Đức
Đức bắt đầu phát triển chương trình đường ray cao tốc ngay khi Pháp hoàn thành một hệ thống như thế vào những năm 1980. Nhưng mặc dù các tàu hỏa tốc hành xuyên thành phố (ICE) rất phổ biến ở Đức, rất ít trong số chúng vận hành ở tốc độ tối đa. Đức là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, song nước này chỉ có hai tuyến đường sắt hoạt động với tốc độ trên dưới 290 km một giờ. Đó là tuyến Frankfurt - Cologne và Munich - Nuremburg. Đa phần các tuyến còn lại chỉ cho tàu chạy với tốc độ 192 km một giờ. Hậu quả là các chuyến tàu bị chậm lại đáng kể. Để di chuyển từ Munich đến Berlin hành khách phải mất 6 giờ, trong khi với khoảng cách tương tự người ta chỉ mất ba giờ để đi từ Paris đến Marseille.
Các đoàn tàu ICE từng mắc một sai lầm kỹ thuật rất lớn vào cuối thập niên 90, đỉnh điểm là thảm họa Eschede năm 1998, khi một đoàn tàu lao vào cây cầu khi đang chạy với tốc độ tối đa. Vụ tai nạn khiến hơn 100 người thiệt mạng. Người lái tàu đã không bảo dưỡng bánh xe thường xuyên, dẫn đến việc chúng càng ngày càng mòn và nứt. Vết nứt đó ngày càng to lên, làm đai quanh bánh xe bật ra và cả đoàn tàu trật khỏi đường ray. Tuy nhiên, từ đó về sau không còn xảy ra bất kì một tai nạn nào lớn như thế nữa. Pháp, Nhật Bản, Tây Ban Nha và Italy chưa từng để xảy ra vụ tai nạn nào và trường hợp ở Đức cũng chỉ là hy hữu.
Italy
Italy là quốc gia đầu tiên ở châu Âu có đường ray cao tốc. Đó là tuyến Rome-Florence hoạt động từ năm 1978. Tuy nhiên, đến nay, hệ thống này vẫn chưa được nhân rộng một cách nhanh chóng. Tuyến Venice - Genoa thì bị bỏ bê, trong khi tuyến Rome - Milan hoạt động rất hạn chế vì một số vướng mắc trong tuyến Florence - Bologna.
Nhưng năm 2008, một đường ray mới nối liền Milan và Bologna đã rút ngắn thời gian di chuyển giữa các thành phố xuống còn một nửa, tức khoảng 65 phút. Người ta cũng đang cho xây dựng các tuyến phía bắc Naples và Florence, các đường ray nối liền miền bắc với Áo qua đường hầm khổng lồ Brenner Base hay tuyến đường nối liền phía tây với Pháp qua tuyến Lion - Turin.
Tương lai ngành vận tải Italy có lẽ sẽ thuộc về các tuyến đường cao tốc tư nhân, và họ sẽ là quốc gia đầu tiên ở châu Âu có dịch vụ này Kể từ năm 2011, hãng Nuovo Trasporto Viaggiatori sẽ sử dụng đoàn tàu mang nhãn hiệu Alstom AVG để cạnh tranh trực tiếp với các đoàn tàu của chính phủ.
Hệ thống đường sắt cao tốc Nhật Bản đang giữ kỷ lục về tốc độ, 581 km một giờ. Ảnh: ecomodder.com
Nhật Bản
Năm 1964, Nhật Bản đưa vào hoạt động hệ thống tàu hỏa Shinkansen nối liền Tokyo và Osaka. Nó là hệ thống tàu hỏa cao tốc đầu tiên trên thế giới. Ngày nay, mạng lưới đường ray cao tốc ở đây đã được mở rộng với tổng chiều dài lên đến 2.400 km, từ bắc Tokyo đến Hachinohe và từ nam Tokyo đến Hakata. Chính quyền đang cho xây dựng thêm nhiều tuyến mới để mở rộng ra phía tây đến Kanazawa, phía nam đến Nagasaki và phía bắc đến Sapporo.
Tuyến quan trọng nhất ở đây, tuyến Tokyo-Osaka, thường xuyên quá tải và các đoàn tàu phải hoạt động tới 200% công suất. Trong giờ cao điểm chúng đã phải chạy với tần suất 5 phút một chuyến. Do vậy, Nhật Bản đang thiết kế một đường ray đệm từ để chạy song song với đường ray cũ. Tuy nhiên, phải đến năm 2025 hệ thống này mới hoạt động được.
Hệ thống đường sắt của Nhật Bản đã được tư nhân hóa và giao cho 6 hãng khác nhau quản lý, vận hành từ năm 1987. Mỗi một đơn vị quản lý một phần riêng biệt của mạng lưới. Tuy nhiên chính việc này lại làm cho sự di chuyển giữa các vùng trở nên khó khăn hơn vì thỉnh thoảng hành khách phải đổi tàu thay vì được đi một mạch đến nơi.
Đài Loan
Đảo Đài Loan đã có tuyến đường sắt đầu tiên chạy dọc theo bờ biển phía tây vào năm 2007, nhưng dịch vụ này đã thành công đến mức đánh bại cả xe buýt lẫn máy bay. Đó là bởi vì Tập đoàn đường sắt cao tốc Đài Loan đã cho tàu chạy với tốc độ 290 km một giờ để rút ngắn thời gian di chuyển bằng tàu hỏa từ Đài Bắc đến Cao Hùng từ 4,5 giờ xuống chỉ còn 90 phút.
Dự án ban đầu đã gặp phải rất nhiều vấn đề, từ cuộc tranh cãi nội bộ xem nên dùng công nghệ của châu Âu hay Nhật Bản để làm đường ray (cuối cùng công nghệ Nhật Bản được chọn). Việc xây dựng cũng bị ảnh hưởng bởi một sự cố trong hệ thống điện. Nhưng đến khi vận hành thì nó lại chưa gặp phải một trục trặc nào cả.
Khoản đầu tư 15 tỷ USD dành cho dự án là con số rất lớn, nhưng 80% số tiền này do các nhà đầu tư cá nhân bỏ ra. Các công ty tư nhân điều hành hệ thống cũng bắt đầu có lợi nhuận và đang dần hoàn trả lại vốn đầu tư ban đầu. Ngoài việc đem lại lợi ích cho hành khách, hệ thống đường ray cao tốc cũng có ý nghĩa nhất định đối với sự phát triển kinh tế của Đài Loan.
Pháp
Hệ thống Train à Grande Vitesse (TGV) của Pháp có lẽ là thương hiệu nổi tiếng nhất trong số các hệ thống đường ray cao tốc vì nó an toàn, nhanh và tiện lợi. Đi vào hoạt động từ năm 1981, đến nay, mạng lưới này đã mở rộng thêm nhiều tuyến tới Paris để đảm bảo rằng mọi người dân đều có thể dễ dàng di chuyển đến thủ đô. Điều đó giải thích tại sao dịch vụ này lại có thể thu hút 100 triệu hành khách một năm. Tuyến cao tốc quốc tế đến Anh, Đức, Bỉ đang hoạt động, và các tuyến đến Italy và Tây Ban Nha cũng đang được xây dựng. Mạng lưới của Pháp đã hình thành nên xương sống cho hệ thống đường cao tốc của cả châu Âu, và vị thế này sẽ càng được củng cố thêm trong những năm tới khi nhiều đường ray mới được hoàn thành.
Pháp đang xúc tiến đầu tư vào các tuyến đường mới với hy vọng sẽ đẩy mạnh dịch vụ này ở các tỉnh khác chứ không chỉ riêng Paris. Lyon sẽ có một tuyến đến Strabourg ở biên giới của Đức, và Toulouse, nơi đang thiếu các tuyến đường cao tốc, sẽ được nối thẳng đến Bordeaux. Trong khi đó, các tàu TGV có thể sẽ tăng tốc độ, dựa trên các cuộc thử nghiệm năm 2007 với tốc độ 555 km một giờ.
TVG cũng có dịch vụ tốc hành làm cho chuyến đi từ Paris đến Marseille chỉ mất khoảng ba giờ. Nhưng điều làm cho hệ thống ở Pháp trở nên đặc biệt là sự tiện lợi của nó. Kể từ khi đường ray đầu tiên được vận hành, chính phủ Pháp đề ra khẩu hiệu cho TGV là “TGV pour tous” (đường cao tốc cho mọi người). Do vậy, tàu của họ không sang trọng mà rất thoải mái và hợp túi tiền. Điều đó đặc biệt đúng vì Pháp có chính sách giảm giá cho người nghèo, giới trẻ, người già, người ốm và các đại gia đình.
Nhưng dù vậy, công ty đường sắt quốc gia cũng đạt được lợi nhuận hơn 1 tỷ euro năm 2007 và nửa tỉ euro năm 2008, khi cả nước chịu ảnh hưởng của cuộc suy thoái toàn cầu.
Trung Quốc
Hệ thống đường ray cao tốc của Trung Quốc mới vận hành năm 2008. Đến năm 2020, chính phủ Trung Quốc còn dự định sẽ xây dựng được một mạng lưới đường dài 12.800 km. Tập trung vào vùng bờ biển đông dân cư phía đông, các đoàn tàu sẽ chạy với vận tốc 290 km một giờ hoặc hơn với tuyến Bắc Kinh - Thượng Hải - Hồng Kông và tuyến Từ Châu - Lan Châu - Hàng Châu - Trường Sa. Các tuyến ở các thành phố lớn khác cũng được nâng cấp lên 190 km/giờ.
Tuyến đường ray dài 1.280 km từ Bắc Kinh đến Thượng Hải sẽ mở cửa vào năm 2011 và giảm thời gian di chuyển giữa hai thành phố từ 14 giờ xuống còn 5 giờ, dự kiến sẽ thu hút khoảng 220 nghìn lượt khách mỗi ngày và sẽ giảm đáng kể số lượng chuyến bay đến hai thành phố.
Hệ thống tàu đệm từ Thượng Hải bắt đầu vận hành năm 2004 để nối các trung tâm thành phố với sân bay cách đó 30 km. Tốc độ thông thường của nó là 431 km một giờ và là hệ thống đường ray chở khách nhanh nhất thế giới. Hệ thống này cũng đang dược mở rộng đến Hàng Châu.
Mặc dù Trung Quốc đã ký một vài hợp đồng lớn với Siemens của Đức để đặt làm hàng trăm tàu cao tốc, nhưng sự mở rộng của hệ thống này cũng làm rất nhiều nhà sản xuất trong nước muốn vào cuộc.
Tây Ban Nha
Năm 1992, hệ thống đường ray cao tốc ở Tây Ban Nha hoàn thành nối liền Madrid và Seville. Trong nhiều năm qua, nước này đầu tư rất mạnh vào hệ thống đường ray AVE, xây dựng các tuyến đường đông nam từ Madrid tới Malaga, tây bắc tới Valladolid và tây tới Barcelona. Sự mở rộng này đã làm cho Tây Ban Nha trở thành một trong những nước có mạng lưới đường sắt lớn nhất thế giới. Nhưng chính những kế hoạch sắp tới của nước này mới là điều làm hệ thống của họ trở thành tốt nhất thế giới.
Vào năm 2020, nước này sẽ có 10.000 km đường cao tốc trong một vùng đất thậm chí còn nhỏ hơn cả bang Texas của Mỹ. Kế hoạch hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng chiến lược của Tây Ban Nha tiến xa thêm một bước khi họ khuyến khích việc chở hàng trên hệ thống đường ray này.
Các chương trình của Tây Ban Nha cũng tập trung vào việc tăng cường các tuyến đường quốc tế với các nước láng giềng như Pháp và Bồ Đào Nha. Những tuyến đường này, bao gồm cả hệ thống hầm ngầm xuyên biên giới ở phía bắc Barcelona đang trong quá trình xây dựng, sẽ cho phép người dân Tây Ban Nha dễ dàng đi đến mọi quốc gia châu Âu khác. Thú vị hơn nữa là một kế hoạch xây hầm ngầm dưới biển Địa Trung Hải đến Morocco. Dự án chưa tìm được nguồn kinh phí nhưng có thể sẽ cải thiện đáng kể việc đi lại giữa châu Âu và châu Phi.
Hà Thu (theo Infrastructurist)