"Đôi lúc tôi thầm ước "Thân này ví xẻ làm đôi nhỉ", có phép thần thông của Tôn Ngộ Không hay cây đèn thần của Aladin để phân thân, làm được nhiều việc hơn nữa". Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
- Ông nhìn nhận thế nào về thực trạng của Nhà hát Kịch Việt Nam trước khi về tiếp quản?
- Những gì là quá khứ có lẽ chúng ta nên bỏ qua. Không nên xoáy mãi vào cái nát, cái mất đoàn kết ở đây. Chúng ta hãy công tâm nhìn nhận rằng, Nhà hát Kịch Việt Nam có một tập thể diễn viên tài năng, có truyền thống 57 năm lịch sử, dựng rất nhiều tác phẩm kinh điển. Tuy nhiên, số phận một nhà hát cũng như đời người, có lúc khoẻ, lúc ốm. Giai đoạn vừa rồi họ hơi ốm yếu chút ít. Tôi cho đó là chuyện bình thường.
- Ở cương vị một người được giao nhiệm vụ chữa bệnh cho Nhà hát Kịch Việt Nam, ông kê những đơn thuốc gì?
- Mình tôi không làm được và không nên nói trước sẽ làm thế này thế kia. Tôi về bên ấy tụ anh em lại, tập hợp sức mạnh của họ để phấn đấu giữ vững thương hiệu Nhà hát Kịch, cho ra những tác phẩm mới bởi một nhà hát mà không có tác phẩm thì không thể tồn tại. Tôi muốn khẳng định lần nữa, Nhà hát Kịch Việt Nam có những diễn viên rất tài năng và là những người rất tốt, chỉ có điều chưa quy vào thành một mối. Nhà hát Tuổi Trẻ sở dĩ mạnh vì tất cả đoàn kết, một lòng làm việc.
Hiện tôi làm lại quy chế chi tiêu, mời các nghệ sĩ nhân dân cũ của Nhà hát Kịch bắt đầu từ hôm nay, 7/7, đến để làm việc với diễn viên, nói với anh em về truyền thống của nhà hát. Tôi tận dụng những tài năng cũ như Đoàn Dũng, Trọng Khôi, Doãn Châu. Đó là những tên tuổi rất nổi tiếng. Họ sẽ làm việc với tôi, bàn bạc để xem làm thế nào giữ vững được phong cách của nhà hát. Tôi đang bắt tay dàn dựng một vở diễn đề tài lịch sử cho Nhà hát Kịch Việt Nam để tham gia hội diễn.
- Công việc của ông Nguyễn Anh Dũng, giám đốc cũ của Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ thế nào sau khi ông thay thế?
- Theo quyết định của Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), anh ấy sẽ về Cục làm việc.
- Ông nghĩ mình có những khó khăn, thuận lợi gì khi đảm nhận cương vị lãnh đạo của cả hai nhà hát lớn tại Hà Nội?
Đạo diễn, NSND Lê Hùng - Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, chính thức trở thành Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, thay vị trí của NSƯT Nguyễn Anh Dũng từ ngày 1/7. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, ông Nguyễn Anh Dũng buộc thôi giữ chức vụ vì trên vai trò giám đốc, ông Dũng chưa phát huy hiệu quả công tác quản lý và biểu diễn nghệ thuật, ngược lại, dẫn đến tình trạng mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến hoạt động nghệ thuật của nhà hát. |
- Tôi cho rằng đây cũng là chuyện bình thường. Làm giám đốc của một hay vài nhà hát, đó không phải là điều khó, khó là làm cho nhà hát ra được tác phẩm. Làm sao mình chỉ cho họ được hướng đi, chọn cho họ những tiết mục xứng tầm của họ. Tôi có lợi thế là học trò của tôi bên Nhà hát Kịch nhiều, ngoài ra, lứa diễn viên va chạm với tôi cũng đông. Tôi làm việc với họ được gần 20 vở từ năm 1991 đến giờ.
- Có ý kiến cho rằng, Bộ giao ông đảm nhận trách nhiệm làm giám đốc hai nhà hát là tiền đề cho việc sáp nhập. Thực hư chuyện này ra sao?
- Không có chuyện sáp nhập. Hai thương hiệu Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát Tuổi Trẻ là hai thương hiệu không bao giờ chúng tôi để mất. Với tư cách là giám đốc, tôi xin khẳng định như vậy. Hai thương hiệu ấy chúng tôi đã phải mất bao nhiêu công xây dựng. Có chăng sẽ thành lập Trung tâm Kịch nghệ quốc gia theo ý của Bộ. Trung tâm Kịch nghệ Quốc gia không chỉ có hai nhà hát này mà còn thêm Nhà hát Thiếu nhi, Nhà hát Thể nghiệm và Hình thể cùng một trung tâm đào tạo diễn viên nho nhỏ. Vì thế, dùng từ sáp nhập như một số báo đã nói là sai. Chúng tôi chỉ quy vào một mối, để Bộ rót đầu tư vào, nhận các hợp đồng của các Bộ khác. Tôi hy vọng, trung tâm này sẽ đảm nhận dự án dựng 100 tác phẩm kinh điển.
"Dưới tay tôi có nhiều ngôi sao nhưng họ là sao với khán giả, còn với tôi họ vẫn là học trò, cần chỉ bảo từng ly từng tý". Ảnh: Ngọc Trần. |
- Nằm dưới sự lãnh đạo của cùng một giám đốc, ông nghĩ thế nào về việc hai nhà hát có thể bị trùng nhau về phong cách?
- Phong cách không phải do một người làm được. Tôi sang Nhà hát Kịch nhưng không thay phong cách của họ. Tôi khôn ngoan tận dụng và phát triển nó. Nhà hát Kịch khác, Nhà hát Tuổi Trẻ khác, không thể trộn lẫn chúng với nhau. Tôi cũng chưa nghĩ đến việc sẽ trộn lẫn diễn viên hai nhà hát. Nay mai khi Bộ có quyết định thành lập Trung tâm mình mới tính tới việc đó.
- Ông cảm thấy thế nào khi là người đầu tiên đảm nhận cương vị giám đốc hai nhà hát, điều chưa từng có tiền lệ?
- Việc ấy cũng đơn giản thôi. Thực ra nghe tên thì tưởng là to, còn tôi có làm gì đâu, tôi chỉ tận dụng anh em để làm việc. Diễn viên không làm, tôi cũng chẳng làm được gì. Ông Cục trưởng lãnh đạo 12 nhà hát, chưa kể những nhà hát địa phương. Đây tôi chỉ phụ trách có hai. Nếu có thêm mấy nhà hát nữa, tôi cũng đảm đương được. Một ngày tôi dựng bốn vở, sáng một nhà hát, chiều một nhà hát, giữa trưa làm ngoài giờ. Tác phẩm Người ngựa ngựa người của Xuân Hinh và Thanh Thanh Hiền là tôi làm ngoài giờ đấy. Cái đầu của tôi hoàn toàn làm được như thế nên chuyện tụ tập anh em ở hai nhà hát là không khó. Cái khó là họ có chấp nhận mình không, có nghe theo mình không. Cái đó lại cần đến nghệ thuật của người chỉ huy.
Tôi cũng nói luôn, hiện tôi làm giám đốc hai nhà hát nhưng ăn một lương chứ không sung sướng gì. Tôi làm vì cái tâm. Anh em cũng biết Lê Hùng sang Nhà hát Kịch là khổ. Tôi đang ở bên Nhà hát Tuổi Trẻ rất sung sướng, chỉ chỉ đạo về mặt chiến lược, giờ sang đấy phải giải quyết bao nhiêu sự vụ, bắt đầu làm lại từ đầu.
- Bận rộn công việc lại chỉ nhận được một lương, ông chăm lo thế nào cho gia đình mình?
- Tôi có cách kiếm tiền kiểu khác. Còn việc ít thời gian, gia đình tôi cũng quen rồi. Khi chưa làm giám đốc tôi cũng thế, nay đoàn này mai đoàn khác. Một năm làm 20 tác phẩm, đi đây đi đó liên tục. Con cái tổng số ngày gặp bố một năm được tầm ba tháng. Phải chấp nhận hy sinh thôi, không có cái gì toàn vẹn hết, được cái này mất cái kia. Tôi chưa bao giờ thấy mỏi mệt khi cống hiến cho nghề. Lúc nào tôi cũng yêu nghề lắm. Chính vì yêu nghề mà tôi mới sang Nhà hát Kịch vì Bộ không lệnh cho tôi, họ hỏi ý kiến của tôi. Có câu Thứ trưởng nói với tôi, tôi nghĩ mãi rồi sang làm: “Các bậc tiền nhân đã dồn bao nhiêu sức để xây Nhà hát Kịch. Để cho nó bùng nhùng thế này là có tội với tiền nhân”. Không phải Lê Hùng sang Nhà hát Kịch theo chỉ đạo của Bộ mà là vì Lê Hùng thấy mình có trách nhiệm với các bậc tiền nhân.
Ngọc Trần thực hiện