Theo Courier Mail, Dan không hề xấu hổ khi khoe dành rất nhiều thời gian lang thang trong các quán bar karaoke và khu đèn đỏ khắp Thái Lan. Việc anh làm cũng giống như nhiều đàn ông phương Tây khác.
Thoạt nhìn, việc lang thang của Dan cũng giống như những vị khách Australia khác đang đi tìm của lạ ở Đông Nam Á nhưng thực chất, anh là nhân viên bí mật của một tổ chức chuyên giải cứu các thiếu nữ vị thành niên là nạn nhân của bọn buôn người.
"Đó là một ngành công nghiệp đầy ngược đãi", Dan thừa nhận.
Nghiên cứu cho thấy đàn ông Australia nằm trong số những nước phương Tây đóng góp nhiều nhất cho ngành du lịch tình dục ở Đông Nam Á. Tại những thành phố như Pattaya, đầy rẫy đàn ông Australia nghỉ hưu tìm đến ở và coi đây là "ngôi nhà thứ hai".
"Những người này chuyển đến Thái Lan, tới Pattaya, tới Bangkok, họ đều gặp phải những vấn đề giống nhau", Dan nói, chia sẻ kinh nghiệm nhiều năm lang thang khắp Thái Lan của mình.
"Họ cho rằng cuộc đời sẽ không trọn vẹn nếu chưa tới Thái Lan du lịch tình dục, vì thế họ theo đuổi giấc mơ này cho đến khi nhận ra lối sống mình chọn là vô nghĩa".
Anh dành nhiều thời gian trò chuyện với khách phương Tây đến Thái Lan tìm của lạ. Theo Dan, đa phần chia sẻ cảm giác hối tiếc sau khi vứt bỏ các mối quan hệ ở quê nhà để tới Thái Lan.
"Ban đầu họ đều nói, 'Tôi có thể sex bất cứ lúc nào tôi muốn, thật tuyệt!' Nhưng khi tìm hiểu sâu hơn, họ đều nói về những mối tình tan vỡ ở quê nhà, hay hôn nhân là quãng thời gian duy nhất họ thấy thật sự được yêu thương, được toàn tâm toàn ý tin tưởng một người", Dan nói.
Anh nhớ lại một người đàn ông Australia chia tay bạn gái ở quê nhà để theo đuổi lối sống tự do đầy phóng túng ở Thái Lan, sau đó phải thừa nhận "đó là quyết định đáng tiếc nhất trong đời".
"Anh ta làm mọi thứ để lấp đầy khoảng trống", Dan nói. "Quan hệ với các thiếu nữ trẻ, thậm chí là với ladyboy (đàn ông chuyển giới nhưng chưa cắt bỏ bộ phận sinh dục nam). Rồi một ngày anh ta ngẩn người ra nghĩ, 'ta sẽ làm gì tiếp theo? Còn cái gì chưa thử?'"
"Lúc đó tôi đang ngồi cạnh anh ta, còn ở góc phố phía trước là những cô gái khiếm thính làm nghề mại dâm. Anh ta nói: 'Ừm, gái khiếm thính. Anh nghĩ sao, làm tình với họ có tuyệt không nhỉ?'"
Là một nhân viên chống buôn người, Dan luôn đau đớn khi gặp những hoàn cảnh như thế. Tuy nhiên, đó cũng là nguyên nhân khiến Dan không bao giờ hối tiếc vì đã rời Australia.
"Đôi lúc, tôi ước gì tâm trí thôi thúc mình trở về Australia nhưng đối mặt với những thiếu nữ phải chịu vô số tổn thương và cần giúp đỡ, tôi lựa chọn có mặt ở đây", Dan nói.
Chia sẻ về ảnh hưởng của công việc, Dan nói rằng mỗi lần đi vào khu đèn đỏ là anh lại thấy mình như đang đi vào "địa ngục trần gian". Chỉ có niềm vui được giúp đỡ người khác mới làm động lực tinh thần cho anh tiếp tục.
"Lần đầu gặp gỡ, cô gái nào cũng tỏ ra chán ghét bản thân. Họ bị cưỡng hiếp, bị lạm dụng, nhưng giờ đây, sau tất cả, họ lấy lại được tự tôn, cảm nhận mình vẫn còn giá trị", Dan nói. "Vì thế, nhìn thấy họ yêu đời và khát khao sống là động lực cho tôi tiếp tục công việc".
Giọng nói của Dan trầm hẳn xuống mỗi lần nhắc đến những thiếu nữ bị đàn ông giày vò để thỏa mãn dục vọng.
"Đàn ông trả tiền cho sex rồi bỏ đi, họ không bao giờ nhìn lại cô gái đó", Dan nói. "Họ không thấy cô khóc trong phòng, không thấy mặt trái mà tôi nhìn thấy".
"Càng nhiều đàn ông trả tiền để quan hệ tình dục với họ, họ càng cảm thấy khó khăn, càng cảm thấy mình không đáng một xu. Nhiều gã đàn ông ngụy biên 'họ thích sex, thích công việc này'. Không, họ không hề", Dan nói, tỏ vẻ xúc động.
Dan cho biết hầu hết đàn ông phương Tây đi tìm của lạ đều biện minh rằng họ đang giúp đỡ các cô gái kia.
"Khi tôi hỏi, 'Nếu con gái anh tới Thái Lan mà không xu dính túi rồi tới quán bar làm gái, liệu anh có phiền nếu tôi tới mua dâm không? Anh có cho rằng tôi làm thế là giúp đỡ con gái anh không?'", Dan nói.
"Họ đều trả lời sẽ làm mọi thứ đưa con ra khỏi đó, nhưng lại ngụy biện nếu đó là một cô gái Thái".
Dan cảm thấy buồn cho những gã đàn ông anh gặp.
"Có thể hiểu được nhiều người Australia, đặc biệt là phụ nữ, căm ghét những người này nhưng khi trò chuyện với họ, ta bỗng nhận ra họ đều là những người bị tổn thương, lạc lối, đang tự hủy hoại bản thân".
"Tôi nhớ có một người từng hỏi, 'anh có cho rằng sau khi chết, chúng tôi phải trả giá cho những điều xấu xa đã làm không?" Dan hồi tưởng.
Thấu hiểu cảm giác của những người đàn ông này không có nghĩa là Dan dung túng cho hành vi của họ. Anh hiểu rằng những người này cần giúp đỡ để vượt qua cơn nghiện tình dục đang hủy hoại họ.
Trong 5 năm qua, báo chí đưa nhiều tin về đàn ông phương Tây "bị ám ảnh với lối sống Pattaya" đã nhảy lầu tự tử.
"Pattaya được coi là thủ phủ cho đàn ông ngoại quốc tìm kiếm sex, nhưng lại có rất nhiều người tự tử tại đây", Dan nói. "Chúng tôi đã làm việc với cảnh sát. Họ cho chúng tôi xem video một người gieo mình từ ban công xuống đất và gọi đây là 'Cú gieo mình ở Pattaya'".
Vấn đề này đã thu hút sự chú ý của nhiều tổ chức và chính phủ Thái Lan, như Night Light International hay MST Project - những đơn vị cung cấp hỗ trợ cho khách nam tới Thái Lan tìm sex.
Dan cho rằng việc này là cần thiết, nó không chỉ giúp đàn ông cai nghiện tình dục, mà còn giúp chấm dứt tổn thương gây ra cho phụ nữ trong ngành công nghiệp ở Thái Lan.
"Tôi cho rằng nếu có một nhóm tới quán bar gặp gỡ những người đàn ông này, không phải giảng đạo cho họ, mà cùng trò chuyện, trở thành bạn, nghe họ tâm sự, có lẽ sẽ giúp ích nhiều hơn", Dan nói.
Khi được hỏi Dan sẽ nói gì với những người đàn ông tới Thái Lan tìm sex nếu không phải che giấu thân phận nhân viên tổ chức chống buôn người, anh trả lời:
"Tôi sẽ hỏi họ: 'Anh có vui sướng khi trở thành người thế này không, có yêu cuộc sống thế này không? Anh hoàn toàn có thể dùng kỹ năng và năng lực của mình giúp đỡ mọi người, chứ không phải tước đoạt của họ", Dan nói.
"Thay đổi không bao giờ là quá muộn, hãy trở thành người đáng để tự hào".
Xem thêm: Thiên đường tình dục Thái Lan - nơi phụ nữ bị mua bán dễ dàng
Hồng Hạnh