Sáng 5/4, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Hồ Anh Tuấn và Cục trưởng Nghệ thuật Biểu diễn Vương Duy Biên công bố quyết định về việc hợp nhất hai nhà hát Nhà hát kịch Việt Nam - Nhà hát Tuổi trẻ hình thành Nhà hát kịch Quốc gia Việt Nam. Cơ cấu bộ máy nhà hát vẫn giữ nguyên. Theo đó, NSND Lê Hùng giữ vị trí Giám đốc Nhà hát kịch Quốc gia, các phó giám đốc đương nhiệm của hai bên tiếp tục làm Phó giám đốc Nhà hát kịch Quốc gia. Ban giám đốc này có nhiệm vụ xây dựng cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ Nhà hát Kịch Quốc gia Việt Nam trong tương lai để trình Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch phê duyệt.
NDND Lê Hùng được trao nhiệm vụ lãnh đạo Nhà hát mới. |
Trong đề án xây dựng tương lai, Nhà hát Kịch Quốc gia Việt Nam sẽ có ba thành viên, ngoài Nhà hát Kịch, Nhà hát Tuổi trẻ còn có thêm Nhà hát Nhi đồng - tách từ đoàn ca nhạc, hình thể Nhà hát Tuổi trẻ để hướng tới tính chuyên biệt dành cho từng đối tượng khán giả. Nhà hát Kịch Quốc gia có trụ sở là một nhà hát hiện đại sẽ được xây dựng ở Mỹ Đình, Hà Nội với diện tích khoảng 7.000 m2, dự kiến chứa được 1.200 khán giả.
Quân số của Nhà hát Kịch Quốc gia Việt Nam sau khi sáp nhập vào gần 300 người, trong đó, nhân sự Nhà hát Tuổi trẻ là 180 người, Nhà hát Kịch Việt Nam là 100 người.
Theo ông Trương Nhuận, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, quá trình hợp nhất được manh nha từ ba năm trước, khi NSND Lê Hùng đang là Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ được giao kiêm nhiệm lãnh đạo Nhà hát Kịch Việt Nam thay cho NSƯT Nguyễn Anh Dũng.
NSND Lan Hương và các diễn viên đoàn kịch hình thể Nhà hát Tuổi trẻ trong vở kịch "Vườn thiên đàng". |
Nghệ sĩ Trương Nhuận đánh giá, các nhà hát được hợp nhất nhằm xây dựng một sân khấu tập hợp đội ngũ nghệ sĩ tinh túy, tránh sự xen lẫn, chồng chéo về giữa các nhà hát nhưng vẫn giữ được thương hiệu từng đơn vị. Bên cạnh đó, những mặt mạnh của từng đơn vị thành viên sẽ được khai thác triệt để, chất lượng tác phẩm, diễn viên được đẩy cao. Hiện Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Kịch Việt Nam mỗi đơn vị đều có hai đoàn, hoạt động độc lập. Khi các nghệ sĩ được tập trung lại sẽ có thể nhanh chóng huy động trong các vở kịch quy mô, cho phép xây dựng những tác phẩm đỉnh cao, mang tính đối thoại với thế giới.
Hiện kế hoạch dàn dựng, tập luyện của hai nhà hát vẫn giữ nguyên, chờ lộ trình sắp xếp, tổ chức hợp lý. "Các nghệ sĩ là những người nhạy cảm. Chúng tôi cần có tiếng nói đồng thuận từ phía các nghệ sĩ khi họ tham gia vào một bộ máy lớn, tránh sự manh mún, mâu thuẫn, cũng như loại bỏ những vở diễn không mang tầm quốc gia" - nghệ sĩ Trương Nhuận nhận xét.
Ba năm trước, khi nhận cương vị Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, trả lời VnExpress.net, NSND Lê Hùng từng chia sẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát Tuổi Trẻ là hai thương hiệu không thể để mất nên không có chuyện sáp nhập mà chỉ thành lập Trung tâm Kịch nghệ quốc gia theo ý của Bộ. Từ lúc đó, dự án này đã tính đến việc có cả Nhà hát Thiếu nhi.
Ngọc Trần