- Xin hỏi lý do gì để tăng viện phí ? Hiện nay nhiều bệnh viện trong thanh phố hoặc các tỉnh cơ sở vật chất còn rất yếu kém, chật hẹp, đó có phải là lý do để tăng viện phí hay không? Khi tăng viện phí như vậy thì khả năng nhưng người có thu nhập thấp có cơ hội để được chữa trị với những căn bệnh hiểm nghèo hay không? Và khi tăng viện phí như vậy chất lượng của dịch bệnh viện có thay đổi hay nâng lên không? (Nguyen Linh Phuong, 25 tuổi, Huế)
- Ông Nguyễn Nam Liên, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế: Thứ nhất là giá viện phí quy định tại Thông tư số 14 ban hành năm 1995, đến nay đã 17 năm và Thông tư 03 ban hành năm 2006 đến nay cũng đã 6 năm, lúc đó mới tính một phần chi phi trực tiếp, nhưng đến nay vẫn chưa được sửa đổi bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Các chi phí đầu vào của bệnh viện đều tăng do chỉ số giá tiêu dùng hiện nay so với năm 1995 bình quân là 3,4 lần. Tiền lương tối thiểu đã tăng 6,9 lần. Nếu không điều chỉnh viện phí thì các bệnh viện sẽ rất khó khăn trong việc đảm bảo hoạt động.
Thứ hai là nhiều khoản chi mới phát sinh theo yêu cầu phát triển của xã hội nhưng chưa được tính vào mức thu như chi phí xử lý chất thải theo Luật Bảo vệ môi trường, chi phí hấp sấy tiệt trùng để đảm bảo tránh lây nhiễm HIV theo Luật Phòng chống HIV/AIDS. Nhiều loại vật tư thay đổi phương thức sử dụng, từ dùng nhiều lần sang dùng một lần nên làm cho chi phí để thực hiện các dịch vụ ngày càng cao.
Thứ ba là giá viện phí trước đây xây dựng trên cơ sở thực hiện theo các phương pháp thủ công, nay thực hiện bằng các thiết bị hiện đại tiên tiến tự động nên chất lượng cao hơn nhiều, dẫn đến chi phí cao hơn.
Thứ tư là hiện nay trên 60% dân số đã có thẻ bảo hiểm y tế, trong đó có người nghèo theo chuẩn nghèo do Nhà nước quy định, đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng kinh tế xã hội khó khăn, trẻ dưới 6 tuổi đã được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Viện phí là cơ sở để Bảo hiểm xã hội thanh toán viện phí cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, nếu không điều chỉnh viện phí thì bệnh viện không có nguồn kinh phí để thực hiện khám chữa bệnh và nâng cao chất lượng dịch vụ cho người bệnh có thẻ bảo hiểm. Việc thanh toán với mức thấp dẫn đến có trường hợp bệnh viện yêu cầu người bệnh đóng thêm, hoặc không thực hiện dịch vụ mà yêu cầu người bệnh thực hiện ở cơ sở khác làm giảm hoặc hạn chế quyền lợi, gây phiền hà cho người bệnh bảo hiểm y tế, không khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế.
Thứ năm là về cơ sở pháp lý, trong các văn kiện của Đảng, Chính phủ, Quốc hội thì đều nêu rõ quan điểm là phải thực hiện có lộ trình việc xóa bỏ bao cấp qua giá dịch vụ, tính đúng tính đủ chi phí dịch vụ y tế. Mặt khác, hiện nay Chính phủ đang chủ trương thực hiện mục tiêu cải cách tài chính công, đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách theo hướng giảm dần cấp ngân sách cho các bệnh viện, chuyển phần ngân sách này sang hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng thông qua việc cấp thẻ hoặc hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm y tế thanh toán cho các bệnh viện theo cơ chế giá dịch vụ được tính đúng tính đủ chi phí, tạo điều kiện để các bệnh viện phát triển và mở rộng việc cung ứng dịch vụ.
Mục tiêu điều chỉnh viện phí lần này là để các bệnh viện có kinh phí để triển khai việc khám chữa bệnh theo đúng các quy định của Bộ Y tế, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm quyền lợi của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế.
- Tôi nghe nói kể cả người có thẻ bảo hiểm y tế, khi phải dùng đến những xét nghiệm hoặc những phương pháp chữa bệnh kỹ thuật cao thì vẫn phải bỏ tiển riêng ra để chi trả (có khi đến 50 % hay hơn, phí tổn (tự trả thêm) lên tới mấy chục, mấy trăm triệu đồng. Vậy rồi đây sau khi tăng viện phí, những người về hưu có thẻ bảo hiểm y tế có bị ảnh hưởng gì không ? Có lợi gì không? (Do Chau, 62 tuổi, Ha Noi)
- Ông Vũ Xuân Bằng, Phó trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Theo quy định của Luật Bảo hiểm Y tế có một số nhóm đối tượng tham gia BHYT không phải thực hiện cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh như người có công, trẻ em dưới 6 tuổi...; còn lại một số nhóm vẫn phải thực hiện cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT như: đối tượng hưu trí mất sức, người nghèo... cùng chi trả 5%; đối tượng cán bộ công chức, viên chức, người lao động... cùng chi trả 20%.
Ngoài ra những đối tượng cùng chi trả khi sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao có chi phí lớn theo quy định của bộ Y tế thì sẽ được hưởng không quá 40 tháng lương tối thiểu, phần còn lại người bệnh tự thanh toán. Khi tăng viện phí (theo dự thảo mới nhất) thì chủ yếu tăng ở những dịch vụ kỹ thuật của thông tư 14 và 03 là ít có những dịch vụ kỹ thuật cao nên không ảnh hưởng nhiều.
- Việc tăng giá dịch vụ có đồng nghĩa với tăng lương cho cán bộ y tế không? Theo tôi được biết thì với mức lương mà cán bộ y tế đươc hưởng quá thấp so với công sức họ bỏ ra. (Đinh Văn Dũng, 33 tuổi, TP Điện Biên Phủ - Điện Biên)
- Ông Nguyễn Nam Liên: Hiện nay, viện phí mới tính 3 yếu tố chi phí trực tiếp để các bệnh viện triển khai việc khám chữa bệnh gồm: thứ nhất là tiền thuốc, máu, dịch truyền, vật tư phục vụ trực tiếp cho người bệnh, thứ hai là tiền điện, nước, các chi phí về bảo vệ môi trường, xử lý chất thải, thứ ba là chi phí về duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị y tế, mua sắm thay thế công cụ, dụng cụ khám chữa bệnh. Chưa tính tiền lương, phụ cấp, khấu hao nhà cửa, trang thiết bị, chi phí đào tạo nghiên cứu khoa học. Do vậy, việc điều chỉnh giá viện phí lần này không nhằm mục đích tăng thu nhập cho cán bộ y tế.
- Là bệnh viện Đa khoa tư nhân tỉnh, chúng tôi ký kết hợp đồng với BHXH tỉnh tiếp nhận thẻ bảo hiểm và thanh toán theo định suất. Vậy nếu trong 6 tháng cuối năm mà tăng giá dịch vụ y tế thì quỹ định suất của chúng tôi có được tăng không? Nếu có thì tăng như thế nào? Không được nhà nước hỗ trợ tài chính nên nếu tăng viện phí mà chúng tôi làm theo khoán quỹ định suất thì không có lãi. Vậy có thể chuyển sang thanh toán dịch vụ được không? (Nguyễn Hương, 36 tuổi, Ninh Thuận)
- Ông Vũ Xuân Bằng: Theo quy định của thông tư liên bộ số 09 thì quỹ khám chữa bệnh theo định suất được tính dựa trên cơ sở chi phí thực tế của năm trước từng bệnh nhân và số thẻ đăng ký tại cơ sở khám bệnh với hệ số gia tăng chi phí y tế hàng năm. Tổng quỹ khám chữa bệnh (KCB) theo định suất tại cơ sở KCB nhận khoán không cao hơn quỹ KCB của các đối tượng tham gia BHYT tại cơ sở đó. Nếu cuối năm quỹ KCB theo định suất của cơ sở KCB kết dư không quá 20% quỹ định suất thì cơ sở KCB được sử dụng như nguồn thu viện phí theo nghị định 43 của Chính phủ.
Trường hợp quỹ KCB theo định suất thiếu hụt do tần suất KCB tăng, áp dụng kỹ thuật mới có chi phí lớn, cơ quan BHXH xem xét thanh toán tối thiểu 60% chi phí vượt quỹ. Trường hợp quỹ KCB theo định suất thiếu hụt do nguyên nhân bất khả kháng như dịch bệnh bùng phát, tỷ lệ người mắc bệnh nặng, chi phí khám bệnh quá cao so với dự kiến thì BHXH thống nhất với Sở Y tế xem xét thanh toán bổ sung. Vì vậy, khi 6 tháng cuối năm nếu có tăng viện phí mà là nguyên nhân gây bội chi quỹ KCB theo định suất của cơ sở KCB thì cơ quan bảo hiểm sẽ xem xét thanh toán.
Theo lộ trình thực hiện phương thức thanh toán chi phí KCB theo định suất đối với cơ sở KCB có thẻ đăng ký KCB ban đầu quy định tại thông tư liên bộ số 09 đến năm 2015 thì 100% các cơ sở này phải thực hiện thanh toán chi phí KCB BHYT theo định suất. Vì vậy, các cơ sở đang thực hiện thanh toán chi phí KCB theo định suất sẽ không thực hiện thanh toán theo phí dịch vụ.
- Khi tăng viện phí thì có tăng mức đóng BHYT tự nguyện không hoặc có tăng tỷ lệ đóng BHYT các đối tượng tham gia BHYT bắt buộc không. Nếu tăng thì tăng khi nào? (Nguyễn Văn Hùng, 43 tuổi, 128 Trần Quang Khải TP.HCM)
- Ông Vũ Xuân Bằng: Theo dự tính của BHXH Việt Nam, nếu tăng viện phí vào 6 tháng cuối năm 2012 thì quỹ BHYT sẽ phải tăng chi phí lên khoảng gần 5000 tỷ đồng. Với mức đóng BHYT như quy định hiện nay thì khả năng năm 2012 quỹ BHYT sẽ cân đối được. Nhưng dự tính cho năm 2013, với sự gia tăng chi phí y tế bình quân hàng năm và trên 400 dịch vụ kỹ thuật được tăng giá theo dự thảo thì quỹ BHYT sẽ bị mất cân đối, lúc đó bắt buộc phải tăng mức đóng BHYT để đảm bảo đủ nguồn kinh phí chi trả khám chữa bệnh BHYT.
- Mức tăng giá như vậy theo chuyên gia có cao quá không? - Vào khám từ 3.000 lên đến 20.000 (hơn 6 lần). Ca đỡ đẻ thường tăng từ 50.000 - 150.000 lên đến 480.000 - 525.000.... Mức chênh lệch giữa trước và sau rất cao. Trong khi thu nhập của người dân thì đâu có thay đổi gì? Liệu có phù hợp không? (Nguyễn Hoàng Yến, 41 tuổi, Vũng Tàu)
- Ông Nguyễn Nam Liên: Bộ Y tế đã thành lập các hội đồng chuyên môn để xây dựng và trình lãnh đạo Bộ Y tế ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật về việc sử dụng thuốc, vật tư hóa chất và các chi phí để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế. Trên cơ sở đó thì tổ chuyên viên liên ngành Y tế, Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã tính toán mức chi phí cho từng dịch vụ trên cơ sở các chi phí trực tiếp của 3 yếu như đã nêu. Bộ Y tế cũng đã thành lập hội đồng thẩm định gồm: lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và một số cơ quan có liên quan thẩm định giá do tổ chuyên viên đề xuất. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ nhất trí phương án điều chỉnh giá của hơn 400 dịch vụ.
Trong đó, giá khám bệnh hiện nay 3.000 đồng một lượt khám không đủ mua găng tay khám, thì nay tính đầy đủ 3 yếu tố chi phí trực tiếp thì dự kiến mức khám tại bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 là 20.000 đồng, tại bệnh viện hạng 2 là 15.000 đồng, hạng 3 là 10.000 đồng, hạng 4 là 7.000 đồng, trạm y tế xã là 5.000 đồng. Mức tăng này là phù hợp và tương đương với mức tăng tiền lương tối thiểu (hiện nay so với năm 1995 tăng 6.9 lần).
Đối với dịch vụ đỡ đẻ thường, dự kiến mức giá tối đa là 525.000 đồng/ca vì riêng chi phí cho 29 khoản chi như: chỉ khâu, găng tay, quần áo cho sản phụ và trẻ sơ sinh... đã hết khoảng 360.000 đồng, tiền thuốc gây tê, gây mê và một số loại khác đã hết khoảng 135.000 đồng... Nên mức giá 525.000 đồng là chỉ bù đắp được các chi phí mà bệnh viện đã bỏ ra để chi.
- Tôi làm việc tại một công ty tư nhân, công ty không mua BHYT cho tôi, vậy tôi có thể tự mua ở đâu? Kính mong quý báo hỗ trợ trả lời giúp. Xin chân thành cảm ơn! (Hoàng Văn Tiến, 26 tuổi, Nam Định)
- Ông Vũ Xuân Bằng: Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật BHYT thì người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên phải tham gia BHYT. Vì vậy, bạn cần phải yêu cầu công ty mua BHYT theo đúng quy định luật BHYT. Trường hợp công ty không mua, bạn có thể gửi đơn đến các cơ quan chức năng để xử phạt công ty theo nghị định số 92 của Chính phủ về việc xử phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHYT.
Ngoài ra, bạn vẫn có thể đến UBND xã, phường, hoặc cơ quan BHXH gần nơi cư trú để tham gia BHYT theo hình thức tự nguyện trong thời gian công ty chưa tham gia BHYT.
- Tăng viện phí cao như những ví dụ trên thì với người dân không có bảo hiểm thì sẽ xử lý như thế nào. Nước ta còn quá nhiều hộ nghèo, có bệnh mà không có nhiều tiền chắc chỉ ngồi chờ chết. Với người lao động làm công ăn lương đã khó, người dân còn khó hơn. Nhất là xã hội đồng tiền đang càng mất giá. Tôi không đồng ý với việc tăng viện phí. Tại sao không đặt câu hỏi "Nhà nước nên đưa ra phương pháp kìm chế lạm phát tăng". Cuối cùng người dân vẫn là thiệt nhất. (Trang Pham, 22 tuổi, TP HCM)
- Ông Nguyễn Nam Liên: Quốc hội đã ban hành Luật Bảo hiểm y tế trong đó đã quy định lộ trình thực hiện Bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2014. Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị đã nêu rõ quan điểm bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân, mỗi gia đình và cộng đồng, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng chính quyền và toàn xã hội. Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách chăm lo sức khỏe đối với các đối tượng chính sách xã hội như: cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho người có công với cách mạng, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ dưới 6 tuổi và một số đối tượng chính sách xã hội khác. Đối với người nghèo, khi đi khám chữa bệnh thì được quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán 95% chi phí theo quy định của Luật Bảo hiểm Y tế đã được Quốc hội thông qua. Trong điều kiện nước ta hiện nay, thu nhập còn thấp nhưng Nhà nước cũng đã bao cấp 95% cho người nghèo đã là một sự cố gắng hết sức của Nhà nước.
Để thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân cũng như là giảm bớt gánh nặng chi phí khám chữa bệnh cho một số đối tượng thì Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính trình và được Thủ tướng Chính phủ nhất trí nâng mức hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng là người cận nghèo từ 50% lên 70% và thực hiện từ năm 2012. Hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân. Trong đó, dự kiến đề nghị Nhà nước nâng mức hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng là người làm nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình từ 30% lên khoảng 50-60% để khuyến khích các đối tượng này tham gia bảo hiểm y tế. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã kết cấu trong một số dự án ODA một số khoản kinh phí để hỗ trợ thêm cho đối tượng này tham gia bảo hiểm y tế.
Do vậy, đối với người nghèo Nhà nước đã cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, người cận nghèo đã được hỗ trợ tối thiểu 70% để mua thẻ bảo hiểm y tế. Một số đối tượng có mức thu nhập trung bình đã được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế. Các đối tượng còn lại sẽ tuyên truyền vận động để tham gia bảo hiểm y tế.
- Thưa ông Vũ Xuân Bằng, xin các ông cho biết: Hiện tại, người bệnh có BHYT đi khám bệnh không đúng tuyến sẽ được BHYT thanh toán một tỷ lệ phần trăm nhất định. Sắp tới, sau khi tăng giá khoảng 400 dịch vụ y tế thì việc thực hiên như nói trên có còn được tiếp tục hay không? (Mai Tuấn Hòa, 29 tuổi)
- Ông Vũ Xuân Bằng: Việc quy định người có thẻ BHYT đi khám bệnh không đúng tuyến (có trình thẻ BHYT) vẫn được thực hiện thanh toán một tỷ lệ % nhất định tùy theo tuyến chuyên môn kỹ thuật, cụ thể là 70% đối với bệnh viện hạng 3, 50% đối với bệnh viện hạng 2, 30% đối với bệnh viện hạng 1 và đặc biệt. Vì vậy, khi tăng viện phí thì chi phí khám chữa bệnh của người bệnh tăng lên và phần chi trả cho khám chữa bệnh trái tuyến cũng sẽ cao.
- Dự thảo tăng giá viện phí khi nào có hiệu lực ? Và khi giá viện phí tăng sẽ ảnh hưởng đến mức trần thanh toán đối với bệnh nhân khám chữa bệnh trái tuyến. Cơ sở KCB đã ký hợp đồng với BHXH và thống nhất mức trần chi hộ tuyến hai, như vậy khi giá viện phí tăng thì Cơ sở có được điều chỉnh tăng mức trần này không ? (Nguyễn Thị Hạnh, 30 tuổi, Đồng Tháp)
- Ông Nguyễn Nam Liên: Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế phối hợp các bộ ngành có liên quan thống nhất để ban hành vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 năm 2012. Hiện nay các bộ ngành đang tích cực triển khai để có thể ban hành vào cuối tháng 2. Theo quy định thì văn bản chỉ có hiệu lực ít nhất sau 45 ngày kể từ ngày ban hành nên dự kiến phải cuối tháng 4, đầu tháng 5 mới bắt đầu thực hiện.
Mặt khác, các bộ chỉ ban hành khung giá còn mức giá cụ thể thì do Bộ Y tế quy định đối với các bệnh viện trung ương. Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định đối với các bệnh viện thuộc địa phương. Nên tại các bệnh viện do địa phương quản lý thì chỉ được thực hiện khi có quyết định của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh.
Ông Vũ Xuân Bằng: Căn cứ tính trần thanh toán tuyến hai là chi phí thực tế của bệnh nhân tuyến 2 đã điều trị năm trước. Vì vậy, khi giá viện phí tăng thì sẽ có hai cách: một là nếu dự tính được mức tăng thì sẽ điều chỉnh trần thanh toán ngay, hai là trường hợp không dự tính được thì cuối năm cơ sở khám chữa bệnh bóc tách phần tăng do điều chỉnh viện phí, cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ xem xét thanh toán.
- Có ý kiến cho rằng: Nước ta cái gì cũng phải theo "giá thị trường", nhà nước không "bao cấp" nữa, kể cả trong lĩnh vực giáo dục và y tế, các ông nghĩ gì về ý kiến này?(Trần A.Bang, 24 tuổi, Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy)
- Ông Nguyễn Nam Liên: Đảng và Nhà nước rất chú trọng đến việc đảm bảo an sinh xã hội, trong đó có lĩnh vực y tế. Thực tế, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến lĩnh vực y tế, tiếp tục bao cấp cho y tế nhưng không bao cấp tràn lan thông qua việc khám chữa bệnh miễn phí mà thông qua bảo hiểm y tế. Việc bao cấp của Nhà nước thể hiện ở hai khía cạnh sau:
Thứ nhất là giá viện phí đầy đủ phải bao gồm 7 yếu tố, hiện nay mới chỉ tính 3 yếu tố chi phí trực tiếp như đã nêu ở trên, chưa tính tiền lương, phụ cấp, chi phí đầu tư xây dựng bệnh viện, mua sắm trang thiết bị có giá trị lớn, chi phí đào tạo nghiên cứu khoa học và các khoản chi này vẫn phải do Nhà nước đảm bảo. Điều đó có nghĩa là Nhà nước vẫn tiếp tục bao cấp cho y tế.
Thứ hai là Nhà nước đã chi hàng chục ngàn tỷ đồng/năm để mua thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ học sinh, sinh viên, người cận nghèo và một số đối tượng khác mua thẻ bảo hiểm y tế với mức hỗ trợ ngày càng tăng.
- Năm ngoái tôi ở TP HCM đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu ở BV 30-4 Bộ Công an. Năm nay tôi ở Vũng Tàu, không cho tôi đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ban đầu tại 30-4 mà bắt về BV Quận. Tại sao lại như vậy? (Le Dai Phong, 55 tuổi, Bà-rịa Vũng Tàu)
- Ông Vũ Xuân Bằng: Theo quy định tại Điều 6, thông tư 10/2009/TT- BYT ngày 14/8/2009 thì người bệnh có thẻ BHYT được đăng ký KCB tại các bệnh viện tuyến xã, tuyến huyện và tương đương. Trừ một số trường hợp cụ thể được đăng ký tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương theo quy định của Bộ Y tế. Vì vậy, trường hợp của ông được chuyển về đăng ký KCB ban đầu tại bệnh viện quận gần nơi cư trú là đúng quy định
- Thưa ông, tôi đồng ý với quan điểm phải tăng giá dịch vụ y tế đối với bảo hiểm y tế. Tuy nhiên việc tăng giá này có ảnh hưởng gì đến giá dịch vụ đối với khám chữa dịch vụ hay không? Vì giá dịch vụ hiện nay cũng khá cao. (Nguyễn Xuân Cường, 30 tuổi, Hà Nội)
- Ông Nguyễn Nam Liên: Việc điều chỉnh giá viện phí lần này không điều chỉnh các quy định liên quan đến giá "dịch vụ" của các bệnh viện. Đối với các hoạt động khám chữa bệnh mang tính "dịch vụ" của các bệnh viện, thì theo quy định tại Nghị định 43 năm 2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các bệnh viện thì các bệnh viện được quyết định mức thu của các hoạt động "dịch vụ" theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp đủ chi phí và có tích lũy hợp lý.
- Thưa ông, nếu tăng viện phí như vậy sẽ khiến cho một lượng lớn người dân không thể đến khám tại bệnh viện lớn mà sẽ phải xuống bệnh viện cơ sở để khám chữa bệnh, nhưng chất lượng khám chữa ở bệnh viện tuyến dưới lại không đảm bảo. Do đó người dân sẽ có tâm lý ra ngoài bệnh viện tư khám chữa. Ông có giải pháp gì cho việc nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa ở các bệnh viện tuyến dưới hay không? (Nguyễn Văn Nam, 23 tuổi, Liên châu, yên lạc, Vĩnh Phúc)
- Ông Nguyễn Nam Liên: Hiện nay Chính phủ, Bộ Y tế đang triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho tuyến dưới, cụ thể:
1- Một là tập trung các nguồn lực để đầu tư nâng cấp các sở y tế tuyến dưới như đầu tư cho các bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện chuyên khoa lao, phong, tâm thần, nhi và một số bệnh viện đa khoa tỉnh miền núi khó khăn từ nguồn trái phiếu chính phủ theo Quyết định 47 và 930 của Thủ tướng Chính phủ, ngành y tế cũng đã và đang vận động nhiều tổ chức quốc tế để đầu tư cho các cơ sở y tế tuyến dưới từ các dự án ODA.
2- Thứ hai là tăng cường đào tạo nhân lực y tế thông qua việc phối hợp với các địa phương thực hiện việc đào tạo cán bộ y tế theo hình thức cử tuyển, đào tạo hợp đồng theo nhu cầu của địa phương để từng bước đảm bảo nguồn nhân lực cho y tế cơ sở.
3- Thứ ba là thực hiện việc luân phiên cán bộ y tế tuyến trên về tuyến dưới theo Đề án 1816 để chuyển giao kỹ thuật và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho tuyến dưới. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định quy định về việc luân phiên cán bộ y tế về phía dưới.
4- Thứ tư là phần lớn giá các dịch vụ y tế điều chỉnh lần này là các dịch vụ thực hiện ở tuyến dưới nên sẽ tạo điều kiện để các bệnh viện tuyến dưới có thêm kinh phí để nâng cao chất lượng dịch vụ.
- Thưa ông! Việc tăng giá dịch vụ y tế thì nhà nước được lợi gì và người sử dụng dịch vụ được lợi gì? (Đinh Thị Thúy An, 31 tuổi, Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội)
- Ông Nguyễn Nam Liên: Đối với người dân, nhất là người có thẻ bảo hiểm y tế được thụ hưởng dịch vụ y tế với chất lượng tốt hơn do bệnh viện có kinh phí để mua thuốc, vật tư hóa chất... phục vụ người bệnh được tốt hơn. Bảo hiểm y tế thanh toán với mức cao hơn nên giảm bớt sự đóng góp thêm của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ mà trước đây giá thấp, bệnh viện phải thu thêm của người bệnh phần quỹ bảo hiểm không thanh toán, hoặc trước đây do giá thấp bệnh viện không có kinh phí để triển khai một số dịch vụ thì nay được điều chỉnh giá nên sẽ triển khai các dịch vụ này, người bệnh bảo hiểm y tế sẽ được hưởng, đảm bảo công khai minh bạch, giảm phiền hà cho người bệnh và nâng cao chất lượng, tăng quyền lợi cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế.
Đối với Nhà nước thì hiện nay do mức thu thấp nên Nhà nước bao cấp cho cả người có khả năng chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh, điều chỉnh viện phí sẽ giảm sự bao cấp tràn lan trong khám chữa bệnh. Người bệnh có khả năng chi trả viện phí sẽ phải chi trả đầy đủ hơn nên huy động được sự đóng góp hợp lý của các tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện để Nhà nước dành ngân sách để mở rộng đối tượng hưởng chính sách bảo hiểm y tế, nâng mức hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế góp phần thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân được nhanh hơn...
- Mẹ tôi bị K dạ dày đã phẫu thuật tại BV Ung bướu TP HCM và hiện đang hoá trị tại BV Đà Nẵng (2/6 đợt), có thẻ BHYT. Vậy khi tăng giá dịch vụ y tế, việc chi trả của bệnh nhân và của BHYT đối với dịch vụ và thuốc chữa bệnh sẽ được thực hiện như thế nào? Xin cảm ơn! (Nguyễn Chí Trung, 45 tuổi, F1, Q.Gò Vấp, Tp. HCM)
- Ông Vũ Xuân Bằng: Khi tăng giá viện phí thì việc chi trả của bệnh nhân và của quỹ BHYT sẽ tăng. Đối với người bệnh BHYT, phần cùng chi trả sẽ tăng cùng với tăng giá của các dịch vụ y tế, đặc biệt là giá ngày giường bệnh. Ví dụ trước đây, bệnh nhân nằm 10 ngày, mức cùng chi trả 20% cho tiền ngày giường bệnh nội khoa loại 1 tại các bệnh viện Trung ương cũng chỉ khoảng 20 nghìn đồng, nhưng theo mức giá viện phí mới thì sẽ là 160 nghìn đồng (chưa kể thuốc và các dịch vụ y tế).
- Bảo hiểm Y tế của VN vẫn mang tính cào bằng, chỉ có 1 loại chung cho mọi người. Thực tế thì số người thu nhập cao ở nước ta hiện đã khá nhiều, có người sắp thành tỷ phú đô la. Khi ốm đau rất nhiều trong số này vào bệnh viện quốc tế hay ra nước ngoài chữa bệnh. Vậy ngành Y tế có chính sách bảo hiểm "cao cấp" nào cho những người này để vừa có thêm nguồn thu san sẻ cho loại hình khác, và mang lại nhiều lợi ích khác (Nguyễn Tiến Dũng, 63 tuổi, 158/65 Ngọc Hà, Ba Đình, HN)
- Ông Nguyễn Nam Liên và Ông Vũ Xuân Bằng: Ý kiến của bác rất là hay. Hiện nay Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Y tế đang nghiên cứu để trình Chính phủ, Quốc hội xây dựng hình thức bảo hiểm y tế và bệnh viện điều trị chất lượng cao cho những người có thu nhập cao.
- Tôi là công nhân ở Lạng Sơn, bị đái tháo nhạt. Mỗi kỳ đi khám BHYT tại viện Nội tiết TW, ở Lạng Sơn chưa có chuyên khoa này, tôi phải xin giấy chuyển viện từ trung tâm Y Tế huyện lên bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn. Lên đó khám, rồi mới xin giấy chuyển Viện Nội Tiết. Việc này mất cả ngày, những người khác từ tuyến dưới lên đều vậy. Theo quy trình này, việc giảm tải tuyến trên không thực hiện được, mà làm tăng chi phí ở BV tuyến dưới và của người bệnh. Xin hỏi có chính sách nào để tôi đi thẳng đến nơi cuối cùng mà vẫn đúng tuyến? (Đinh Đức Thuận, 38 tuổi, Lạng Sơn)
- Ông Vũ Xuân Bằng: Theo quy định về phân tuyến chuyên môn kỹ thuật của Bộ Y tế thì bệnh nhân được quản lý và chăm sóc sức khỏe tại y tế tuyến cơ sở. Khi ốm đau, được khám chữa bệnh theo tuyến, trường hợp quá khả năng về chuyên môn, thì cơ sở khám chữa bệnh chuyển người bệnh lên tuyến trên để điều trị tiếp. Đối với bệnh nhân BHYT bị mắc các bệnh mãn tính (theo quy định BYT) vượt quá khả năng điều trị của tuyến dưới thì chỉ cần giấy giới thiệu từ tuyến dưới lên khám tại các bệnh viện tuyến trên lần đầu, những lần tiếp theo trong năm được lên thẳng khám chữa bệnh theo giấy hẹn của bác sĩ tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên.
- Xin hỏi bệnh viện 108 là bệnh viện hạng mấy, nếu BHYT của tôi ở bệnh viện khác thì khi tôi khám và điều trị ở bệnh viện 108 sẽ được BHYT thanh toán bao nhiêu %? (Hồng Nhung, 29 tuổi, Ngọc Thụy, Long Biên, HN)
- Ông Vũ Xuân Bằng: Bệnh viện 108 là bệnh viện hạng đặc biệt có thực hiện ký hợp đồng khám chữa bệnh (KCB) BHYT, vì vậy bệnh nhân có thẻ BHYT khi được chuyển đến bệnh viện 108 sẽ được hưởng quyền lợi KCB BHYT như đối với các bệnh viện khác.
- Tại sao lại phải tăng các dich vụ để chi trả cho bảo hiểm (Quan Van Cuong, 38 tuổi, Chợ đồn Bắc Kạn)
- Ông Nguyễn Nam Liên: Đối với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, khi đi khám chữa bệnh được cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán viện phí cho bệnh viện thay cho người bệnh. Hiện nay, giá viện phí thấp, quỹ bảo hiểm y tế thanh toán với mức thấp nên bệnh viện không có đủ kinh phí để thực hiện các dịch vụ khám chữa bệnh cho người bệnh. Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật đã quy định mức đóng bảo hiểm y tế hiện nay là 4,5% tiền lương, tăng so với trước đây là 1,5%. Nên việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế là để quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho bệnh viện đầy đủ hơn, góp phần nâng cao quyền lợi cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế.
- Theo tôi được biết hiện nay người dân bị bệnh viêm gan C cao, chi phí điều trị rất cao nhưng BHYT thì không được thanh toán, xin cho biết vì sao? Đến khi nào mới thanh toán được BHYT? (Phan Van Cong, 32 tuổi, Cà Mau)
- Ông Vũ Xuân Bằng: Bệnh nhân bị viêm gan C khi vào viện vẫn được quỹ BHYT thanh toán theo quy định như những bệnh nhân mắc các bệnh khác. Riêng một số thuốc đặc trị chi phí rất lớn, lên đến hàng trăm triệu/liều thì không có trong danh mục thuốc theo quy định tại Thông tư số 05 năm 2008. Đến cuối năm 2011, BYT đã ban hành Thông tư số 31, thay thế Thông tư số 05 và có đưa một số thuốc đặc trị viêm gan C vào danh mục. Vì vậy hiện nay, quỹ BHYT đã thực hiện chi trả cho những bệnh nhân điều trị viêm gan C có sử dụng những thuốc này.
- Vừa rồi tôi có bị tai nạn giao thông khi vào nhập viên tôi phải thanh toán mọi chi phí, tôi thiết nghĩ có BHYT thì đụng đến y tế phải được giải quyết ngay cứ sao lại bắt chúng tôi thanh toán rồi sau này đi thanh toán lại, mất thời gian quá (Nguyen Yhi Huong, 33 tuổi, BIEN HOA DONG NAI)
- Ông Nguyễn Nam Liên: Bộ Y tế, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 39 ngày 11/11/2011 hướng dẫn thủ tục thanh toán chi phí khám chữa bệnh đối với người tham bảo hiểm y tế bị tai nạn giao thông. Trong đó đã quy định đối với người có thẻ bảo hiểm y tế bị tai nạn giao thông, trong khi chưa có đủ căn cứ để xác định nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông là do hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của người đó gây ra, khi đi khám chữa bệnh được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định. Khi đã xác định là nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông do hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của người bị tai nạn hoặc trường hợp bị tai nạn giao thông như không thuộc phạm vi thanh toán của bảo hiểm y tế thì phải hoàn trả các chi phí khám chữa bệnh cho quỹ bảo hiểm y tế. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 26/12/2011.
- Tôi hiện nay mang thai tháng thứ 6, và không tham gia các loại hình bảo hiểm nào. Vậy xin hỏi nếu khi sinh em bé với giá dịch vụ y tế tăng thì sẽ mất tổng chi phí là bao nhiêu? (Phạm Thị Hoa, 30 tuổi, Bắc Ninh)
- Ông Nguyễn Nam Liên: Chi phí trong trường hợp đẻ thường sẽ bao gồm: tiền khám bệnh, tiền làm các xét nghiệm nếu cần thiết theo chỉ định của bác sĩ, tiền ngày giường điều trị, và tiền thủ thuật đỡ đẻ thường, dự kiến là 525.000 đồng/ca, như vậy thì tổng chi phí khoảng 1-2 triệu đồng. Nếu trường hợp chị có thẻ bảo hiểm y tế đi khám chữa bệnh đúng tuyến thì sẽ được bảo hiểm y tế thanh toán tối thiểu 80%, người bệnh chỉ phải nộp 20%, khoảng 200.000-400.000 đồng.
- Tôi xin hỏi viện phí tăng thì bảo hiểm người nghèo cùng chi trả 5% có được nhà nước hỗ trợ một phần không? Vì con tôi bị mắc bệnh máu, hàng tháng vẫn phải đi bệnh viện Huyết học truyền máu và thải sắt định kỳ có được nhà nước hỗ trợ thêm không ? (Phan Thị Huân, 47 tuổi, Vinh Lộc - Thanh Hóa)
- Ông Nguyễn Nam Liên: Người nghèo cũng chỉ phải chi trả 5% của số viện phí tăng thêm do điều chỉnh giá viện phí. Tuy nhiên, để hạn chế bớt ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá viện phí đối với người nghèo và một số đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo có chi phí điều trị lớn, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ có liên quan đang trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung quyết định số 139/2002/QĐ-TTG về quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo để hỗ trợ phần đồng chi trả 5% đối với người nghèo và hỗ trợ cho một số trường hợp bị bệnh nặng hiểm nghèo có chi phí điều trị lớn như: ung thư, chạy thận nhân tạo, phẫu thuật tim...
- Tôi có mua bảo hiểm y tế, vừa qua tôi bị bệnh phải nằm viện, nhưng không đi đúng tuyến bảo hiểm, không trình thẻ BHYT nên không được thanh toán theo chế độ của bảo hiểm y tế quy định tại bệnh viện. Vậy tôi lấy hóa đơn đỏ về, tôi có được bảo hiểm y tế trả lại tiền không? (Le Thi Xuyen, 34 tuổi, quan 12, TP HCM)
- Ông Vũ Xuân Bằng: Trường hợp của bạn hỏi, theo quy định của Thông tư Liên bộ số 09 thì bạn mang toàn bộ chứng từ hóa đơn KCB đến cơ quan BHXH gần nơi cư trú để được hướng dẫn thanh toán trực tiếp theo mức chi phí bình quân của một đợt điều trị tại phụ lục số 02 của Thông tư Liên bộ số 09.
Đời sống