Sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều hôm 27/4, một bầu không khí lạc quan bao trùm thủ đô Seoul của Hàn Quốc như lời Tổng thống Moon Jae-in phát biểu "Mùa xuân đã đến bán đảo Triều Tiên". Khẩu hiệu giăng trên phố phường ở trung tâm Seoul và các bài báo cũng truyền đi một thông điệp đầy hy vọng tương tự, khiến người dân càng thêm phấn chấn.
"Tôi đã khóc khi chứng kiến cảnh tượng đó", Lee Chan-young, sinh viên 20 tuổi ngành ẩm thực nhớ lại thời khắc lịch sử khi lãnh đạo Triều Tiên bắt tay Tổng thống Hàn Quốc tại ranh giới quân sự phân chia hai miền. "Cảm giác giống như giấc mơ đã trở thành hiện thực".
Không ai nghi ngờ về tầm quan trọng lịch sử của hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba tại làng đình chiến Panmunjom hồi cuối tháng 4. Lần đầu tiên kể từ năm 1953, một lãnh đạo Triều Tiên đặt chân lên lãnh thổ Hàn Quốc. Tuy nhiên, cuộc gặp này cũng đánh dấu sự khởi đầu cho một tiến trình dài và phức tạp để thiết lập hòa bình thực sự trên bán đảo Triều Tiên sau 7 thập niên căng thẳng và thù địch. Và tiến tới mục tiêu xa hơn nữa là thống nhất hai miền Nam - Bắc.
Từ "thống nhất" không chỉ xuất hiện 4 lần trong tuyên bố chung giữa lãnh đạo hai nước sau hội nghị lịch sử mà còn được đưa vào tiêu đề của "Tuyên bố Panmunjom về Hòa bình, Thịnh vượng và Thống nhất cho bán đảo Triều Tiên". Đối với cả Hàn Quốc và Triều Tiên, đây là mục tiêu tối quan trọng.
Tuy nhiên trên thực tế, nhiều người Hàn Quốc cho rằng tương lai thống nhất hoàn toàn xa vời. Hàng chục năm chia cắt đã tạo ra một hố sâu ngăn cách ngày càng rộng giữa hai quốc gia về mặt kinh tế và văn hóa. Theo các nhà phân tích, kể cả trong trường hợp khả quan nhất, nếu người dân Hàn Quốc sẵn lòng và chủ động, thì để thu hẹp khoảng cách này cũng phải mất nhiều năm.
Đối với thế hệ trẻ sinh ra sau chiến tranh và không có chút ký ức nào về một Triều Tiên thống nhất trong quá khứ, ý niệm về sự thống nhất càng trở nên mờ nhạt. Nhiều người thậm chí còn cho rằng cuộc "hôn phối" giữa một Hàn Quốc phát triển theo tư bản chủ nghĩa và một Triều Tiên khép kín và lạc hậu sẽ không đem lại nhiều ích lợi.
Theo kết quả khảo sát của Viện Hàn Quốc về Thống Nhất Quốc gia, tỉ lệ công chúng ủng hộ việc thống nhất giảm dần đều theo thời gian, từ mức 69,3% số người được hỏi hồi năm 2014 tin rằng thống nhất là điều cần thiết, xuống chỉ còn 57,8% năm 2017. Đặc biệt tỉ lệ ủng hộ trong nhóm người trẻ còn thấp hơn mức trung bình rất nhiều. Theo khảo sát này, chỉ 38,9% thanh niên trong độ tuổi 20 đồng tình.
"Đương nhiên chúng tôi cùng một dân tộc, thậm chí cùng một chủng tộc", Ban Jae-hoon, một nhân viên văn phòng 28 tuổi làm việc ở Seoul, nói. "Nhưng xét về mặt chính trị và quân sự, chúng tôi lâu nay là kẻ thù của nhau".
Một khảo sát của Viện Asan Nghiên cứu về Chính sách chỉ ra rằng thanh niên Hàn Quốc có xu hướng nhìn Triều Tiên như một mối đe dọa đối với an ninh đất nước hơn là một quốc gia có cùng nền tảng lịch sử. Điều này không gây ngạc nhiên vì hầu hết người trẻ Hàn Quốc lớn lên và được giáo dục rằng quốc gia láng giềng có tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân và thường xuyên có hành động khiêu khích quân sự.
"Không giống như những người đang ở độ tuổi 60 trở lên, nhiều người trong độ tuổi 20 đơn giản chỉ nhìn Triều Tiên như 'kẻ thù' hay 'kẻ xa lạ'", báo cáo phân tích. "Nhiều thanh niên Hàn Quốc coi mối đe dọa từ Triều Tiên nghiêm trọng đến mức tin rằng lợi ích lớn nhất của việc thống nhất là giúp giảm nguy cơ xảy ra chiến tranh trên bán đảo này".
Kinh tế Triều Tiên, nếu so với nền kinh tế xếp thứ 11 thế giới của Hàn Quốc, quả thực nhỏ bé. Khoảng cách "một trời một vực" giữa hai quốc gia có thể thấy trong mọi lĩnh vực bao gồm giáo dục, chăm sóc y tế và cơ sở hạ tầng. Nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán, để thu hẹp khoảng cách này, Hàn Quốc sẽ phải chi 5.000 tỷ USD, gấp 3,3 lần GDP của nước này năm 2017.
"Thanh niên Hàn Quốc không sẵn sàng chấp nhận gánh nặng kinh tế này", Jo Dong-joon, phó giám đốc của Viện Nghiên cứu Hòa bình và Thống nhất của trường đại học quốc gia Seoul, nhận định.
Dấu hiệu tích cực
Bất chấp thực tế ngày thống nhất còn xa xôi, lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên đã có những bước đi cụ thể để kéo hai quốc gia xích lại gần nhau, bao gồm khởi động lại chương trình đoàn tụ cho những gia đình bị ly tán trong chiến tranh và mở rộng các hoạt động trao đổi văn hóa giữa người dân hai nước. Lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Moon Jae-in cũng tuyên bố kế hoạch thiết lập một văn phòng liên lạc đặt tại thành phố Kaesong của Triều Tiên.
Joan Cho, phó giáo sư nghiên cứu về Đông Á tại trường đại học Wesleyan ở Middletown, bang Connecticut, Mỹ nhận xét những hoạt động trao đổi như vậy giữa hai nước, cùng với kinh tế Triều Tiên được cải thiện, sẽ thay đổi quan điểm của công chúng Hàn Quốc về việc thống nhất.
"Thực tế là chuyến thăm của Kim Jong-un đã có tác động tích cực đối với thanh niên Hàn Quốc", ông Cho nhận xét. "Họ nhìn thấy một mặt khác của lãnh đạo Triều Tiên mà từ trước đến giờ họ chưa từng thấy qua cách ông ấy cười đùa... (Nhưng) đây có thể chỉ là thời kỳ trăng mật", chuyên gia cảnh báo còn quá sớm để lạc quan.
"Tôi không nghĩ ông ấy là một người tốt, nhưng cách nhìn của tôi về ông ấy tích cực hơn một chút vì tôi thấy nỗ lực đối thoại của ông", Yang Eun-jun, một sinh viên 26 tuổi ở Seoul nói. "Ông ấy không phải là kẻ hoàn toàn điên rồ".
An Hồng