Rupert Wingfield-Haves, phóng viên hãng BBC, đã viết về cuộc sống ở Triều Tiên sau một chuyến công tác tới nước này và Hàn Quốc, hồi đầu tháng 5 năm nay.
Không một tuần nào trôi qua mà thế giới không được chứng kiến những động thái bất ngờ từ Triều Tiên. Gần đây nhất, Bình Nhưỡng vừa tuyên bố sẽ tiếp tục phóng tên lửa tầm ngắn về phía biển Nhật Bản, bất chấp lời kêu gọi kiềm chế của Liên Hợp Quốc.
Ngược lại với những tuyên bố nóng nảy, hình ảnh của Triều Tiên trên báo chí nước ngoài lại tương đối rập khuôn, từ các nữ công nhân nức nở khóc khi được diện kiến vị lãnh đạo 30 tuổi, cho tới những lễ duyệt binh với đội hình hoàn hảo.
"Người ta làm thế vì tôn thờ hay sợ hãi?", tôi tự hỏi khi nhìn thấy những hình ảnh ấy, thứ vẽ lên bức tranh về một quốc gia nghèo khó và bị cô lập, nơi người dân phải sống trong cảnh sợ hãi và thiếu thốn đủ điều.
Nhưng sự xuất hiện của những chiếc xế hộp sành điệu trên đường phố Bình Nhưỡng trong thời gian gần đây, lại khiến người ta phải nghĩ lại về đất nước này.
Các nữ cảnh sát làm việc với tài xế chiếc Mini-Cooper trên một góc phố ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Ảnh cắt ra từ video. |
Bản thân tôi đã không khỏi bất ngờ khi được chứng kiến một gia đình Triều Tiên ở biên giới Trung - Triều, cùng ngồi quây quần bên TV và xem phim tình cảm Hàn Quốc qua những chiếc đĩa DVD lậu.
Thực chất, thị trường DVD lậu có xuất xứ từ Hàn Quốc ở Triều Tiên rất sôi động. Và điều đó chỉ mang tới một ý nghĩa duy nhất: người Triều Tiên không thực sự bị cô lập như chúng ta vẫn nghĩ.
Trong thời gian ở Seoul, tôi có cơ hội được gặp gỡ và nói chuyện với một vài người từng sống ở Triều Tiên, và câu chuyện của họ đã khiến tôi vô cùng ngạc nhiên. Tất cả đều xoay xung quanh một thứ: những chiếc bánh chocolate trứ danh của Hàn Quốc.
Vậy chuyện gì đã xảy ra với những chiếc bánh này?
Tháng trước, khu công nghiệp chung Keasong, biểu tượng cho sự hòa hợp và hòa giải của hai miền Triều Tiên, đột ngột bị phía Bình Nhưỡng đơn phương đóng cửa.
Nhân công của khu công nghiệp này chủ yếu là người Triều Tiên, được thuê để làm việc trong các nhà máy Hàn Quốc. Ngay từ khi được thành lập, chính phủ Bình Nhưỡng đã yêu cầu các công ty này không được phép trả lương cho công nhân bằng tiền mặt. Vì thế, suốt nhiều năm nay, thù lao mà lao động Triều Tiên nhận được chính là các mặt hàng thực phẩm, trong đó có món bánh ngọt phủ chocolate.
Những chiếc bánh này đang là món hàng được săn lùng tại Triều Tiên, sau khi khu công nghiệp Keasong bị chính phủ Bình Nhưỡng đóng cửa. Ảnh: BBC |
Nhưng thay vì ăn chúng, các công nhân lại đem chỗ bánh tới những khu chợ đen ở Bình Nhưỡng và bán đắt gấp 4 tới 5 lần so với giá gốc.
Trở lại cuộc nói chuyện với nhóm người Triều Tiên ở Hàn Quốc, họ khiến tôi đi từ bất ngờ này sang ngạc nhiên khác.
"Tôi gọi điện cho cha mình và bảo với ông rằng nhu cầu bánh chocolate sẽ tăng rất cao, và mức giá cũng sẽ đội lên nhanh chóng", một người nói.
"Tôi bảo ông hãy sang Trung Quốc và nhập càng nhiều bánh càng tốt. Nó sẽ giúp bố tôi kiếm được một khoản kha khá", anh nói thêm.
Câu chuyện của anh khiến tôi cảm thấy vô cùng bối rối.
"Tôi xin lỗi", tôi nói, "nhưng anh vừa bảo anh đã gọi điện cho cha mình. Cha anh ở đâu?"
"Ông ấy vẫn sống ở Triều Tiên", anh nói.
"Thế anh gọi cho ông ấy bằng cách nào?"
"Tất nhiên là qua điện thoại di động", anh trả lời, như thể đó là món đồ thông dụng nhất trên thế giới.
"Tức là, cha anh đang sống ở Triều Tiên, ông ấy có điện thoại di động và có thể nhận được các cuộc gọi quốc tế?", tôi hỏi tiếp.
"Đúng vậy", anh nói. "Ông dùng điện thoại Trung Quốc và sống gần biên giới, nên có thể bắt được sóng di động của nước bạn."
"Việc này có phổ biến không?", tôi hỏi.
"Ai sống dọc biên giới cũng có một chiếc di động. Họ cần chúng để giao thương với Trung Quốc."
"Nhưng liệu nó có khiến họ gặp rắc rối không?", tôi hỏi.
"Thôi nào", anh nói. "Có 50.000 người Triều Tiên hàng ngày vẫn đi về biên giới với Trung Quốc để kinh doanh. Ngoài ra còn có 100.000 người khác đang sống ở Trung Quốc để kiếm tiền. Bình Nhưỡng có thể làm gì được chứ? Một đất nước làm sao có thể tồn tại nếu không giao dịch thương mại."
Các cảnh sát Triều Tiên sử dụng điện thoại di động trên đường phố. Ảnh: Reuters |
Qua những lời kể của anh, tôi bắt đầu mường tượng về một Triều Tiên hoàn toàn khác so với những gì vẫn được miêu tả trong các bộ phim truyền hình của Bình Nhưỡng. Đây là một đất nước, nơi thị trường chợ đen mới là nhân tố chính trong nền kinh tế, nơi việc buôn lậu khiến người ta dễ sống hơn là tuân theo pháp luật.
Liệu người Triều Tiên có còn hết lòng tin tưởng vào chính quyền Bình Nhưỡng? Điều đó có thể vẫn đúng với rất nhiều người. Nhưng ít nhất, hàng chục nghìn người dân nước này đã biết thế nào là một cuộc sống bên ngoài biên giới.
Những động thái khiêu khích gần đây của Triều Tiên, theo nhiều người, không cho thấy sự mạnh mẽ và tự tin của chính phủ, mà chỉ thể hiện sự yếu đuối và sợ hãi của Bình Nhưỡng trước thế giới bên ngoài. Và dường như, tâm trạng đó cũng đang ngày một lớn lên trong lòng người dân của đất nước.
Quỳnh Hoa