Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN cùng bắt tay với Thủ tướng Campuchia Hun Sen (ngoài cùng bên phải). Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh là người đứng cạnh ông Hun Sen. Ảnh: AFP |
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN (AMM) lần thứ 45 ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia, ông Hun Sen cho hay việc thông qua COC với Trung Quốc ở những vùng biển có tranh chấp là mục tiêu hàng đầu của 10 quốc gia ASEAN.
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, thủ tướng Campuchia kêu gọi các đại biểu cần thấy rõ tầm quan trọng của việc cùng làm việc để hướng tới COC, một bộ quy tắc sẽ cung cấp những hướng dẫn nhằm giải quyết các tranh chấp về những tuyên bố chủ quyền chồng lần có liên quan tới một số nước.
Ông Hun Sen cho rằng ASEAN nên thể hiện rằng khối này có thể đóng vai trò cốt cán trong việc thúc đẩy đối thoại và hợp tác về các vấn đề an ninh và chính trị. "Duy trì hòa bình và ninh khu vực là rất cần thiết cho sự thịnh vượng của ASEAN", Bangkok Post dẫn lời lãnh đạo Campuchia, nước đang là chủ tịch luân phiên của ASEAN, nói.
Căng thẳng trong khu vực gần đây gia tăng khi cả Việt Nam và Philippines cáo buộc Trung Quốc có những hành động làm phức tạp tình hình. Manila đang kêu gọi ASEAN cùng đồng lòng thuyết phục Trung Quốc đồng ý một bộ quy tắc ứng xử, nhưng Bắc Kinh luôn thể hiện mong muốn đàm phán riêng rẽ với từng nước liên quan.
Các nhà ngoại giao cấp cao của ASEAN cũng đang bàn về cách tiếp cận vấn đề nói trên mà không gây phản ứng tiêu cực từ Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là đối tác thương mại quan trọng của nhiều nước thành viên ASEAN.
Một nhà ngoại giao giấu tên cho hay ASEAN vẫn chưa đi tới nhất trí về việc liệu có đề cập tới vụ chạm mặt gần đây giữa các tàu Trung Quốc và Philippines tại bãi cạn tranh chấp Scarborough/Hoàng Nham trong thông cáo chung hay không. Một nhà ngoại giao cũng yêu cầu được giấu tên khác cho biết một tuyên bố sẽ được đưa ra vào cuối Diễn đàn Khu vực ASEAN, trong đó có đề cập vấn đề Biển Đông.
Đáp lại những nỗ lực từ ASEAN, Trung Quốc hôm nay cho hay nước này sẵn sàng trao đổi về một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông với các quốc gia thành viên ASEAN, nhưng lại cho rằng bất cứ thỏa thuận nào cũng sẽ không thể được sử dụng để giải quyết các tuyên bố chủ quyền chồng lấn.
"Khi các điều kiện chín muồi, Trung Quốc muốn trao đổi với các nước ASEAN về việc thiết lập COC", AFP dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân nói. "Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng COC không nhằm giải quyết các tranh chấp, mà nhằm xây dựng lòng tin lẫn nhau và đẩy mạnh hợp tác".
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, vùng biển có vị trí quan trọng đối với thương mại và hàng hải quốc tế, cũng như được cho là có trữ lượng tài nguyên dồi dào. Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc chồng lấn với các tuyên bố của các nước thành viên ASEAN là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Năm 2002, ASEAN cùng Trung Quốc đưa ra Tuyên bố về Cách ứng xử của Các bên tại Biển Đông (DOC).
Nhật Nam