Việc Tổng thống Mỹ Barrack Obama đến thăm châu Á nhằm mục đích mở rộng thương mại với các nước tầm trung. Mục tiêu sâu xa của động thái trên chính là buộc Trung Quốc tăng tốc mở cửa nền kinh tế và kìm hãm tầm ảnh hưởng của họ tại khu vực này.
Ông Obama vừa đắc cử nhiệm kỳ hai, trong khi đó, Trung Quốc cũng công bố ban lãnh đạo mới sau Đại hội Đảng thứ 18. Mối quan hệ phức tạp nửa đồng minh, nửa cạnh tranh giữa hai quốc gia, cùng với việc cả hai đều có tầm quan trọng với thế giới, đã biến thương mại thành trọng tâm chiến lược xây dựng khối kinh tế bao vây Trung Quốc bằng các đồng minh của Mỹ.
Tổng thống Obama và lãnh đạo phe đối lập tại Myanmar - bà Aung San Suu Kyi. Ảnh: Guardian |
Nỗ lực đó đang tiến triển rất nhanh trong chuyến thăm châu Á của ông Obama lần này khi Thái Lan cũng bày tỏ hy vọng gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). TPP hiện có 9 thành viên là Australia, Brunei, Chile, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam và Mỹ.
Quan chức từ Việt Nam, Malaysia, Singapore và các nước TPP khác họp bàn với ông Obama vào hôm nay (20/11) để bàn thảo các vấn đề thương mại trên diện rộng. Phiên họp này được tổ chức ngay trước cuộc nói chuyện trực tiếp cuối cùng của ông Obama với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo.
Mỹ dự định hoàn tất các buổi hội đàm của TPP trong năm tới. Nếu thành công, họ sẽ tạo ra một khối kinh tế có tiềm năng lớn, chịu ảnh hưởng của Mỹ và gồm nhiều nước xung quanh Trung Quốc. Mireya Solis, giáo sư tại Đại học America cho biết: "Mỹ không cô lập Trung Quốc, mà chỉ xác định những việc cần làm trong TPP năm tới mà thôi".
Nếu tính riêng lẻ, thương mại song phương với Mỹ của các nước trong hiệp định này rất khiêm tốn. Kim ngạch giữa Mỹ và Thái Lan chỉ đạt 34 tỷ USD năm 2011, chưa bằng một phần mười con số gần 500 tỷ USD giữa Trung Quốc và Mỹ mỗi năm.
Ông Obama đã đến thăm Myanmar ngày hôm qua (19/11), và trở thành tổng thống đầu tiên của Mỹ đến quốc gia này trong vòng 50 năm qua, sau khi Myanmar thực hiện hàng loạt cải cách kinh tế và chính trị lớn. Giới phân tích cho biết, chuyến thăm của ông Obama có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vì nó diễn ra vào đúng thời điểm việc Myanmar mở cửa nền kinh tế sẽ đe dọa đến tầm ảnh hưởng hàng thập kỷ qua của Trung Quốc tại đây.
William Case, giáo sư tại Đại học thành phố Hong Kong (Trung Quốc) cho biết mong muốn tách khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc là mấu chốt của hàng loạt cải cách kinh tế gần đây ở Myanmar. Ông giải thích: "Trên thực tế, thông qua đầu tư vào Myanmar, Trung Quốc đã phóng đại quá mức tầm ảnh hưởng của mình tại đây. Việc này đã trở thành mối lo ngại chính của lãnh đạo Myanmar và thôi thúc nước này mở cửa với các nước khác trên thế giới".
Theo số liệu của Bộ Thương mại Myanmar, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của nước này, theo sau là Thái Lan. Thương mại song phương giữa Trung Quốc và Myanmar là 3,6 tỷ USD năm tài chính 2011 - 2012. Trung Quốc cũng đầu tư 13,6 tỷ USD vào Myanmar tài khóa 2010 - 2011, chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng.
Ông Sean Turnell, giảng viên khoa Kinh tế - Đại học Macquarie (Australia) cho biết: "Mỹ tới Myanmar một phần là do nhận ra những thay đổi tích cực từ nước này, nhưng cũng là để cân bằng quyền lực với Trung Quốc tại châu Á. Trung Quốc dĩ nhiên sẽ cố coi nhẹ chuyện đó. Nhưng chắc chắn đây sẽ là vấn đề đau đầu với ban lãnh đạo mới của họ".
Hà Thu (theo CNBC/ WP)