Họ lo ngại rằng trong trường hợp tồi tệ nhất, khủng hoảng nợ tại Hy Lạp sẽ gây ra thiệt hại lớn cho các ngân hàng châu Âu và từ đó sẽ lan ra toàn cầu, tái diễn kịch bản của cuộc khủng hoảng tài chính hồi tháng 9/2008.
Tại các cuộc họp diễn ra trong nhiều tuần liền để bàn bạc về vấn đề này của các nhà lãnh đạo châu Âu, Ủy ban châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết họ rất tin tưởng về thỏa thuận dành 12 tỷ euro (17 tỷ USD) hỗ trợ nhằm ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp.
Những phát biểu đó nhằm mục đích xoa dịu hoang mang trên thị trường tài chính. Cho đến nay, nỗi lo sợ này đã không còn làm mưa gió ở Mỹ. Ít nhất là hiện tại, các nhà đầu tư dường như tin rằng giờ họ đã có nhiều bia đỡ khi phải gánh chịu sự vỡ nợ của Hy Lạp hay các quốc gia nợ cao khác. Lãi suất trái phiếu thời hạn 10 năm của Mỹ vẫn ở mức dưới 3%.
Nhưng lãi suất trái phiếu của Tây Ban Nha đã tăng lên mức cao nhất trong 11 năm là 5,74%, đúng như các nhà đầu tư đã lo lắng rằng nước này sẽ là nạn nhân tiếp theo của cuộc khủng hoảng nợ công sau Hy Lạp.
“Các tổ chức tài chính Mỹ đang rất dồi dào tiền mặt, điều này có nghĩa là cuộc khủng hoảng thanh khoản sẽ phải rất lớn mới có thể ảnh hưởng đến họ", ông Guy LeBas, giám đốc chiến lược của Janney Montgomery Scott cho biết.
Sau khi chỉ số Dow Jones giảm 179 điểm vào hôm thứ 4 tuần trước, thị trường chứng khoán Mỹ đã ổn định, với các chỉ số đóng cửa ở mức cao hơn. Nhưng giá bảo hiểm cho các khoản nợ của chính phủ Hy Lạp mà các nhà đầu tư phải trả, để đảm bảo có thể thu lại tiền khi xảy ra vỡ nợ, ở mức rất cao.
Hiện nay, một nhà đầu tư phải trả khoảng 2 triệu USD hàng năm bảo hiểm cho món nợ 10 triệu USD trong 5 năm của Hy Lạp, một mức cao chót vót so với 50.000 USD bảo hiểm cho một khoản nợ tương đương của chính phủ Mỹ, công ty Dịch vụ Thông tin Tài chính Markit cho biết.
Bảo hiểm cho các khoản nợ của chính phủ Bồ Đào Nha và Ireland cũng ở mức cao. Thêm vào đó, Tây Ban Nha đã nỗ lực thúc đẩy sự quan tâm của các nhà đầu tư vào các cuộc đấu giá trái phiếu bán ra 2,8 tỷ euro (4 tỷ USD). Tuy nhiên, họ đã không những không đạt được mục tiêu của mình mà còn khiến mức lãi suất trung bình tăng trở lại. Nỗi lo sợ rằng Hy Lạp vỡ nợ có thể sẽ đe doa tới sự toàn vẹn của Euro Zone, đòi hỏi các nước châu Âu phải hỗ trợ cho các ngân hàng sở hữu các khoản nợ lớn của Hy Lạp hay các nước nợ lớn. Và điều này sẽ gieo dắt nỗi sợ hãi này trên toàn thế giới.
Tình hình trên các thị trường tài chính đã trở nên căng thẳng hơn khi ông Michael Noonan, Bộ trưởng Tài chính Ireland phát biểu vào hôm thứ 4 rằng chính phủ Ireland đã sẵn sàng gánh chịu những khoản lỗ của các chủ nợ của ngân hàng Anglo Irish Bank và Irish Nationwide Building Society nếu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chấp thuận. Điều này dấy lên mối lo ngại rằng ngoài Hy Lạp các nước khác có thể sẽ tham gia vào một cuộc tái cơ cấu lớn hơn.
Một số nhà kinh tế hàng đầu cũng cho rằng việc Hy Lạp sẽ vỡ nợ là không thể tránh khỏi. "Việc Hy Lạp vỡ nợ là một điều tất yếu," ông Alan Greenspan, nguyên Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nói. Ông cảnh báo khi đó một số ngân hàng Mỹ có thể sẽ đi đến ngõ cụt.
Nỗi lo càng lớn hơn khi chính phủ Hy Lạp cố gắng tăng cường các biện pháp thắt chặt để đảm bảo sẽ có thêm các khoản hỗ trợ quốc tế. “Hy Lạp cần phải cho thị trường tài chính quốc tế cũng như những người dân của mình thấy được rằng những biện pháp đang được thực hiện sẽ đem lại kết quả, để củng cố lòng tin của họ”, ông Claude Giorno, nhà kinh tế cấp cao tại Tổ chức Hợp tác và Phát Triển Kinh tế có trụ sở tại Paris.
Trong một bài báo cáo vào hôm thứ 5 tuần trước, hai nhà chiến lược của Deutsche Bank là Jim Reid và Colin Tan vẫn cảnh báo cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp này mang âm hưởng của sự kiện sụp đổ của Ngân hàng đầu tư Lehman Brothers hồi tháng 9/2008 – sự kiện đã đẩy hệ thống tài chính toàn cầu vào tình trạng hỗn loạn và đòi hỏi cam kết hàng nghìn tỷ đôla hỗ trợ từ chính phủ để ngăn chặn một cuộc Đại Khủng Hoảng thứ 2. “Các nhà đầu tư ở từng ngóc ngách của thị trường tài chính thế giới cần hết sức chú ý đến tình hình đang diễn ra ở Hy Lạp,” họ nói.
Viễn cảnh tồi tệ về việc Hy Lạp sẽ vỡ nợ mà một số nhà phân tích vẽ ra đã gây ra nhiều thiệt hại tại các ngân hàng châu Âu có những khoản nợ lớn của Hy Lạp. Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng là một chủ nợ lớn. Giới phân tích cho rằng nếu Hy Lạp vỡ nợ, cơ quan này cần phải tái cơ cấu vốn, đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào sự tín nhiệm của ngân hàng này.
Những thiệt hại đó có thể sẽ xảy ra với Mỹ bởi hệ thống ngân hàng của Mỹ và Châu Âu có mối liên hệ chặt chẽ, với việc cho nhau vay hàng tỷ đôla mỗi ngày.
Các ngân hàng và các công ty bảo hiểm của Mỹ có thể cũng phải gánh trả những khoản bảo hiểm vỡ nợ lớn nhất cho các tổ chức của châu Âu. Và các ngành công nghiệp quỹ đầu tư tài chính có thể cũng sẽ bị ảnh hưởng. Có khoảng 44,3% tài sản của các quỹ đầu tư tài chính là nợ của ngân hàng châu Âu, theo Fitch Ratings. Các quỹ này không bao giờ sở hữu các khoản nợ của ngân hàng Hy Lạp bởi chúng hiếm khi đạt tiêu chuẩn tín dụng của họ. Các thị trường đang dõi theo những dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng này đang lây lan trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Tuyến Nguyễn (New York Times)