Sean Egan, Giám đốc điều hành của hãng đánh giá tín dụng Egan-Jones cho biết: "Vòng đàm phán mới nhất này có rất nhiều dấu hiệu tích cực. Bạn có thể bất mãn khi thấy Quốc hội tranh cãi liên miên, nhưng đó mới là dân chủ. Cái tốt là chúng ta đã đạt thỏa thuận và bước tiếp". Egan-Jones khẳng định họ đang lạc quan về tình hình của Mỹ và sẽ không có động thái tiêu cực nào kế tiếp.
Tháng 4 năm ngoái, Egan-Jones đã đánh tụt tín nhiệm của Mỹ từ AA+ xuống AA do lo ngại về tiến trình giảm nợ công. Sang tháng 9, họ lại tiếp tục hạ mức này xuống AA-, khi giới đầu tư lo ngại gói nới lỏng định lượng QE3 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của nước này.
Xếp hạng của Mỹ đã bị Egan-Jones hạ hai lần trong năm 2012. Ảnh: NPR |
Xếp hạng của Egan-Jones với Mỹ hiện thấp nhất trong số bốn hãng đánh giá lớn trên thế giới. Cả Moody's và Fitch đều đặt mức này ở AAA, còn Standard & Poor's là AA. Tất cả đều với triển vọng tiêu cực.
Quan điểm của Egan-Jones tích cực hơn nhiều so với Moody's khi hãng này tuyên bố thỏa thuận ngân sách sẽ không thể giúp Mỹ cải thiện nợ công trong ngắn hạn. Moody’s cũng cảnh báo Mỹ cần làm nhiều hơn khi xếp hạng nợ đang ở triển vọng tiêu cực.
Steven Hess, nhà phân tích tín dụng Mỹ tại Moody's cho biết: "Lập trường đánh giá của chúng tôi là chờ đợi xem việc gì sẽ xảy đến sau vài tháng tới, trước khi đưa ra quyết định về triển vọng và xếp hạng". Ông cũng nhấn mạnh thiếu các biện pháp giảm thâm hụt có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tín nhiệm của nước này.
Tuy nhiên, Sean Egan không cho là các "ông lớn" xếp hạng sẽ hạ bậc của Mỹ trong năm nay. Ông nhận định: "Vấn đề là liệu họ đang đặt Mỹ ở triển vọng tiêu cực hay cảnh báo tiêu cực (chuẩn bị hạ tín nhiệm). Nhưng mà theo tôi thì không đâu".
Quốc hội Mỹ thông qua dự luật ngân sách để đẩy lùi vách đá tài khóa. Tuy nhiên, việc này cũng không thể dập tắt cuộc chiến chính trị sẽ bùng nổ trong phiên họp bàn về trần nợ tháng tới. Đảng Cộng hòa đã tuyên bố sẽ dùng nợ công để buộc Tổng thống Obama cắt giảm thêm chi tiêu. Tuy nhiên, Egan vẫn tự tin cho rằng các nhà làm luật cuối cùng cũng sẽ phải nâng trần nợ, dù có đạt thỏa thuận về cắt giảm chương trình phúc lợi hay không.
Thùy Linh (theo CNBC)