Nguyên nhân chính khiến Standard & Poor's đưa ra quyết định hạ bậc đối với Tây Ban Nha là do tình trạng thất nghiệp kéo dài tại nước này. "Mặc dù nền kinh tế có nhiều dấu hiệu tốt trong năm 2011, nhưng chúng tôi vẫn đặc biệt quan ngại với tỷ lệ thất nghiệp cao, các điều kiện tài chính ngặt nghèo và nợ của khu vực tư nhân".
Tây Ban Nha là nước tiếp theo bị S&P hạ bậc tín nhiệm. Ảnh: Bloomberg |
Theo S&P, hoạt động tái thiết thị trường lao động tại Tây Ban Nha chưa thực sự tốt, trong khi hệ thống ngân hàng trong tình trạng yếu kém. S&P cảnh báo nếu kinh tế Tây Ban Nha diễn biến xấu, nguy cơ tiếp tục rớt hạng là không nhỏ.
Đây là lần thứ 3 trong vòng 3 năm, S&P hạ bậc tín nhiệm của Tây Ban Nha. Hiện nước này phải trả lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm lớn hơn 5% giá trị sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu hỗ trợ cho thị trường nước này hôm 8/8. Khoảng cách giữa trái phiếu loại 10 năm của Tây Ban Nha và Đức đang là 310 điểm (tính hết ngày hôm qua).
Tuần trước, một hãng xếp hạng tín nhiệm khác là Fitch cũng đã hạ điểm của Tây Ban Nha, động thái có nguy cơ đẩy chi phí vay mượn của quốc gia này lên cao hơn. Hôm qua (13/10), Fitch tiếp tục hạ điểm 2 ngân hàng của Anh là Lloyds và RBS, cùng với ngân hàng UBS của Thụy Sĩ.
Theo hãng tin Bloomberg, Fitch cũng đang đưa ra cảnh báo đối với 13 tổ chức tài chính lớn trên thế giới, trong đó có cả những tên tuổi như Deutsche Bank, Goldman Sachs, Morgan Stanley... Hãng này cho rằng mô hình kinh doanh của các tổ chức tài chính nói trên đang đặc biệt nhạy cảm trước những thử thách của kinh tế thế giới hiện nay..
Sau quyết định của S&P cũng như các thông tin từ Fitch, đồng euro mất giá trước đồng đôla Mỹ và yen Nhật ngày thứ 2 liên tiếp. Một euro giờ đổi được 1,3643 USD (mất 0,3%) và 105,73 yen (mất 0,2%).
Anh Quân - Nhật Minh