm online nói về HIV/AIDS. Các thành viên cho rằng thuốc điều trị virus HIV là "thuốc độc" và các bác sĩ là "những kẻ giết người" đang làm giàu cho các công ty dược phẩm. Chưa dừng lại ở đó, các diễn đàn trên mạng còn hướng dẫn mọi người cách từ chối điều trị và hùng hồn tuyên bố HIV/AIDS là "thuyết âm mưu" được dựng lên để "kiểm soát" sự gia tăng của dân số thế giới.
Bị liệt vào danh sách 28 tỉnh thành của Nga với hơn 1% dân số nhiễm HIV, Irkutsk là một trong ba thành phố có tỉ lệ người mắc bệnh cao nhất. Các bác sĩ ở trung tâm tư vấn AIDS cho rằng Irkutsk có rất đông "người bất đồng chính kiến HIV", hiểu nôm na là người từ chối điều trị vì tin vào thông tin sai lệch do một số bác sĩ địa phương phát tán.
"Một số bác sĩ ở đây rêu rao rằng HIV không tồn tại", bác sĩ tư vấn Plotnikova nói.
Người đứng đầu chiến dịch "bất đồng chính kiến HIV" ở Irkutsk là nhà nghiên cứu bệnh học Vladimir Avdeyev. Ông này thường xuyên khẳng định trên truyền hình và báo chí địa phương rằng không ai có thể bị nhiễm HIV bất chấp thực tế đã có hàng nghìn người ở thành phố này chết vì AIDS.
Theo AFP, chưa đến một nửa số người nhiễm HIV ở Nga đang điều trị, tuy nhiên, không có thống kê chính xác có bao nhiêu người không uống thuốc vì tin vào những lời đồn thổi trên mạng.
"Thật không thể chấp nhận được trong thời đại này, vẫn có những đứa trẻ (nhiễm HIV) đang chết dần chết mòn khi mà chúng ta hoàn toàn có cách điều trị", Alexey Yakovlev, bác sĩ ở Saint-Petersburg, nói về vụ một bé gái 10 tuổi tử vong hồi tháng 8 sau khi gia đình nhất quyết không cho cô bé điều trị vì không tin HIV là có thật.
Một phần lý do dẫn đến việc nhiều bệnh nhân HIV ở Nga phản đối điều trị là vì người Nga cực kỳ thích thuyết âm mưu, Yelena Dolzhenko, một nhân viên tại trung tâm dự phòng AIDS Moscow cho biết.
"Trên TV, người ta hàng ngày vẫn đang nói về nước Nga bị kẻ thù bao vây như thế nào và rằng chúng ta phải chiến đấu chống lại tất cả", nữ chuyên gia Dolzhenko cho rằng phong trào bài phương Tây ở Nga cũng góp phần giúp "thuyết âm mưu" ngày một lan rộng.
Những tổ chức hoạt động chống lại căn bệnh thế kỷ nhận xét cơ quan y tế Nga hiện vẫn tuyên truyền tới người dân rằng biện pháp tốt nhất để tránh nhiễm HIV không phải là bao cao su mà là chỉ cần chung thủy và tôn trọng " các giá trị gia đình truyền thống". Tuy nhiên, thống kê cho thấy 30% phụ nữ Nga nhiễm HIV từ chính bạn trai hoặc chồng của mình, chuyên gia Dolzhenko nói.
"Những thông tin tuyên truyền kiểu như thế không giúp ích gì cả mà chỉ làm cho tình hình xấu thêm. Và thái độ phủ nhận HIV cũng có thể bắt nguồn từ những thông tin như vậy", cô Dolzhenko nói.
"Hãy thử tưởng tượng một cô gái ngoan đạo đến nhà thờ vào mỗi sáng chủ nhật, kết hôn và rồi được thông báo nhiễm HIV", Dolzhenko lấy ví dụ. Khi mà HIV vẫn còn được coi là căn bệnh của người nghiện thuốc phiện và "dân Mỹ đồng tính" như truyền thông Nga đưa tin thì "cô gái này sẽ tin rằng HIV chẳng liên quan gì đến mình".
An Hồng