Các quan chức của chính quyền Obama tại buổi điều trần thuyết phục Thượng viện Mỹ phê chuẩn Công ước về Luật biển. Ảnh: AFP |
Công ước về Luật biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) ra đời từ năm 1982 và có hiệu lực từ năm 1994, được hơn 160 quốc gia phê chuẩn. Tuy nhiên, Thượng viện Mỹ phản đối nước này ký Công ước vì lo ngại làm ảnh hưởng đến chủ quyền của Mỹ và cản trở hoạt động của Hải quân Mỹ trên các vùng biển của thế giới.
Ngoại trưởng Hillary Clinton, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Martin Dempsey nhấn mạnh rằng việc phê chuẩn Công ước sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm, mở rộng phạm vi khai thác và trao đổi dầu mỏ, khí đốt cùng các nguồn tài nguyên khác, đồng thời sẽ củng cố an ninh quốc gia cho Mỹ, AP cho hay.
Các quan chức của chính quyền Obama cũng đề cao tầm quan trọng của Công ước trong việc tạo ra khuôn khổ pháp lý để giải quyết các tranh chấp về chủ quyền. Đây là lần nỗ lực tiếp theo của chính phủ Mỹ sau khi Hội đồng đối ngoại của Thượng viện từ chối thông qua hồi năm 2007.
Đòi hỏi tham gia Công ước về Luật biển trở nên bức thiết hơn đối với Mỹ trong những tháng trở lại đây khi nước này cảm thấy lo ngại về các hoạt động trên biển của một số quốc gia như Trung Quốc trên biển Đông và Iran tại eo biển Homuz.
Những yêu cầu và diễn biến các tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á tại khu vực biển Đông thời gian qua khiến Mỹ hết sức lo lắng. Nếu phê chuẩn Công ước, các tàu thuyền thương mại và quân sự của Mỹ sẽ có quyền đi lại tự do trong vùng biển quốc tế trong đó có biển Đông, thay vì phải thực hiện quyền tự do hàng hải thông qua tập quán quốc tế như hiện nay.
Thượng nghị sĩ John Kerry, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Thượng viện và là người chủ trì buổi điều trần, cũng đồng tình rằng phê chuẩn Công ước là việc làm cấp bách vì các nước khác có khả năng đang di chuyển tới Bắc Cực và các nơi khác, trong khi Mỹ cần đảm bảo lợi ích quốc gia về kinh tế, an ninh tại các khu vực đó.
Các quan chức trên thống nhất cho rằng, đã đến lúc Mỹ cần phải có một chỗ đứng chính thức và có tiếng nói lớn hơn trong bàn đàm phán quốc tế về các quyền hàng hải và khai thác đáy biển.
Ông Kerry cho biết Thượng viện sẽ xem xét vấn đề mà các bộ trưởng trình bày tuy nhiên nhiều khả năng sẽ chưa tiến hành bỏ phiếu cho đến kỳ bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới vì nhiều nghị sĩ e ngại phải bỏ phiếu cho một vấn đề nhạy cảm trong lúc đang vận động tranh cử.
Vũ Hà