Theo Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần, chỉ vì một vài địa phương bị phát hiện có thành phần cấm trong chất tạo nạc mà cả nước tẩy chay thịt lợn. Sử dụng chất cấm tạo nạc cho lợn là hành vi mất đạo đức, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả cộng đồng. Vấn đề là việc buôn bán chất cấm này không chỉ tại các cửa hàng thuốc mà thương lái còn mang đến tận từng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bán với giá rất rẻ.
“Rõ ràng là có cả một đường dây buôn bán, có tổ chức, vì thế rất cần có sự vào cuộc của công an để ngăn chặn tận gốc”, thứ trưởng Tần nói.
Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục Thú y cần giao trách nhiệm rõ, cơ quan thú y trung ương, tỉnh, xã kiểm tra các cửa hàng bán thuốc thú y, hạn chế sử dụng các chất cấm ngoài danh mục. Siết chặt quản lý hiện nay còn quá lỏng lẻo. Nhiều cửa hàng mua sản phẩm không rõ nguồn gốc, về tự in nhãn mác, tự đóng bao.
"Cục Chăn nuôi cần chỉ đạo các địa phương thường xuyên kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong thịt lợn, chứ không phải một năm một lần. Nếu không kiểm tra thường xuyên thì vấn đề này sẽ nóng trở lại", ông Tần nhấn mạnh.
Chỉ vì chất cấm tạo nạc mà người tiêu dùng quay lưng với thịt lợn. Ảnh: N.P. |
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Chăn nuôi cũng chia sẻ: “Chưa bao giờ người chăn nuôi lợn gặp khó khăn như vậy. Chỉ sau 2 tuần có thông tin về chất cấm trong thịt lợn, giá bán đã giảm hơn 10.000 đồng một kg. Đây là bài học xương máu cho người chăn nuôi”.
Theo ông để ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi về lâu dài cần rà soát lại văn bản pháp quy và chế tài xử lý. Hiện nay Bộ Nông nghiệp thì cấm hoàn toàn nhưng Bộ Y tế thì vẫn cho sử dụng cho người. Vì thế cần thống nhất về văn bản, tuyệt đối cấm sử dụng trên người.
“Bên cạnh đó, cần đưa vào chương trình trọng điểm các chất cấm này để kiểm tra định kỳ hàng năm. Lò mổ nào bị phát hiện nhập thịt lợn có sử dụng chất tạo nạc thì phải đóng cửa”, ông Sơn nói.
Ngoài ra các chất cấm này có xuất xứ từ Trung Quốc. Vì thế theo ông, biện pháp lâu dài cần chặn nguồn hàng từ gốc. Đồng thời ngành cũng sẽ vận động phong trào các hộ chăn nuôi ký cam kết nói không với sử dụng chất cấm. Tại Đồng Nai, đã có 300 hộ cam kết không dùng chất cấm tạo nạc lợn, ông Sơn cho biết.
Theo ông thì thực tế tỷ lệ phát hiện thịt lợn chứa chất cấm không quá cao. Như kết quả kiểm tra mới đây, trong số 115 mẫu thì chỉ có 1% là dương tính với chất cấm tạo nạc chứ không phải là 42% mẫu dương tính như các báo đưa (đây là kết quả kiểm tra định tính, theo ông Sơn là không chính xác).
Ngày 26/3, Bộ Y tế cũng chính thức có ý kiến về việc các hoạt chất Salbutamol, Clenbuterol là chất độc hại bị cấm sử dụng trong chăn nuôi nhưng lại được ngành y tế cho phép sử dụng.
Theo đó, Salbutamol là thuốc được sử dụng nhiều trong khoa hô hấp với các chỉ định dùng thăm dò chức năng hô hấp, ngăn cơn co thắt phế quản do gắng sức, điều trị cơn hen nặng, viêm phế quản mạn tính… Trong sản khoa, thuốc này được sử dụng với chỉ định trong chuyển dạ sớm, làm chậm thời gian sinh... Hoạt chất Clenbuterol cũng có tác dụng tương tự Salbutamol trong điều trị đường hô hấp.
Theo quy định của Bộ Y tế, Salbutamol và Clenbuterol là thuốc kê đơn, sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Tại danh mục thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế thế giới đưa ra năm ngoái, Salbutamol vẫn có mặt để điều trị hen và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Theo Bộ Y tế, việc cho phép lưu hành sử dụng thuốc Salbutamol, Clenbuterol trong y tế chỉ để phục vụ điều trị cho người bệnh. Việc sản xuất xuất nhập khẩu, kinh doanh, phân phối và sử dụng đã được quy định chặt chẽ tại các văn bản pháp luật về lĩnh vực dược.
Nam Phương