Thủ tướng Silvio Berlusconi đang phải chịu nhiều áp lực do không điều hành nổi kinh tế nước nhà. Italy là nền kinh tế lớn thứ 3 EU với tỷ lệ nợ/GDP =120%, chỉ đứng sau Hy Lạp. Ảnh: financeseek |
Theo S&P, Chính phủ Italy thiếu liên kết nên sẽ không thể giúp quốc gia Địa Trung Hải này vượt qua được “cơn bão khủng hoảng” đang lớn dần và càn quét khắp châu Âu.
Đây là đòn trời giáng vào nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực châu Âu, vốn đang vật lộn kiểm soát cuộc khủng hoảng nợ đang lan rộng, kèm theo đó là một thập kỷ tăng trưởng ảm đạm. Ngay sau khi S&P hạ điểm Italy, đồng đôla Mỹ lại tiếp tục tăng giá so với đồng euro trong phiên giao dịch sáng nay.
Thông thường, hãng tín nhiệm sẽ cảnh báo các quốc gia trước khi chính thức nâng hay hạ điểm của họ, tuy nhiên lần này S&P đã “ra tay” đột ngột đối với Italy. Thứ sáu tuần trước, một hãng xếp hạng tín nhiệm khác là Moody's mới dừng ở mức cảnh báo.
Như vậy, điểm tín nhiệm hiện tại của Italy trong bảng xếp hạng của S&P chỉ còn A, thay vì A+ như cũ. Điểm A sẽ khiến nhiều nhà đầu tư phải băn khoăn, đồng thời cũng chỉ hơn mức nguy hiểm với 5 điểm. S&P nhìn Italy không mấy tích cực do kinh tế tăng trưởng kém và sự chia rẽ trong nội bộ Chính phủ, thường dẫn đến nguy cơ Quốc hội không đủ sức giải quyết những thách thức mà quốc gia đang gặp phải.
Điểm A này thấp hơn điểm đánh giá của Moody’s và Fitch dành cho Italy. Tuy S&P không cảnh báo Italy nhưng họ luôn đánh giá thấp về tình hình Italy lúc này. Việc làm của S&P lần này có thể tăng nguy cơ Moody’s hạ điểm quốc gia này sau khi hoàn tất quá trình xem xét vào giữa tháng 10 tới đây. Moody’s đang chấm Italy với điểm Aa2, cao hơn 3 điểm so với S&P và 1 điểm so với AA- của Fitch.
S&P cho rằng chính sự kém cỏi chính trị và cuộc khủng hoảng nợ của Italy đã kéo tụt điểm của nước này. Tăng trưởng chậm cũng khiến Italy gặp nhiều khó khăn hơn khi thực hiện kế hoạch phục hồi tài chính đặt ra từ đầu năm 2011.
Italy là cường quốc đầu tiên trong EU bị hạ điểm tín nhiệm do khủng hoảng nợ. Khoản nợ công trị giá 2.600 tỷ USD của Italy còn lớn hơn số nợ của Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ireland cộng lại, khiến chuyện viện trợ tài chính cho Italy gần như là không thể thực hiện được. Phần lớn trong khoản nợ khổng lồ, tương đương 120% GDP, là từ trái phiếu chính phủ. Italy cần bán hết khoảng 111,3 tỷ euro trái phiếu từ giờ cho đến cuối năm mới mong đạt được mục tiêu tài chính.
Rớt tín nhiệm sẽ khiến Italy tốn kém hơn khi vay mượn. Và điều này đè thêm áp lực lên vai Thủ tướng Silvio Berlusconi, vốn đang gặp rất nhiều yêu câu từ chức do không thể đưa ra các biện pháp giải quyết tình hình hiện nay.
Kể từ khi S&P có cái nhìn tiêu cực về tình hình Italy từ tháng 5, tình cảnh khó khăn của quốc gia này càng trở nên xấu hơn. Nếu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định mua trái phiếu chính phủ Italy với số lượng lớn, Italy mới mong thoát khỏi cảnh lãi suất vay tăng cao nhất tại châu Âu. Tuy nhiên, ECB cảnh báo chuyện mua trái phiếu chỉ là tạm thời.
Trung tâm nghiên cứu tài chính Confindustria mới đây cho biết họ dự đoán kinh tế Italy sẽ tăng trưởng 0,2% trong năm 2012, dù trước đó con số này là 0,6%. Chính phủ Italy cũng hy vọng GDP năm 2012 và 2013 tăng 1%, ảnh hưởng nặng nề bởi gói tài chính khắc khối nhằm cân bằng ngân sách quốc gia vào năm 2013.
Trái ngược hoàn toàn với Italy, S&P tuyên bố vẫn giữ nguyên điểm AAA của Đan Mạch, kể cả khi đảng Dân chủ xã hội Đan Mạch quyết định tăng thuế và chi nhiều hơn cho phúc lợi xã hội, sau khi giành phần thắng trong cuộc tái bầu cử mới đây. Thủ tướng nữ đầu tiên của Đan Mạch, người đứng đầu Chính phủ mới cho biết họ sẽ chi khoảng 3,9 tỷ USD để thúc đẩy kinh tế.
Anh Quân tổng hợp