Ngay từ giây phút đầu tiên đặt chân đến Seoul, Hàn Quốc, bà Kim Ryon-hui đã nung nấu một ý định duy nhất: quay trở về Triều Tiên. Ý định này ám ảnh và chi phối mọi mặt cuộc sống của người phụ nữ này, Guardian đưa tin.
Bà Kim hy vọng hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Moon Jae-in diễn ra vào ngày 27/4 sẽ mở ra cơ hội cho ước mơ bấy lâu nay của bà biến thành hiện thực. Bình Nhưỡng cũng nhiều lần yêu cầu Seoul để bà Kim quay về quê nhà và coi đó là nền móng cho các cuộc đoàn tụ tiếp theo của các gia đình ly tán sau chiến tranh.
"Nếu tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều, vấn đề đoàn tụ của các gia đình bị ly tán được đem ra thảo luận, tôi nghĩ rằng mình sẽ có thể về nhà trong năm nay", bà Kim lạc quan nói. "Tôi không hiểu làm sao mình có thể sống sót suốt 7 năm qua. Nếu phải đợi lâu hơn nữa, tôi không nghĩ mình có thể đợi được".
Trong số hơn 3.000 người Triều Tiên đào tẩu đang sống ở Hàn Quốc, nhiều người đã mạo hiểm mạng sống chỉ với một mục đích thoát khỏi sự khốn khó và bắt đầu lại cuộc sống mới ở "miền đất hứa" bên kia biên giới.
Với mong ước không che giấu, bà Kim trở thành người hùng đối với Bình Nhưỡng và cái gai trong mắt Seoul. Trong khi Triều Tiên thúc giục bà trở về, chính phủ Hàn Quốc kiên quyết không cấp hộ chiếu cho người phụ nữ này.
Suốt 7 năm qua, bà Kim kiên trì giương biểu ngữ phản đối trước các tòa nhà chính phủ, tham gia các buổi phát biểu ở nhiều nơi, thậm chí nộp đơn kiến nghị lên Liên Hợp Quốc chỉ để đạt được một mục đích là về Bình Nhưỡng đoàn tụ với con gái và chồng. Đối với bà, Hàn Quốc là mảnh đất xa lạ.
Công dân hạng hai
Hành trình đến "mảnh đất xa lạ" của bà Kim bắt đầu vào năm 2011 từ Trung Quốc. Để trang trải chi phí thuốc men ở đây, bà lao động cật lực. Và trong cơn túng quẫn, bà nghe theo một người môi giới và vượt biên từ Trung Quốc sang Hàn Quốc với hy vọng kiếm tiền nhanh hơn. Bà cứ đinh ninh rằng sau vài tháng, bà có thể quay trở về quê nhà.
Nhưng sau khi đặt chân đến Seoul, bà Kim nhận ra sự thật đây là chuyến đi một chiều. Cũng giống như nhiều người đào tẩu khác, bà bị cơ quan tình báo Hàn Quốc thẩm vấn và phải ký vào bản cam kết không ủng hộ chính quyền Bình Nhưỡng. Bà cũng tự động trở thành công dân Hàn Quốc và theo luật, mọi công dân Hàn Quốc không được phép đến Triều Tiên nếu không có sự đồng ý của chính phủ.
Sau khi cơ quan chức năng phát hiện bà Kim nung nấu ý định quay trở lại Bình Nhưỡng, mọi cánh cửa làm hộ chiếu để xuất ngoại của bà đều đóng sập. Không bỏ cuộc, bà tìm đến đường dây làm giả hộ chiếu. Tuy nhiên, may mắn một lần nữa không mỉm cười với bà, người phụ nữ Triều Tiên này bị bắt và kết án hai năm tù. Sau khi thụ án 10 tháng, bà được phóng thích vào năm 2015. Kể từ đó, bà kiên trì biểu tình trên đường phố và đi khắp Hàn Quốc để bày tỏ với công chúng về ý định muốn quay trở về quê hương.
"Dù anh có sung túc đến đâu nhưng anh không thể chia sẻ sự sung túc đó với gia đình của mình thì điều đó chẳng có ý nghĩa gì", bà nói về cuộc sống vật chất thoải mái ở xã hội hiện đại Hàn Quốc.
Một số người gợi ý bà tìm cách đưa cả nhà đào tẩu sang Seoul nhưng bà Kim ngậm ngùi thổ lộ không muốn con gái sống một cuộc sống như "một kẻ xa lạ" và "bị xếp vào nhóm công dân hạng hai" ở Hàn Quốc.
"Quãng thời gian 7 năm ở đây đã thực sự dạy tôi cuộc sống của một người đào tẩu là như thế nào. Người đào tẩu Triều Tiên bị đối xử như tàn thuốc lá mà người ta vứt trên phố", bà Kim nói. Khoảng 50% đồng hương của bà Kim thừa nhận họ phải đương đầu với sự kỳ thị và phân biệt đối xử hàng ngày.
Bà Kim nhớ lại những tháng ngày làm thợ may ở Bình Nhưỡng trong khi chồng bà, một bác sĩ phẫu thuật quân y, có chỗ đứng trong xã hội. Cả nhà sống thoải mái so với mặt bằng chung. Giờ đây bà đang chen chúc trong một căn nhà xiêu vẹo ở thủ đô Seoul với những người Triều Tiên có cùng ý muốn trở về quê hương như bà. Hầu hết họ đều là những người lớn tuổi và khao khát được chết trên mảnh đất chôn rau cắt rốn.
'Tôi nhớ người thân từng giờ từng phút'
"Chúng ta sẽ về nhà vào tháng tới", bà Kim hào hứng nói qua điện thoại với ông Kwon Chol-nam, một người Triều Tiên đào tẩu khác. Bà Kim tin rằng chuỗi ngày vật vã tìm đường trở về của bà sắp đến hồi kết.
Sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều, Tổng thống Moon Jae-in và lãnh đạo Kim Jong-un khẳng định sẽ tái lập hòa bình hai miền trong năm 2018 đồng thời hợp tác chặt chẽ hướng tới việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Cuộc gặp giữa hai lãnh đạo đã mở ra hy vọng cho những người như bà Kim và ông Kwon về một tương lai không xa được đoàn tụ với gia đình.
Ông Kwon tự nguyện đến Hàn Quốc chỉ với mục đích duy nhất kiếm đủ tiền chữa bệnh cho con trai. Tuy nhiên, thực tế khắc nghiệt hơn nhiều so với những gì người đàn ông này tưởng tượng. Không chỉ phải xoay xở trả nợ cho môi giới, ông Kwon còn bị chủ lao động kỳ thị và quỵt tiền công. Trong lúc tranh cãi kịch liệt với chủ để đòi tiền, ông Kwon động chân động tay và bị bắt giữ vì tội hành hung. Giây phút ngồi trong đồn cảnh sát khiến ông hạ quyết tâm phải trở về quê nhà bằng mọi giá.
"Từ khoảnh khắc đó, ý chí trở về miền Bắc của tôi không bao giờ lay chuyển", ông Kwon nói. "Để sinh tồn, tiền là một thứ quan trọng nhưng điều quan trọng hơn là được đối xử như một con người. Ở miền Bắc, không ai đối xử với tôi như thế".
Sau khi bị bắt vì tội vượt biên, ông Kwon ngồi tù nhiều tháng. Ông cho biết giờ hầu hết đồng hương không muốn qua lại với ông vì sợ bị liên lụy. Sống một mình trong căn hộ chật chội ở ngoại ô thủ đô Seoul với giá thuê gần 200 USD, người đàn ông này càng thấm thía nỗi nhớ nhà.
"Tôi thực sự nhớ gia đình mình, thậm chí đêm qua tôi đã mơ thấy họ. Tôi nhớ họ từng giờ từng phút", ông Kwon nói.
An Hồng