“Đến năm 2030, Nga có thể sẽ không trả được nợ như Hy Lạp nếu không có gì biến chuyển. Hiện tại, chúng ta chống đỡ được chủ yếu nhờ vào giá dầu, chứ không phải nhờ một chính sách kinh tế vĩ mô khôn ngoan”, Sergei Ulatov, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Matxcơva, nói.
Tuần này, Bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin đã lên tiếng thúc giục Chính phủ hạn chế mức tăng chi tiêu hàng năm ở mức 4% nhằm bình ổn tình hình tài chính công và tránh tư duy “gia trưởng” trong điều hành nền kinh tế. Trong năm nay, thâm hụt ngân sách của Nga có thể được thu hẹp xuống chưa đến 0,5% GDP nếu giá dầu vào khoảng 115 USD một thùng.
Đến năm 2030, Nga có thể rơi vào nợ công giống như Hy Lạp. |
Theo ông Ulatov, đến năm 2015, Nga sẽ không thể bù đắp được sự hao hụt trong quỹ lương hưu ngay cả khi giá dầu giữ được ở mức 115 USD.
Trong một tuyên bố mới được đưa ra, WB đã nhắc lại quan điểm của mình về Nga. Tổ chức này cho rằng quốc gia xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới có thể sẽ có thặng dư tiền tệ và tài khoản vãng lai trong năm nay và năm 2012 do giá dầu tăng cao. Nga không phải đối mặt với vấn đề ổn định tài chính truyền thống nào nhờ nợ chính phủ thấp và nguồn dự trữ ngoại tệ 520 tỷ USD. Tuy nhiên, thâm hụt ngân sách không tính đến dầu, vốn tác động nhiều hơn đến sự ổn định tài chính dài hạn.
Ông Ulatov cho biết, các dự án cơ sở hạ tầng lớn bao gồm những dự án cho Olympic Mùa đông 2014 tại Sochi và World Cup 2018 cũng tạo thêm gánh nặng cho ngân sách quốc gia, và nước này sẽ phải đi vay mượn để trang trải.
An Lâm ( Theo Bloomberg)