Khi theo dõi Olympic London năm nay, chắc hẳn nhiều người Hy Lạp có thể tự hỏi, làm thế nào mà đất nước của họ, từ một quốc gia đầy danh dự tại Athen 2004 lại trở thành đối tượng của cuộc khủng hoảng hiện nay. Với số tiền tổ chức tiêu tốn khoảng 9 tỷ euro (tương đương khoảng 11 tỷ đôla hiện tại), Olympic 2004 đã trở thành Thế vận hội “đắt nhất” tại thời điểm đó.
Trong ngày diễn ra lễ bế mạc, Hy Lạp đã cảnh báo khu vực đồng euro về vấn đề nợ công và những con số thâm hụt có thể xấu hơn dự tính. Thâm hụt ngân sách năm 2004 ở mức 6,1% của GDP, cao hơn 2 lần so với giới hạn của Eurozone. Nợ công lên đến 110,6% GDP (hiện tại là 165,3% GDP), cao nhất trong Liên minh châu Âu. Năm 2005, Hy Lạp trở thành quốc gia đầu tiên bị đặt dưới sự giám sát của Uỷ ban Tài chính châu Âu.
Nhiều câu hỏi đã được đặt ra. Vấn đề ở đây không chỉ là Chính phủ Hy Lạp đã chi bao nhiêu cho Olympic, mà còn về cách thức sử dụng và nguồn gốc của số tiền đó. Sau những nỗ lực để có đủ tiêu chuẩn gia nhập khu vực đồng euro vào năm 2001, có vẻ Chinh phủ Hy Lạp đã nới lỏng kiểm soát và chi tiêu “quá đà” cho nhiều lĩnh vực, trong đó Olympic.
Bên trong một sân vận động tại Athen. Ảnh Guardian. |
Các công trình phục vụ cho Olympic đều bị bỏ ngỏ. Phía nam Athen, một cung đường dài 2km nối liền 3 sân vận động được sử dụng trong Olympic đang dần trở nên vô giá trị. OAKA, khu thể thao phức hợp đang trong tình trạng khá tồi tệ, nhưng khu phức hợp tại Hellenikon còn tệ hơn. Một số thiết bị điều hoà, mái che đã bị gió thổi xuống mặt đất. Chính phủ đang tiến hành làm mới lại và cố gắng chào bán khu vực này khi nó không đạt được mục tiêu lợi nhuận như mong muốn.
Hy Lạp từng chạy đua với thời gian để kịp hoàn thành đúng thời hạn những cơ sở vật chất hiện đại với số tiền lên đến hàng tỷ euro, giờ đây lại diễn ra một cuộc chạy đua khác: Phục hồi hoạt động những cơ sở bị bỏ hoang. “Sau Olympic chúng ta nhận được gì? Không gì cả. Sẽ tốt hơn nếu như nó chưa từng được tổ chức ở đây.” Kyriakos Chondrokoukis, một giáo viên giáo dục thể chất cho biết quan điểm của mình.
Việc chi tiêu quá nhiều và không hợp lý vào Olympic 2004 đã cho thấy khả năng quản lý ngân sách còn yếu của Chính phủ Hy Lạp. Sa lầy trong suy thoái kinh tế, không được các quốc gia châu Âu khác tin tưởng, tương lai Hy Lạp có thể trụ lại trong khu vực đồng euro đang ở trạng thái “nghìn cân treo sợi tóc”.
Nguyễn Tâm (Guardian/Business Week)