Tổng thống Barack Obama đã ra lời cảnh báo Quốc hội về nguy cơ Mỹ lâm vào cảnh phá sản nếu giới hạn nợ công không được nâng lên. |
Trước đây, chuyện Mỹ bị tổ chức xếp hạng nào đó hạ bậc tín nhiệm gần như chỉ là điều viễn tưởng. Nhưng nay, bế tắc trong đàm phán về thâm hụt và trần nợ công 14.300 tỷ USD tại Washington đã buộc một số tổ chức phải tính đến kịch bản trên.
Theo một số chuyên gia, thiệt hại của việc Chính phủ liên bang bị hạ xếp hạng tín nhiệm từ AAA xuống AA có thể là hàng tỷ USD do chi phí đi vay sẽ tăng lên. Ngoài ra, người tiêu dùng, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước còn phải trả hàng tỷ USD nữa cho tín dụng. Đồng thời, nó cũng có thể làm xói mòn lòng tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp, càng khiến nền kinh tế và tốc độ tạo công ăn việc làm rơi vào trì trệ.
Nhiều chủ ngân hàng tại phố Wall tin tưởng Mỹ sẽ không vỡ nợ vì nếu không, hậu quả đối với cả thị trường và nền kinh tế sẽ vô cùng thảm khốc. Kinh tế trưởng của quỹ đầu tư Pimco là Mohamed El-Erian cho rằng các nhà lập pháp sẽ đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công và tránh được vỡ nợ. Song, mức xếp hạng tín nhiệm của họ vẫn rất mong manh.
Nhiều người cho rằng nếu điều đó xảy ra, lợi tức dài hạn của trái phiếu Chính phủ có thể tăng 0,1% lên 0,7%. Điều đó có thể khiến số lãi vay Mỹ phải trả mỗi năm sẽ tăng thêm hàng chục tỷ USD. Hiện tại, Chính phủ Mỹ phải trả lãi khoảng 250 tỷ USD một năm.
Ông Terry Belton – Trưởng bộ phận Chiến lược toàn cầu về tài sản cố định của JPMorgan Chase – cho rằng mức độ gia tăng lãi vay phụ thuộc vào chuyện bế tắc tại Washington kéo dài trong bao lâu. Trong trường hợp xấu nhất, lãi vay Chính phủ Mỹ phải trả có thể tăng 100 tỷ USD mỗi năm.
Còn ông El-Erian nhận định: “Hạ xếp hạng tín nhiệm cũng có nghĩa đồng USD yếu đi, lãi suất gia tăng và niềm tin vốn yếu ớt đối với nền kinh tế bị tổn hại thêm. Điều đó càng làm cho sức tăng trưởng yếu đuối, tình hình tạo công ăn việc làm đang trì trệ lại càng xấu đi.”
S&P cảnh báo nếu Mỹ bị hạ xếp hạng tín nhiệm thì nhiều lĩnh vực khác cũng bị hạ xếp hạng theo, đội chi phí đi vay lên cao. Trong số những trái phiếu bị xếp ở mức tiêu cực hồi giữa tháng 7 có trái phiếu của Fannie Mae và Freddie Mac, một số công ty bảo hiểm, 604 giao dịch tài trợ cấu trúc với tổng giá trị 373 tỷ USD khi được tiến hành, và nợ của một vài địa phương.
Theo các cố vấn về kinh tế vĩ mô, trong nửa cuối năm nay, tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ có thể giảm xuống 2,6% từ mức 3,2% như dự báo trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp đến cuối năm có thể lên đến 9,6%, cao hơn dự báo 9,2%.
Hôm thứ hai vừa qua, một số quỹ trợ cấp đã gửi thư lên Tổng thống Obama và Quốc hội cảnh báo hậu quả của nó sẽ lan rộng trên toàn nước Mỹ và tốc độ phát triển kinh tế sẽ chững lại trong hàng năm trời.
Một trong những tổ chức xếp hạng lớn là Standard & Poor (S&P) đã tuyên bố chỉ nâng trần nợ thôi vẫn chưa đủ. Nếu Quốc hội không đưa ra được một kế hoạch đáng tin cậy đối với ít nhất 4.000 tỷ USD tiết kiệm thì Mỹ vẫn có thể bị hạ xếp hạng.
Ngọc Thúy tổng hợp