Cậu có thể kiếm được 92 USD một ngày nhờ việc chở khách du lịch quanh thành phố miền bắc Chiang Mai, theo Al Jazeera.
7 năm trước, Krit mới 16 tuổi. Khi đó, khách hàng của cậu chủ yếu là du người phương Tây, nhưng cái họ muốn ở Krit là tình dục, chứ không phải lái xe tuk tuk chở đi chơi. Krit là nạn nhân của ngành buôn bán tình dục ở Thái Lan. Suốt 5 năm, cậu làm việc trong những quán bar đèn mờ và tiệm mátxa dơ dáy ở phố đèn đỏ tại Chiang Mai. Krit bị xâm hại, buộc phải về nhà với những gã đàn ông mạo hiểm tới góc tối để mua tình với trẻ em.
Cuộc sống khủng khiếp ấy khiến Krit phải nhập viện vì nhiễm HIV và suýt chết. Nhưng cậu thiếu niên hồi phục đầy thần kỳ và tự mở một doanh nghiệp tuk tuk.
"Bây giờ tôi cảm thấy độc lập vì đủ sức kiểm soát đời mình", Krit tâm sự. "Tôi không cần tiền của khách hàng ở quán bar nữa. Tôi khao khát đổi đời, làm việc chăm chỉ và chăm lo bản thân. Tôi thấy may mắn vì vẫn còn sống".
Krit đang dạy lái xe tuk tuk cho những trẻ em nam khác là nạn nhân của nạn buôn bán người. Cậu đưa họ tới bãi đỗ xe bỏ hoang để thực hành cách thay bánh xe và lái lùi. Họ cũng luyện nói tiếng Anh và học cách xem bản đồ.
Đây là một phần trong dự án của Urban Light, tổ chức phi chính phủ (NGO) duy nhất ở Thái Lan hỗ trợ nam giới là nạn nhân của nạn buôn bán người. Thái Lan không chỉ là "thiên đường tình dục" với du khách, mà còn là đất nước có tỉ lệ trẻ em hoạt động mại dâm cao nhất thế giới. Thế nhưng, ít người hiểu biết về hoàn cảnh của những cậu bé trong ngành công nghiệp tình dục này.
Hiện không có số lượng thống kê đáng tin cậy về số trẻ nam trong ngành. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, khoảng 30% nạn nhân của nạn buôn bán người là nam giới, nhưng con số này đã bao gồm số người bị cưỡng ép lao động, chứ không hoàn toàn là nạn nhân của buôn bán tình dục. Ở Thái Lan, tỉ lệ những chàng trai trẻ bán thân để kiếm ăn trên đường phố cao hơn những nơi khác, theo báo cáo Chỉ số Nô lệ Toàn cầu.
Alezandra Russell, người sáng lập Urban Light nhấn mạnh buôn bán tình dục "bây giờ là ngành công nghiệp hàng tỷ đôla ảnh hưởng tới mọi giới". Tổ chức của cô đã cung cấp các chương trình kiểm tra sức khỏe, tư vấn, giáo dục và chỗ ở cho khoảng 5.000 trẻ em nam trong 7 năm qua.
Nơi trú ẩn
Vào một buổi chiều yên tĩnh tại trụ sở của Urban Light, các cậu thiếu niên ngồi quây quần trò chuyện sau bữa trưa no căng bụng với món Pad Thai (phở xào) tự làm. Một số ngủ trưa hay xem phim trong phòng nghỉ. Số khác chơi bóng bàn, nâng tạ và hút thuốc lá trên tầng thượng. Họ đều tỏ ra thận trọng, chỉ mỉm cười dè dặt. Đây là không gian và nơi trú ẩn cho những nạn nhân của buôn bán tình dục.
Russell thành lập Urban Light sau chuyến đi mắt thấy tai nghe tới khu đèn đỏ ở Chiang Mai năm 2009. Khi đó, cô gái trẻ người Mỹ tới Thái Lan với mục đích nghiên cứu nạn buôn bán người để hỗ trợ trẻ gái, nhưng sốc khi thấy những cậu bé mới 14 tuổi ngồi trên đùi đàn ông phương Tây trong quán bar. Khi Russell cố tìm cách giúp, họ giễu cợt: "Hãy dành thời gian mà giúp đỡ bọn con gái ấy, bọn con trai ở đây đứa nào cũng sẽ nhiễm HIV rồi chết thôi".
"Tôi đã vô cùng phẫn nộ", cô nói. "Đêm đó, tôi quay lại phố đèn đỏ".
Những cậu trai trẻ tò mò nhìn người phụ nữ duy nhất trong quán, còn Russell thì bắt đầu được họ tin tưởng bằng cách mua coca, chơi và nói chuyện với họ về bóng đá bằng thứ tiếng Thái Lan bập bõm. Cô phẫn uất và bất lực khi nhìn từng người một bị khách hàng đến trả tiền và đưa đi.
Suốt hai tuần ở Chiang Mai, Russell đêm nào cũng tới quán bar. Khi trở lại thủ đô Washington, cô không thể ngừng suy nghĩ về những điều mình chứng kiến.
"Tôi đã bán nhẫn cưới, dùng tiền đó quay lại Thái Lan và thuê một khu nhà nhỏ trong phố đèn đỏ", Russell nhớ lại.
Nhân viên của Urban Light phân phát bao cao su và tờ rơi tại các quán bar và nhà chứa trong những điểm du lịch ở thành phố mà thoạt nhìn có vẻ vô hại, nhưng thực chất là những điểm đàn ông phương Tây, Trung Quốc và cả Thái Lan, hay lui tới để mua tình trẻ em.
Theo Russell, nhiều người hay nghĩ sai rằng nạn nhân của ngành kinh doanh tình dục thường bị bắt nhốt. Thực tế phức tạp hơn nhiều.
"Họ không bị xiềng xích trong quán rượu nhưng áp lực tâm lý quá cao khiến các em phải duy trì lối sống đó", cô giải thích.
Đa số trẻ em nam xuất thân là người dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền bắc Thái Lan. Họ nghèo, không được đi học, không có giấy tờ tùy thân. Bọn buôn người thường lừa những đối tượng dễ bị tổn thương này vào làm trong quán rượu, hứa hẹn sẽ trả lương cao, rồi khiến các em mắc kẹt vào vòng xoay ma túy, nợ nần và bạo lực.
Mục tiêu của Urban Light là đưa những cậu bé này thoát khỏi thực trạng, nhưng Russell hiểu rõ, muốn làm được điều này còn phải dựa vào quyết tâm của chính họ.
"Chúng tôi cố gắng khiến các em hiểu được bản thân có năng lực làm nhiều thứ hơn là làm việc trong quán rượu hay tiệm mátxa, và chúng tôi đủ sức giúp các em tìm công việc mới", cô bày tỏ.
Lựa chọn
Chaow mới 14 tuổi khi đến với Urban Light. Cậu bé là người dân tộc thiểu số vùng cao, mồ côi, bỏ học năm 12 tuổi và đến Chiang Mai làm trong quán rượu. Khi đó, Chaow ngây thơ tin rằng chỉ cần mình chăm chỉ bán rượu sẽ kiếm đủ tiền gửi về quê.
"Đó là cậu bé non nớt, ít tuổi nhất khu đèn đỏ, đối tượng mà mọi đàn ông thèm muốn", Russel nói. "Cậu bé nhanh chóng nhận ra thực tế không như mình tưởng. Ba năm tiếp theo, Chaow phải bán thân kiếm tiền. Tôi muốn cứu cậu bé ra, nhưng tôi hiểu em phải tự lựa chọn. Một ngày, em đến chỗ tôi, mắt nhòa lệ và nói 'kết thúc rồi, em làm được rồi'. Tôi vẫn nhớ rõ gương mặt em khi đó".
Urban Light giúp Chaow tìm chỗ ở, tiếp tục đi học và tìm việc làm bán hàng tận nhà. Trang bị kỹ năng nghề nghiệp là một phần quan trọng trong hoạt động của tổ chức. Ngoài chương trình dạy lái tuk tuk, họ còn đào tạo nghề cắt tóc.
"Đây là những lựa chọn để các em làm chủ cuộc sống, tự kiếm tiền và xem xét năng lực bản thân có thể đi xa tới đâu", Russel chia sẻ.
Hồng Hạnh