Yorlenis Gutierrez, 28 tuổi, chật vật tìm mua thuốc tránh thai trong nhiều tháng qua nhưng mọi cố gắng đều vô ích. Nghèo đói và lạm phát dẫn tới khan hiếm thuốc tránh thai và bao cao su ở quốc gia Nam Mỹ, Washington Post đưa tin.
Không thể mua thêm được thuốc tránh thai, Gutierrez và chồng quyết định "nhịn" quan hệ tình dục. Tuy nhiên, cả hai đều biết họ không thể "ăn chay trường" mãi. Dù đã cố gắng cẩn thận nhưng cuối cùng Gutierrez vẫn dính bầu và đang mang thai đứa con thứ hai.
"Giờ chúng tôi còn chẳng ăn đủ ba bữa một ngày", Gutierrez tỏ ra tuyệt vọng cho biết trước khủng hoảng kinh tế, cô làm nhân viên gội đầu ở một tiệm làm tóc. "Tôi không chắc chúng tôi sẽ nuôi thêm một miệng ăn nữa như thế nào đây".
Giá dầu thế giới lao dốc đẩy nền kinh tế Venezuela vào khủng hoảng và lạm phát phi mã. Người dân phải xếp hàng hàng giờ để chờ tới lượt mua bánh mì. Giá cả lương thực tăng chóng mặt theo ngày. Thuốc men, từ kháng sinh cơ bản cho đến các biệt dược trị bệnh ung thư, trở nên khan hiếm.
Không có số liệu thống kê chính thức nhưng các bác sĩ Venezuela ghi nhận các ca có thai ngoài ý muốn và bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục tăng nhanh trong thời gian gần đây. Nguyên nhân là do thiếu thuốc tránh thai và bao cao su.
Để đối phó với vấn đề, truyền thông nhà nước Venezuela liên tục đăng các bài báo phổ biến "phương pháp đếm ngày" để ngừa có thai ngoài ý muốn. Theo đó, chuyên gia dạy phụ nữ Venezuela cách tính toán ngày rụng trứng và tư vấn họ không quan hệ vào những ngày đó. Một bài viết trên trang tin Cactus24 liệt kê "15 cách tránh thai" bao gồm ăn đu đủ hai lần một ngày hay uống hai cốc trà với gừng tươi.
Nhiều phụ nữ Venezuela sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram và Twitter như là kênh "chợ đen" mua bán các loại thuốc tránh thai, vòng tránh thai hay thuốc cấy tránh thai implant. Một số năn nỉ bạn bè hoặc các mối quan hệ quen biết để nhờ mua hộ các loại thuốc tránh thai từ nước ngoài đem về Venezuela.
"Lần cuối cùng tôi mua được thuốc tránh thai là nhờ chị dâu mua hộ từ Colombia", Alejandra Moran, 27 tuổi làm trong lĩnh vực xuất bản ở thủ đô Caracas nói. "Tháng 12 này, tôi có chuyến đi tới Tây Ban Nha, tôi sẽ chất đầy va-li về để bản thân và bạn bè dùng dần".
Trước kia, các dụng cụ tránh thai, như thuốc, vòng và bao cao su, được phát miễn phí ở các bệnh viện công. Tuy nhiên, do khủng hoảng kinh tế, chính phủ Venezuela đã ngừng cung cấp, dẫn tới tình trạng khan hiếm trên thị trường.
"Việc tìm mua đặc biệt khó với thanh niên", Vanessa Diaz, bác sĩ phụ khoa ở bệnh viện Caracas University. "Bao cao su từng được phát miễn phí rộng rãi với nhiều thương hiệu để lựa chọn và giá khá rẻ. Nhưng bây giờ không còn như thế nữa".
Theo các chuyên gia, tình trạng này dẫn tới một vấn đề nghiêm trọng hơn. Các ca phá thai tại nhà gia tăng nhanh chóng. Luật pháp Venezuela không cho phép phụ nữ phá thai chỉ trừ trường hợp bảo vệ tính mạng của người mẹ.
Bác sĩ sản Marissa Loretto tại bệnh viên Caracas’s Concepción Palacios Maternity, vừa chữa trị cho một phụ nữ trẻ tự phá thai tại nhà bằng cách nhét lá mùi tây và xà phòng giặt vào tử cung. Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện trong tình trạng xuất huyết nặng và các cơn co thắt tử cung khiến cô gái trẻ bị sảy thai. Và bác sĩ Loretto cho biết bệnh nhân còn bị nhiễm trùng nặng dẫn tới phải cắt bỏ tử cung.
Theo hiệp hội dược sĩ Venezuela, số lượng các dụng cụ và thuốc tránh thai dự trữ trong tại các bệnh viện và nhà thuốc ở nước này đã giảm 90% kể từ năm 2015.
Một hiệu thuốc ở trung tâm thủ đô Caracas cho biết đã hơn một năm nay họ không nhập được thuốc tránh thai về bán. Các đó hai dãy nhà, tại một tiệm thuốc khác, một khách hàng nữ tầm 20 tuổi muốn mua thuốc tránh thai, buộc phải mua 21 viên thuốc với giá chợ đen khoảng 3 USD, tương đương với 1/3 mức lương tối thiểu hàng tháng của người lao động Venezuela.
"Đắt thật đấy nhưng tôi cần mấy viên thuốc này", cô gái nói, từ chối tiết lộ tên thật rồi nhanh chóng rời khỏi hiệu thuốc.
Trong các tủ thuốc, giờ chỉ còn một số loại bao cao su chất lượng thấp nhập khẩu, tuy nhiên giá thành vẫn cao so với túi tiền của nhiều người. Một hộp gồm ba chiếc bao cao su tính ra bằng vài ngày lương tối thiếu.
"Tôi 'thừa kế' lại đống bao cao su từ thằng bạn thân. Khi di cư đi Mỹ, nó đã để lại cho tôi dùng", Juan Noguera, 28 tuổi, một chuyên gia nghiên cứu về kinh tế đang thất nghiệp, cho biết. "Thỉnh thoảng, bạn bè chúng tôi dùng chung bao cao su của nhau. Đấy gọi là kinh tế chia sẻ".
Tình trạng quan hệ tình dục không có biện pháp bảo vệ đang là nguyên nhân dẫn tới gia tăng các ca nhiễm HIV và bệnh truyền nhiễm như lậu, giang mai và mụn rộp.
María Eugenia Landaeta, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Caracas University, cho biết số bệnh nhân HIV đang điều trị tại đây đã tăng vọt lên 5.600 ca trong năm nay so với 3.000 ca năm 2014.
"Tại phòng khám tư của tôi, cứ 5-6 trên 10 người mắc bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục", bác sĩ Diaz nói. "Hai năm trước, con số này chỉ hai hoặc ba người thôi".
Tình hình còn bi đát hơn vì các bác sĩ không có đủ thuốc để điều trị theo đúng pháp đồ.
"Một số loại thuốc cơ bản như penicillin, thuốc kháng sinh rẻ nhất trên thế giới, cũng không thể tìm thấy ở đất nước này", Moraima Hernández, bác sĩ dịch tễ làm việc tại bệnh viện Concepción Palacios Maternity, than phiền.
Sau nhiều tháng không tìm mua được thuốc tránh thai, Lorena Mendez, chuyên gia kinh tế 24 tuổi, quyết định không thể tiếp tục mạo hiểm "đánh đu" với nguy cơ có bầu. Qua mạng xã hội Instagram, cô tìm thấy một đầu mối "chợ đen" bán que chứa hormone progesterone nhỏ như que diêm cấy vào dưới da có thể giúp ngừa thai trong vòng ba năm.
"Cực kỳ đắt nhưng không nhiều người mua được đâu. Tôi thấy xứng đáng đồng tiền mà. Giờ tôi có thể yên tâm rồi", Mendez nói.
An Hồng