Tổng thống Obama đang phải chịu nhiều áp lực trong việc giải quyết khoản nợ khổng lồ của Mỹ. Ảnh: AP |
Tờ New York Times cho biết cuộc họp ngày thứ 2 đã không đi đến kết quả cuối cùng, tuy nhiên các nghị sĩ từ hai Đảng vẫn đang tiếp tục làm việc và xem xét kế hoạch dự phòng do người đứng đầu Đảng Cộng hòa - Mitch McConnell đưa ra. Kế hoạch này sẽ để ông Obama có quyền nâng mức nợ trần theo ba giai đoạn tính tới cuộc bầu cử vào tháng 11/2012. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định Thượng viện khó mà thông qua được kế hoạch này.
Phe Cộng hòa cũng lên kế hoạch tập trung sức lực cho kế hoạch cắt giảm, giới hạn và cân bằng ngân sách với mục đích giảm chi tiêu hơn 100 tỷ USD năm tới, giới hạn tiêu dùng và yêu cầu sửa đổi ngân sách phải được Quốc hội thông qua rồi gửi tới chính quyền các bang phê chuẩn trước khi thống nhất nâng mức nợ trần. Trước khi buổi tranh luận hôm nay bắt đầu, Chính phủ Mỹ đã nhắc tới quyền phủ quyết của Tổng thống Obama.
Theo CNBC, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh ông đang tập trung vào kế hoạch toàn diện và lâu dài nhằm giảm thiểu thâm hụt ngân sách bởi nước Mỹ ước tính còn khoảng 2 tuần trước khi mất khả năng chi trả nợ.
Đảng Cộng hòa hiện nắm quyền kiểm soát Hạ viện đã bác bỏ đề xuất tăng thuế đối với người giàu để tăng thu ngân sách. Họ cho rằng làm vậy sẽ kiềm chế đầu tư và giảm tăng trưởng việc làm, đồng thời tuyên bố không tăng nợ trần nếu Đảng Dân chủ (của ông Obama) không cắt giảm chi tiêu.
BBC dẫn lời người phát ngôn của ông Obama - Dan Pfeiffer cho biết Tổng thống đã thảo luận về hàng loạt lựa chọn trong cuộc họp kín với các lãnh đạo của hai Viện hôm thứ 7 vừa rồi. Ông Obama kêu gọi trách nhiệm của các công dân Mỹ bởi ai cũng đóng vai trò trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng này và đây chẳng phải là vấn đề của riêng ai. Thứ 6 tuần trước, Tổng thống cho rằng việc tăng nợ trần bất thành đồng nghĩa với tăng thuế đối với mọi công dân.
Các nhà phân tích cho hay nếu nước Mỹ không đạt được thỏa thuận về nợ trần thì kinh tế thế giới sẽ bị tác động trong khi vẫn đang cố sức rời xa cuộc suy thoái năm 2008 và nguy cơ đẩy kinh tế Mỹ thụt lùi có thể xảy ra.
Hôm thứ 5 tuần trước, hãng xếp hạng tín nhiệm Standard and Poor's đã đặt vấn đề xem xét mức tín nhiệm của Mỹ do nguy cơ vỡ nợ tăng cao. Trước đó một ngày, hãng xếp hạng Mood's cũng đã cảnh báo rằng hãng này sẽ hạ mức tín nhiệm AAA của Mỹ. Hiện tại, số nợ của Mỹ đã lên tới 14.460 tỷ USD, vượt xa mức nợ trần 14.300 tỷ USD của nước này.
Công Tâm