Một sáng mùa đông lạnh giá, Wang Fuman, 8 tuổi, tới trường như thường lệ. Cậu bé cuốc bộ gần 5 km đường đồi núi tới lớp, khiến các bạn bật cười vì tóc tai, lông mi, lông mày đóng băng trắng xóa, khiến Fuman giống như một người tuyết, theo New York Times.
Thầy giáo của em ở trường tiểu học Chuyển Sơn Bao, huyện miền núi Lỗ Điện, tỉnh Vân Nam, đã chụp ảnh và đưa lên WeChat, mạng xã hội nhiều người dùng nhất Trung Quốc. Ngay lập tức, Fuman trở thành một hiện tượng Internet, được ca ngợi như là biểu tượng vượt khó của người dân nông thôn.
Họ gọi Fuman là "cậu bé tóc băng", nói rằng em đã "khiến hàng triệu người lay động trái tim", thậm chí còn ca ngợi cậu bé là "anh hùng dân tộc".
"Chúng ta nhìn thấy vẻ đẹp và hy vọng qua khuôn mặt chất phác của cậu bé", một tờ báo bình luận. "Từ cậu bé này, người ngoại quốc sẽ cảm nhận được những nỗ lực tuyệt vời và sức mạnh to lớn của người Trung Quốc".
Tuy nhiên, chuyên gia nhận xét hình ảnh của Fuman phản chiếu cảnh ngộ của hàng chục triệu "trẻ em bị bỏ lại" ở các vùng nông thôn nghèo đói, nơi bố mẹ phải bỏ nhà đi kiếm ăn, để lại con cái cho ông bà hoặc người thân chăm sóc. Tổ chức xã hội ở vùng nông thôn Trung Quốc đang tan rã bởi hàng triệu người lao động xa quê theo đuổi giấc mơ giàu có.
Những đứa trẻ bị bỏ lại như Fuman thường sống cùng ông bà. Các em gặp nhiều khó khăn như đói ăn suy dinh dưỡng, sống trong cảnh nhà tranh vách đất, giao thông bất tiện. Nhiều trường học ở vùng nông thôn phải đóng cửa trong những năm gần đây, buộc các em phải đi xa để tới trường.
"Có vô số hoàn cảnh tương tự về trẻ em bị bỏ lại ở Trung Quốc mỗi ngày", Kam Wing Chan, giáo sư đại học Washington, người có nhiều năm nghiên cứu về sự phát triển của nông thôn - thành thị Trung Quốc, nhận định.
Theo giáo sư Chan, chính phủ có thể giúp đỡ các gia đình không bị chia xa bằng cách đặt ra cơ chế cho phép cả gia đình cùng chuyển nhà lên thành phố lớn. Tuy nhiên, nhiều thành phố đặt ra các quy định nghiêm ngặt về người có đủ tiêu chuẩn để được hưởng dịch vụ giáo dục và chăm sóc sức khỏe, khiến người nông thôn di cư lên thành phố bị coi là những công dân hạng hai.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề ra mục tiêu xóa đói giảm nghèo tới năm 2020, nhưng công việc này không dễ dàng. Nhiều gia đình sống ở các khu vực hẻo lánh, không thể tiếp cận với hệ thống điện đường trường trạm hiện đại. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), trong khi khu vực thành thị đang phát triển chóng mặt, thì khoảng 500 triệu người, tương đương 40% dân số Trung Quốc, đang sống dưới mức 5,5 USD một ngày.
Câu chuyện của Fuman khiến một số người hoài nghi về nỗ lực xóa đói giảm nghèo ở Trung Quốc.
"Chúng ta không thể giải quyết đói nghèo", một người bình luận trên Weibo, "nhưng chúng ta có thể ca tụng đói nghèo".
Những hình chụp bàn tay sưng đỏ của Fuman được chia sẻ trên mạng xã hội. Người dùng Internet khen chữ viết tay của em, lưu ý rằng bàn tay của em đặt ở tờ giấy kiểm tra có kết quả gần như tuyệt đối.
Học sinh trong trường của Fuman cho hay các em thiếu áo ấm, tay chân lạnh cóng sau quãng đường dài tới trường là chuyện thường nhật. Nhiều tổ chức từ thiện và thanh niên đã quyên góp cho nhà trường ít nhất 330.000 USD. Giới chức địa phương cho hay sẽ khởi động một chương trình phân phát áo ấm cho trẻ nghèo trong khu vực.
Trả lời phỏng vấn đài truyền hình trung ương Trung Quốc, Fuman kể lại nhật trình tới trường. Hôm bị thầy giáo chụp ảnh, cậu bé nói để quên mũ và găng tay ở nhà.
Fuman và chị gái sống cùng bà nội ốm đau ở huyện Lỗ Điện. Bố cậu bé là Wang Gangkui đi làm xa nhà vì gia đình ngập trong nợ nần, còn ông nội đang ngồi tù. Ông Wang làm công nhân xây dựng ở Côn Minh, cách nhà hơn 400 km. Mẹ của Fuman đã bỏ nhà đi cách đây hai năm.
"Mọi người trong làng đều coi thường chúng tôi", ông cho hay. Người đàn ông đã hai năm chưa về nhà hy vọng con cái có tương lai sáng sủa hơn mình. "Tôi lúc nào cũng lo lắng cho các con. Tôi hy vọng cả hai đứa học lên đại học và tìm được việc làm ổn định".
Fuman muốn tới Bắc Kinh học đại học và trở thành cảnh sát hoặc khoa học gia.
"Dù bây giờ cháu đang là hiện tượng Internet nhưng cháu không thấy tự hào chút nào", cậu bé 8 tuổi nói.
Ngôi nhà tranh vách đất của cậu bé tóc đóng băng
Hồng Hạnh