Lu Yiming là đứa bé 6 tuổi khó bảo. Phút trước, Lu vừa ngồi trên mái ngôi nhà hai tầng bằng bê tông, nghịch pháo hoa. Phút sau, cậu bé đã lao ra một con hẻm.
"Về ngay", bà ngoại cậu bé quát to. "Tôi đau đầu vì nuôi thằng bé này", Tang Xinying, bà lão 72 tuổi, tâm sự. Mẹ của Lu bỏ con ngay lúc lọt lòng, còn bố thì làm mộc ở tỉnh Sơn Đông, cách hai bà cháu hàng trăm km về phía bắc. Ông bố chỉ về quê mỗi năm một lần.
Ở Trung Quốc, Lu là hiện thân của "những đứa trẻ bị bỏ lại". Có đến 61 triệu trẻ em như vậy ở Trung Quốc. Chúng gặp khó khăn ở trường học, tỷ lệ mắc bệnh tâm thần cao hơn, mắc các bệnh lý về hành vi nhiều hơn bạn bè đồng trang lứa.
"Tôi bảo thằng bé 'bố mày phải đi làm, còn mẹ thì không muốn mày", bà Tang bực tức nói.
Không việc làm
Ở Sào Hồ, một làng của tỉnh An Huy, có hàng đống dự án xây nhà dang dở và đồng ruộng bỏ hoang. Một đám mây màu vàng trôi lơ lửng trên bầu trời, gieo rắc mùi vị kim loại trong miệng.
Mọi người trong độ tuổi lao động ở Sào Hồ đều lên phố tìm việc làm, bỏ người già và trẻ nhỏ ở lại. Trong ngôi làng nhỏ, một nhóm bà già ngồi trên ghế gỗ ba chân nghe Kinh kịch qua chiếc đài bé tẹo. Nhóm khác đang ngồi đan. Vài ông già thì nấu rượu lậu trong thùng phuy.
"Chúng tôi không còn ruộng đồng mà cày cấy, nếu không lên tỉnh tìm việc, làm gì có tiền mà ăn", bà Tang nói. "Bố mẹ lũ nhỏ phải rời khỏi làng, ra ngoài đi làm mà không thể mang con theo được".
Liên đoàn Phụ nữ Trung Quốc, một tổ chức nhà nước đã vẽ lên bức tranh ảm đạm về những đứa trẻ bị bỏ lại. Các phương tiện truyền thông thường xuyên đưa tin, nhấn mạnh "trẻ bị bỏ lại" thường bị lạm dụng, và đổ những vụ phạm tội lên chúng.
"Xã hội và thế hệ những người lớn lên không có cha mẹ chịu tác động rất lớn", Ines Kaempfer, nhân viên Trung tâm Quyền trẻ em và Trách nhiệm xã hội, Trung Quốc, nói. "Đó là một xã hội sinh ra thiếu đảm bảo và lòng tin. Nó rất có thể đem lại những ảnh hưởng tai hại".
Hệ quả ngoài ý muốn của việc đô thị hóa và di cư hàng loạt không chỉ ở Trung Quốc. Nhưng những quy định hà khắc đã làm cho vấn đề này tồi tệ hơn.
Hộ khẩu, hệ thống đăng ký gia đình ở nông thôn hay thành thị khiến hầu hết người di cư không thể thay đổi đăng ký hộ gia đình mỗi khi chuyển tới nơi ở mới.
Họ phải đấu tranh để được quyền chăm sóc sức khỏe và dịch vụ xã hội ở thành thị. Con cái của họ không thể đi học trường công, kể cả khi chúng được sinh ra ở thành phố.
Tầng lớp hạ lưu
Những nhà chỉ trích nói rằng hệ thống hộ khẩu đã tạo ra một tầng lớp hạ lưu nhân công giá rẻ giúp vận hành bánh xe cách mạng sản xuất của Trung Quốc.
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề xuất cải cách hệ thống hộ khẩu, bao gồm cả việc từ bỏ giấy đăng ký tạm trú. Chủ đề này đang được thảo luận trong phiên họp thường niên của quốc hội Trung Quốc.
"Mặc dù đã tốt hơn nhiều so với trước đây, nhưng hộ khẩu vẫn là vấn đề lớn", Giáo sư Fan Bin, Đại học Hoa Đông, Thượng Hải, nói.
"Người nhập cư không đủ khả năng nuôi con ở thành phố lớn, giá thuê nhà thì cao, còn lương thì thấp, họ không thể chi trả học phí cho trường tư thục".
Tại làng Sào Hồ, bà Tang đang nấu cơm với rau chân vịt cho cháu nội. "Tôi không thể dạy dỗ cháu trai cho tốt. Thằng bé cần được cả bố lẫn mẹ dạy dỗ", bà nói. "Tôi không thể đuổi kịp khi thằng bé chạy mất. Tôi cũng không thể phạt khi nó phạm lỗi".
Tang cho rằng bà không thể cho cháu những thứ đứa trẻ cần. "Chúng tôi không có lựa chọn, ngay cả khi điều kiện không tốt. Nếu tôi không chăm sóc nó, ai sẽ làm đây", bà nói.
Hồng Hạnh