Quán karaoke Noraebang ở Seoul, Hàn Quốc. Nguồn: YouTube.
Cô gái 21 tuổi hát này đang hát karaoke một mình. "Noraebang" là quán hát karaoke mở cửa 24/7 rất phổ biến ở Hàn Quốc. Sau khi trả tiền qua một máy bán vé tự động, khách hàng có thể vào căn buồng riêng và ca hát. Mỗi bài hát chỉ tốn 250 won, chưa đến 5.000 đồng, Today đưa tin.
"Tôi thích đến đây cùng với bạn bè nhưng đôi khi tôi muốn đi một mình bởi vì khi đi một mình tôi có thể hát bao nhiêu tùy thích mà không cần phải chờ đợi tới lượt", Seung-hyun, cô sinh viên ngành kinh doanh tại trường đại học Yonsei, cho biết.
Số liệu thống kê cho thấy cứ 10 người Hàn Quốc, có một người sống độc thân. Ngay lập tức, các ngành bán lẻ ở Hàn Quốc nhanh nhạy bắt kịp xu hướng mới, sáng tạo ra các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của nhóm khách hàng đặc biệt này.
Một dịch vụ giải trí khác cũng rất phổ biến Hàn Quốc là các quán cafe truyện tranh mở cửa thâu đêm suốt sáng. Với một khoản phí nhỏ, khách hàng có thể thu mình trong một góc riêng tư và chìm đắm vào thế giới truyện tranh.
Ảnh hưởng của "nền kinh tế độc thân" thể hiện rõ nhất trong ngành bán lẻ. Chuỗi siêu thị Emart tung ra hàng loạt sản phẩm thực phẩm đóng trong khẩu phần nhỏ, phù hợp cho một người ăn. Các cửa hàng tiện dụng cũng bày bán sẵn các suất cơm dành cho một người.
"Chúng ta nên coi đây là nhóm khách hàng mới và tiếp cận thị trường này với quan điểm tích cực", một nghiên cứu về hành vi người tiêu dùng Hàn Quốc do tập đoàn tài chính KB thực hiện nhận xét. Theo thống kê của Hiệp hội các cửa hàng bán lẻ Hàn Quốc, tổng doanh thu của các doanh nghiệp ngành này năm 2016 tăng 18,6% so với năm trước đó lên gần 17 tỷ USD.
Phó giáo sư xã hội học Paul Chang giải thích rằng người Hàn Quốc ngày nay không còn bị ám ảnh bởi "tâm lý bầy đàn" hay chủ nghĩa tập thể, họ mạnh dạn theo đuổi tự do và hạnh phúc cá nhân đồng thời bứt phá khỏi sự ràng buộc và áp lực của xã hội.
Làn sóng đi ăn cơm hay uống rượu một mình, được người Hàn Quốc gọi là "honbap" và "honsul", trỗi dậy trong những năm gần đây, đi ngược lại với quan niệm truyền thống cho rằng những người đi ăn hay uống một mình thuộc dạng bất thường.
"Trước kia, mỗi khi tôi đi ăn một mình, người ta ném cho tôi những cái liếc xéo. Nhưng bây giờ, tôi nghĩ xã hội không còn coi đó là hành động kỳ quặc nữa", Park Da-som, nhân viên ngân hàng 25 tuổi, cho biết, "Đi ăn một mình đã trở thành trào lưu mới ở Hàn Quốc".
'Hộ gia đình một người'
Số hộ gia đình ở Hàn Quốc chỉ có một người tăng nhanh trong những năm gần đây do nhiều nguyên nhân bao gồm tỉ lệ kết hôn giảm, các trường hợp ly hôn gia tăng nhanh chóng và tỉ lệ sinh chững lại. Theo thống kê của chính phủ, năm 2015, số lượng hộ gia đình độc thân chiếm tới 27% tổng số hộ gia đình ở Hàn Quốc. Trong khi đó, mới chỉ một thập kỷ trước, đa số các hộ gia đình ở xứ sở kim chi có tới 4 nhân khẩu.
Viện xã hội và sức khỏe Hàn Quốc cho biết năm 2015, có 5,06 triệu hộ gia đình độc thân, tăng gần 8 lần so với năm 1985 và ước tính đến năm 2035, kiểu hộ gia đình này sẽ chiếm số lượng áp đảo.
Kim Eun-jin, chuyên gia nghiên cứu thị trường của công ty bất động sản Real Estate 114, nhận xét chính phủ Hàn Quốc sớm nhận ra xu hướng phát triển mới của cơ cấu dân số nên đã dành riêng 20% quỹ hỗ trợ nhà ở công cho các hộ gia đình một người.
Theo chuyên gia này, do giá nhà ở đắt đỏ, nhiều người Hàn Quốc chọn cách sống độc thân, trì hoãn kết hôn thậm chí không bao giờ kết hôn. Một báo cáo của công ty cung cấp dịch vụ mai mối Duo chỉ ra độ tuổi trung bình kết hôn lần đầu ở Hàn Quốc tăng mạnh trong 10 năm qua, với phụ nữ hiện là 33,4 tuổi còn đàn ông là 36 tuổi.
"Mọi người chọn sống độc thân bởi vì khó mà kết hôn nếu tài chính của anh không ổn định. Hơn thế nữa, tình hình kinh tế hiện giờ ngày càng khó khăn", anh Kim Jong-Geon, 56 tuổi, trưởng bộ phận chính sách phúc lợi xã hội cấp quận ở thủ đô Seoul, cho biết. Theo quan niệm xã hội, đàn ông Hàn Quốc phải gánh vác việc thuê hoặc mua nhà. Trong bối cảnh kinh tế không khởi sắc, chi phí nhà cửa trở thành gánh nặng quá lớn đối với những người đàn ông thuộc tầng lớp trung lưu hoặc thu nhập thấp.
"Do vậy, họ đơn giản chọn cách không lập gia đình", phó giáo sư Chang nói.
Anh Choi Jun-ho sống một mình trong căn hộ 40 m2 thuê ở quận trung tâm Gangnam, Seoul kể từ năm 2003. Anh Choi thừa nhận rất mong muốn lập gia đình vào một ngày không xa nhưng hiện tại anh chưa sẵn sàng chủ yếu vì lý do kinh tế.
"Sống một mình cũng ổn. Mặt tích cực nhất là sự tự do. Anh có thể thoải mái đưa bạn gái hoặc mời bạn bè về nhà chơi bất cứ lúc nào", anh Choi nói. Từng làm quản lý thương hiệu, người đàn ông 32 tuổi này dự định tiếp tục học thạc sĩ về ngành bán lẻ thời trang ở London.
"Tôi sẽ không thể thực hiện tất những mong muốn đó nếu tôi kết hôn và có con. Gia đình sẽ trở thành gánh nặng".
An Hồng