Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Taro Aso đã gặp tổng thống và quan chức cấp cao của Myanmar ngày hôm nay để kí bản kế hoạch quốc gia, từ đó, thâm nhập thị trường 64 triệu dân đang bị Trung Quốc thống trị.
Myanmar là điểm đến nước ngoài đầu tiên của ông Aso sau khi nội các của tân Thủ tướng Shinzo Abe nhậm chức tháng trước. Nhật Bản cho rằng Myanmar là nước có tiềm năng thương mại rất lớn và muốn giúp Tổng thống Thein Sein thu hút các ngành công nghiệp cần nhiều lao động để tạo ra việc làm.Tuy nhiên, nỗ lực của họ có thể khiến căng thẳng với Trung Quốc gia tăng, nhất là khi vấn đề đảo tranh chấp vẫn đang cản trở quan hệ hai nước.
Khu kinh tế Thilawa ở Nam Yangon (Myanmar). Ảnh: Financial Times |
Takuji Okubo, nhà kinh tế trưởng tại Nhóm cố vấn vĩ mô Nhật Bản cho biết: "Trung Quốc coi Myanmar như lãnh thổ của mình. Vì vậy, họ rất nhạy cảm trong việc can thiệp của Mỹ và Nhật Bản. Myanmar có thể sẽ là nguồn xích mích mới giữa hai nước".
Ông Aso sẽ đến thăm khu kinh tế Thilawa ở phía Nam Yangon, cố đô của Myanmar. Đây là nơi các tập đoàn lớn của Nhật như Marubeni hay Sumitomo đang nhắm tới. Nhật Bản dự định chi 12,6 tỷ USD trong nhiều năm để hỗ trợ việc xây dựng cơ sở hạ tầng quanh Thilawa. Kế hoạch của nước này là hoàn thành khu công nghiệp đầu tiên rộng 450 hecta trong năm 2015 để thu hút các công ty Nhật Bản và thế giới.
Cuối năm 2012, một trong những nhà băng hàng đầu Myanmar - Cooperative Bank (CB) cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng Bank of Tokyo Mitsubishi UFJ (BTMU) của Nhật Bản. Theo đó, BTMU sẽ tư vấn cho các công ty nước ngoài muốn đầu tư vào Myanmar, đồng thời hỗ trợ CB chuyên môn về thương mại, tài chính và tỷ giá.
Nỗ lực cải tổ của Tổng thống Thein Sein từ năm 2011 đã khiến Myanmar trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều trong mắt các quốc gia phương Tây. Năm 2012, rất nhiều nước đã gỡ bỏ lệnh cấm vận và xóa nợ cho quốc gia này, trong đó có Nhật Bản. Theo dự đoán của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Myanmar có thể tăng 40% lên 3,99 tỷ USD năm ngoái. Ngân hàng thế giới (WB) cũng cho biết Myanmar là nước giàu khí đốt, đá quý và dầu mỏ.
Một báo cáo hồi tháng 8 của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự đoán GDP nước này có thể tăng 6,3% năm nay, cao hơn dự đoán 6% năm 2012. Myanmar có tiềm năng tăng trưởng nhanh nhờ giàu tài nguyên, lực lượng lao động dồi dào và vị trí địa lý chiến lược - giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Thùy Linh (theo Bloomberg)