Ngày càng nhiều thanh niên Hàn Quốc hoàn toàn cảm thấy thoải mái khi đi ăn một mình. Với họ, đây là khoảng thời gian dành riêng cho bản thân, thoát khỏi những áp lực vô hình của gia đình và xã hội, Quartz đưa tin.
"Chúng tôi chào đón những người tới uống rượu một mình", một quán bar ở quận trung tâm Hongdae, thủ đô Seoul, Hàn Quốc viết trên tấm biển quảng cáo treo ngoài cửa.
Quán bar Gitteol mới mở cửa 6 tháng trước sau khi người chủ, một nữ họa sĩ 41 tuổi, nhận thấy ngày càng nhiều người Hàn Quốc đi nhậu một mình. Nhắm tới đối tượng khách hàng mới, quán Gitteol bố trí nhiều chỗ ngồi đơn lẻ xung quanh quầy bar và bỏ bớt những chiếc bàn vốn dĩ dành cho các khách hàng đi theo nhóm.
Làn sóng đi ăn một mình, được người Hàn Quốc gọi là "honbap", ghép giữa hai từ "hon" (một mình) và "bap" (cơm), trỗi dậy trong những năm gần đây, đi ngược lại với định kiến của xã hội cho rằng những người đi ăn một mình thuộc dạng bất thường, lập dị hoặc tự kỷ, thậm chí, là bị xã hội "đào thải".
"Trước kia, mỗi khi tôi đi ăn một mình, người ta ném cho tôi những cái liếc xéo. Nhưng bây giờ, tôi nghĩ xã hội không còn coi đó là hành động kỳ quặc nữa", Park Da-som, nhân viên ngân hàng 25 tuổi, cho biết, "Đi ăn một mình đã trở thành trào lưu mới ở Hàn Quốc".
Một nghiên cứu gần đây bởi tổ chức phát triển sức khỏe Hàn Quốc cho thấy rằng nhiều người lao động Hàn Quốc tuổi từ 30 đến 59 thường ăn một mình bởi vì họ muốn tiết kiệm thời gian. Với nhóm khảo sát ở độ tuổi dưới 30, 38,7% cho biết họ ăn một mình vì không rủ được ai ăn cùng. Dần dần mọi người quen với việc đi ăn một mình.
'Mình ta với ta'
Không chỉ ăn một mình, nhậu một mình, nhiều thanh niên Hàn Quốc còn đi du lịch một mình thậm chí làm đám cưới... một mình.
Xuất phát từ tư tưởng "YOLO", mang hàm ý cổ vũ người trẻ mạnh dạn làm những điều họ thích, giới trẻ Hàn Quốc bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến tự do cá nhân và thoát khỏi sự ràng buộc và áp lực của gia đình, xã hội.
"YOLO có nghĩa là 'Bạn chỉ sống một lần thôi'. Bạn phải sống cho mình, sống cho hiện tại, không nên sống cho người khác hay bận lòng vì tương lai", Jeon Mi-young, một giáo sư nghiên cứu về văn hóa tiêu dùng tại đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc, nhận xét về trào lưu sống mới.
Một ngân hàng lớn ở Hàn Quốc còn phát hành thẻ tín dụng YOLO dành cho những người độc thân. Người dùng thẻ sẽ được giảm giá khi đi uống cà phê, xem phim, mua đồ tại các cửa hàng tiện dụng và tham gia các lớp học ngoại khóa như làm bánh... nếu đi một mình.
"Nhiều người Hàn Quốc, cho đến tận những năm gần đây, vẫn không thể thoát ra khỏi áp lực của một xã hội đánh giá cao văn hóa nhóm, văn hóa cộng đồng", theo giáo sư khoa học chính trị Katharine Moon giảng dạy tại Wellesley College ở bang Massachusetts, Mỹ. "Giờ đây, họ bắt đầu rón rén khám phá chủ nghĩa cá nhân và mạnh dạn làm những việc đơn giản như không đi ăn trưa với đồng nghiệp".
Yang Eun-joo, 32 tuổi, quyết định chụp ảnh cưới vào tháng ba vừa qua, chỉ có điều, trong bộ ảnh cưới, không có sự xuất hiện của chú rể.
"Nhiều khả năng, trong tương lai, tôi sẽ không kết hôn nhưng tôi vẫn muốn một lần diện váy cưới... khi còn trẻ", cô Yang, hiện là nhân viên văn phòng của tập đoàn LG Electronics, cho biết.
Yang không phải là trường hợp cá biệt. Một số phụ nữ trẻ Hàn Quốc, không chỉ chụp ảnh cưới một mình mà thậm chí còn tổ chức hẳn tiệc cưới và cho biết bằng cách này họ có thể "gỡ vốn" được một chút tiền mừng sau nhiều năm đi dự hết đám cưới này đến đám cưới khác của bạn bè.
Theo thống kê của chính phủ, năm 2015, số lượng hộ gia đình độc thân chiếm tới 27% tổng số hộ gia đình ở Hàn Quốc. Trong khi đó, mới chỉ một thập kỷ trước, đa số các hộ gia đình ở xứ sở kim chi có 4 nhân khẩu. Số liệu chính thức cũng cho thấy tỉ lệ kết hôn ở Hàn Quốc đã giảm 17% trong 2011-2016, xuống mức thấp nhất kể từ năm 1974.
Các doanh nghiệp đón đầu xu hướng mới trong xã hội để gặt hái lợi nhuận. Chuỗi cửa hàng bán lẻ , Emart, tung ra hàng loạt sản phẩm thực phẩm đóng trong khẩu phần nhỏ, phù hợp cho một người ăn. Các công ty điện tử sản xuất nồi cơm điện, máy giặt với dung tích nhỏ hơn. Còn các cửa hàng tiện dụng bày bán sẵn các suất cơm dành cho một người.
"Chúng ta nên coi đây là nhóm khách hàng mới và tiếp cận thị trường này với quan điểm tích cực", theo một nghiên cứu về hành vi người tiêu dùng Hàn Quốc do tập đoàn tài chính KB thực hiện.
An Hồng