Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Ảnh: AFP |
Tuyên bố của bà Clinton được đưa ra trong phiên điều trần hôm 23/5 tại Ủy ban Các vấn đề Đối ngoại của Thượng viện Mỹ. Tại phiên điều trần này, Ngoại trưởng cùng các tướng lĩnh quân sự Mỹ đã có lời đề nghị mạnh mẽ về việc Mỹ nên tham gia vào UNCLOS 1982. Bà Clinton cho rằng việc Mỹ không phê chuẩn công ước này làm suy yếu sự ủng hộ của Washington đối với các đồng minh trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.
Đối với vấn đề ở Biển Đông, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã khẳng định từ năm 2010 rằng dù không phải là một nước có liên quan tới tuyên bố chủ quyền tại vùng biển này, nhưng Mỹ vẫn có lợi ích đối với việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, cũng như tự do hàng hải tại các vùng nước vốn nằm trên tuyến đường biển trọng yếu của thương mại toàn cầu.
Theo ngoại trưởng Mỹ, những nước được Mỹ ủng hộ đang bị đe dọa bởi các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. "Là một bên không tham gia UNCLOS, chúng ta nhường vị thế pháp lý cho Trung Quốc. Chúng ta không còn có được sự hỗ trợ tốt cho các đồng minh tại khu vực này như mức chúng ta muốn, và tôi không nghĩ rằng đây là tư thế của một cường quốc hàng hải".
Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển được hoàn tất vào năm 1982 và bắt đầu có hiệu lực từ năm 1994. Đảng Cộng hòa Mỹ đã ngăn cản việc Washington phê chuẩn công ước này suốt nhiều năm qua, dù quân đội Mỹ tuyên bố vẫn ứng xử phù hợp với các nguyên tắc của công ước. Thượng viện Mỹ cũng phản đối nước này ký Công ước vì lo ngại làm ảnh hưởng đến chủ quyền của Mỹ, cũng như cản trở hoạt động của Hải quân Mỹ trên các vùng biển của thế giới.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Clinton cùng việc các quan chức cấp cao của Mỹ đề nghị việc phê chuẩn UNCLOS 1982 diễn ra trong bối cảnh Biển Đông có nhiều diễn biến mới. Bắc Kinh và Manilia có căng thẳng ngoại giao suốt từ đầu tháng 4 xoay quanh việc cùng tuyên bố chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Trung Quốc thời gian qua còn liên tục đưa các phương tiện cỡ lớn ra Biển Đông, thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận.
Phan Lê