Chiều 5/4, tại cuộc họp về vệ sinh an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Quản lý chất lượng nông lâm, thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, kiểm tra trên diện rộng các mẫu do các tổ chức, cá nhân yêu cầu cho thấy có 13 trong số 168 mẫu thức ăn chăn nuôi dương tính với Beta Agonits, chiếm 4,8%.
Ngoài ra, 8 trong 179 mẫu thịt, gan lợn phát hiện dương tính, tỷ lệ 4,4%, nước tiểu nhiễm là 12%.
Còn theo kết quả kiểm tra của các đoàn công tác tại 15 tỉnh, thành ở miền Bắc và duyên hải Nam Trung bộ, số mẫu dương tính là 3 trong số 150 (gồm 1 mẫu gan lợn, 2 mẫu thức ăn chăn nuôi).
Ông Tiệp thông báo, trong tháng 3, thanh tra Bộ Nông nghiệp đã ra 550 quyết định xử phạt với số tiền 760 triệu đồng, liên quan đến vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đối với các cơ sở vi phạm ở Bình Dương, tỉnh này đã thông qua mức xử phạt cao nhất, 25 triệu đồng với mỗi trường hợp vi phạm. Còn tại Đồng Nai, 11 cơ sở vi phạm cũng đang được tỉnh hoàn tất hồ sơ xử lý. Ông Tiệp cho rằng mức phạt như trên là khá nặng đối với cơ sở chăn nuôi. Đây là bài học cho những người chăn nuôi ham lợi nhuận trước mắt.
Còn theo ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng Thú y, kết quả kiểm tra tại các cửa hàng kinh doanh thuốc thú y cũng đã phát hiện 11% số mẫu kiểm tra dương tính với chất cấm. Ông Năm khẳng định, cục Thú y không cho phép lưu hành bất kỳ loại thuốc nào có chứa các chất cấm gốc Beta Agonits. Tất cả các loại thuốc thú y kiểm tra phát hiện có dương tính là thuốc nhập lậu, ngoài luồng.
Tại cuộc họp, khi Cục Chăn nuôi khi nhận xét, so sánh về mặt tỷ lệ số mẫu thịt, thức ăn chăn nuôi nhiễm chất cấm hồi cuối tháng 2 và trong tháng 3 đã giảm đi nhiều, Bộ trưởng Cao Đức Phát tỏ ra không đồng tình.
"Chưa thể nói chúng ta đã kiểm soát được tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Kết quả kiểm tra có giảm, cũng bởi thời gian gần đây, cơ quan chức năng, các địa phương cũng như dư luận lên án mạnh mẽ, các đối tượng buôn bán cũng như người chăn nuôi 'chờn', nên tỷ lệ mới giảm", ông Phát nhận định.
Bộ trưởng Phát cho rằng, cần phải tiếp tục kiểm tra lại các cơ sở đã vi phạm, nếu vẫn chưa thực hiện thì là trách nhiệm của địa phương.
"Cứ đẩy lên đẩy xuống giữa Bộ với địa phương thì không có gì thay đổi. Vi phạm là làm ra thực phẩm bẩn, tại sao vẫn cho phép tồn tại? Bữa cơm của người dân hiện có gạo nghi giả, thịt nhiễm chất tạo nạc xào với rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Không thể để tình trạng này tiếp diễn", ông Phát bức xúc.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp yêu cầu các Cục, Vụ liên quan trong tháng 4 tiêp tục lấy các mẫu thịt, thức ăn chăn nuôi để kiểm tra, xử lý. Theo ông, tỷ lệ thịt, thức ăn chăn nuôi nhiễm chất cấm mức 4,8% vẫn là cao. "Nếu không nỗ lực kiểm soát thì nó lại bùng lên. Tuy nhiên, kiểm tra rồi phải thay đổi thực tế, kiểm tra chất cấm mà kiểu trống giong cờ mở thì cũng khó mang lại kết quả như mong muốn", ông Phát nói.
Nguyễn Hưng