Tờ Daily Yomiuri viết về việc Chính phủ Nhật Bản cùng doanh nghiệp trong nước bàn cách đẩy mạnh xuất khẩu các công nghệ và sản phẩm chủ lực như tàu cao tốc Shinkansen hay nhà máy điện hạt nhân, trước áp lực cạnh tranh gay gắt của các đối thủ Pháp và Hàn Quốc.
Chuyến thăm của quan chức chính phủ hay bộ trưởng Nhật Bản tới các nước, đều được hộ tống bởi đoàn doanh nghiệp hùng hậu, gồm cả tư nhân và nhà nước. Lãnh đạo cao cấp tập đoàn đường sắt hàng đầu Nhật Bản JP Tokai không ít lần được tham gia những chuyến tiếp thị quan trọng như thế.
Dự báo tổng mức đầu tư vào hạ tầng cơ sở trên toàn thế giới giai đoạn 2005-2030. Đồ họa: Daily Yomiuri |
Theo số liệu của Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, từ nay đến 2030, thế giới sẽ đầu tư khoảng 41.000 tỷ USD (tương đương 3.850 triệu triệu yen) cho hệ thống đường sắt và các hạ tầng cơ sở khác. Số vốn đầu tư khổng lồ này được giải ngân từ các gói kích thích kinh tế, cùng lúc với nhu cầu ngày càng tăng về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân cũng như đường sắt cao tốc.
Bộ trưởng Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Seiji Maehara vừa có chuyến công du tới Mỹ với kỳ vọng sẽ xuất khẩu công nghệ tàu cao tốc Shinkansen và tàu đệm từ trường sang thị trường tiềm năng này.
Tại cuộc họp báo tổ chức cuối tháng tư, ông Maehara nhấn mạnh: "Một khi Chính phủ và doanh nghiệp hiệp lực cùng giải quyết vấn đề, những công nghệ siêu việt của chúng ta sẽ không bị bỏ phí".
Mỹ đang lên kế hoạch xây dựng 11 tuyến tàu tốc hành với tổng chiều dài 13.700 km và kinh phí dự trù 13 tỷ USD. Với tín hiệu này từ phía Washington, Nhật Bản hồi tháng tư vừa qua đã nhanh chóng điều chỉnh quy định cho phép Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) cấp vốn cho các nước công nghiệp triển khai dự án đường sắt cao tốc.
Chính phủ Nhật Bản cũng tổ chức mời Bộ trưởng Giao thông Mỹ Ray LaHood tới đi thử tàu cao tốc Shinkansen và tàu đệm từ trường.
Ấy vậy mà các doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng những nỗ lực trên đây chưa đủ liều lượng. Phát biểu với báo chí sau chuyến tháp tùng Bộ trưởng Maehara tới Mỹ, Chủ tịch JR Tokai - ông Yoshi-yuki Kasai nói: "Nỗ lực của Nhật vẫn còn thua xa các nước khác".
Một quan chức khác của JR Tokai lo ngại các doanh nghiệp Nhật Bản khó có thể giành hợp đồng làm tàu tốc hành ở Mỹ. Chỉ riêng tuyến cao tốc ở bang Florida, hiện có tới 22 doanh nghiệp quốc tế bỏ thầu.
"Thế mà tôi tưởng nhiều lắm cũng chỉ 5 hay 6 nhà thầu tham gia. Nhưng thực tế từ chuyến đi mới cảm nhận cạnh tranh trong lĩnh vực tàu cao tốc gay gắt thế nào", Bộ trưởng Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Seiji Maehara nói.
Pháp và Đức đang có nhiều lợi thế về phát triển hạ tầng với sự tham gia của cả tư nhân và nhà nước. Trung Quốc cũng tìm hướng xuất khẩu công nghệ tàu cao tốc, với lợi thế giá rẻ hơn nhiều so với các đối thủ.
Bộ trưởng Chiến lược Quốc gia Sengoku (bên phải) cùng Bộ trưởng Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Seiji Maehara trong buổi gặp các quan chức Việt Nam đầu tháng 5, nhằm giới thiệu về công nghệ điện hạt nhân và một số dự án khác. Ảnh: Kyodo |
Sau chuyến tham dự hội chợ Shanghai World Expo, Bộ trưởng Chiến lược Quốc gia Nhật Bản Yoshito Sengoku đã tới Việt Nam đầu tháng này nhằm quảng bá cho công nghệ điện hạt nhân cũng như tàu cao tốc của nước mình.
Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ xây 4 tổ máy điện hạt nhân. Người Nga có thể giành hợp đồng xây dựng 2 tổ máy trong số này. 2 tổ còn lại, cả Nhật Bản, Pháp và Hàn Quốc đang cạnh tranh để thắng thầu.
Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama đã gửi thư riêng tới người đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, song hiện vẫn chưa rõ Nhật Bản có thể thành công trong việc giành hợp đồng nói trên.
Song Linh dịch