Tàu khu trục nhỏ Mianyang của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: AFP |
Ngoại trưởng 10 nước thành viên ASEAN đang có mặt tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia để tham dự hội nghị khối thường niên, trước khi bước vào hội nghị cấp cao vào cuối tuần này với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và đại diện 16 nước khác trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tại Diễn đàn an ninh Khu vực ASEAN lần thứ 19 (ARF 19).
Căng thẳng ở Biển Đông chính là trọng tâm thảo luận của hội nghị lần này, với việc ngoại trưởng Insonesia tuyên bố ông sẽ tiếp tục nỗ lực để cho ra đời một dự thảo hướng dẫn nhằm giải quyết các tranh chấp trên biển, thường được biết đến với tên tắt là COC.
"Nếu không phải bây giờ thì là khi nào? Ý tôi là, đó chính là lý do chúng tôi ở đây hôm nay", AFP dẫn lời Ngoại trưởng Marty Natalegawa.
"Chúng tôi sẽ thảo luận xem đang ở bước nào trong tiến trình, cũng như các vấn đề khác nữa, chẳng hạn như là khi nào thì đưa Trung Quốc vào bàn luận việc xây dựng quy tắc ứng xử", ông Natalegawa nói tiếp. Ông khẳng định rằng "các diễn biến gần đây" trên biển sẽ được đưa vào chương trình nghị sự.
Cuộc gặp phi chính thức ASEAN - Trung Quốc diễn ra hôm qua dưới sự chủ trì của hai thứ trưởng ngoại giao của Việt Nam và Trung Quốc.
Manila đang nỗ lực tăng cường đoàn kết của các nước thành viên ASEAN nhằm thuyết phục Trung Quốc chấp thuận một Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), khu vực đang chứng kiến sự căng thẳng leo thang khi cả Việt Nam và Philippines đều có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh.
Phía Trung Quốc từ trước đến nay nhiều lần tỏ ý muốn giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại song phương.
Trung Quốc và một số thành viên của ASEAN, bao gồm Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia có tranh chấp Biển Đông, nơi có nhiều tuyến đường hảng hải quan trọng và được coi là một trong năm bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới.
Hà Nội mới đây lên án việc Trung Quốc mời các công ty quốc tế đấu thầu những lô dầu khí ở vùng thềm lục địa của Việt Nam, trong khi quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila đang xấu đi nhanh chóng do tranh chấp chủ quyền ở vùng bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham.
Tại diễn đàn ARF, sự hiện diện của Ngoại trưởng Mỹ thu hút sự chú ý của các bên. Tuy nhiên giới phân tích nhận định rằng bà Hillary Clinton sẽ tránh không khiến bầu không khí với Trung Quốc bị đốt nóng.
Clinton hôm qua kêu gọi các quốc gia trong khu vực cần có "tiến bộ" trong việc ứng xử ở vùng biển tranh chấp.
Sự cạnh tranh chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh dự kiến sẽ được thể hiện trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới, sau khi Mỹ công khai thể hiện việc tập trung chiến lược ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
ASEAN gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, với gần 600 triệu dân, có hệ thống chính trị và kinh tế khác nhau, sẽ phải đối mặt với ảnh hưởng từ chiến lược ngoại giao mới của Mỹ và sự tăng trưởng kinh tế chóng mặt của Trung Quốc trong những năm gần đây.
Năm nay Campuchia làm chủ tịch luân phiên của hiệp hội. Từ hôm nay đến hết ngày 13/7 sẽ diễn ra các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45; ARF 19, Hội nghị ASEAN với các nước đối thoại (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc); và Hội nghị ngoại trưởng của các nước thành viên Cấp cao Đông Á.
Quỳnh Hoa