Khi Triều Tiên ngày càng bị cô lập, nước này lại càng phụ thuộc vào Trung Quốc. Đó là đồng minh thân cận nhất, nhà cung cấp lớn nhất và cũng là nước có ảnh hưởng nhất với Bình Nhưỡng. Nicholas Eberstadt, cố vấn tại Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết từ đầu thập niên 90, Trung Quốc đã là nhà cung cấp chính cho Triều Tiên với khoảng 90% nhiên liệu, 80% hàng tiêu dùng và 45% thực phẩm.
Đầu thập kỷ trước, Hàn Quốc là bạn hàng chính của Triều Tiên, theo giáo sư Jim Hoare, giảng viên Trường nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi thuộc Đại học London (Anh). Hoare là người thành lập Đại sứ quán đầu tiên của Anh tại Triều Tiên năm 2011.
Quan hệ hai nước ngày càng giảm sút khi cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak lên nắm quyền. Trung Quốc dần trở thành đối tác thương mại lớn nhất tại đây. Hoare nói: "Hàng Trung Quốc được bày bán khắp nơi. Họ cung cấp dầu mỏ, lương thực và mọi thứ từ xe bus đến bồn vệ sinh". Hiện tại, Trung Quốc đóng góp tới 67,2% kim ngạch xuất khẩu và 61,6% nhập khẩu của Triều Tiên.
>>Ảnh: 'Walmart' của Triều Tiên hợp tác với Trung Quốc |
Đan Đông - nơi diễn ra hoạt động trao đổi hàng hóa chủ yếu giữa hai nước. Ảnh: CFR |
CNN dẫn ý kiến giới phân tích rằng Bắc Kinh sẽ cảm thấy an toàn hơn nếu ở cạnh Triều Tiên thay vì Hàn Quốc - đồng minh của Mỹ. Bên cạnh đó, theo CBC News, nếu thể chế chính trị ở Triều Tiên sụp đổ, một lượng lớn dân tị nạn sẽ tràn qua biên giới Trung Quốc. Đồng thời, quân đội Hàn Quốc và Mỹ cũng có cơ hội tiến sát vào cửa ngõ nước này. Vì thế, Trung Quốc "đành duy trì tình hữu hảo với người hàng xóm khó đoán trước".
Kể từ khi hai miền Triều Tiên bị chia cắt, Trung Quốc đã tích cực ủng hộ cả về chính trị và kinh tế cho nước này. Triều Tiên chiếm gần một nửa viện trợ ra quốc tế của Trung Quốc. Năm 2010, trong số 64 triệu USD ngũ cốc nhập khẩu của nước láng giềng, Trung Quốc chiếm tới 94%. Còn lại là lương thực viện trợ của Mỹ, Canada cùng một số mua lại từ Ukraine và Thái Lan.
Hàng Trung Quốc nhập khẩu của Triều Tiên chủ yếu là quặng khoáng sản, than đá, vải dệt, ca, hải sản, sắt, thép và gỗ. Còn đồ xuất khẩu là dầu mỏ, thịt, máy móc, đồ nhựa, tơ và phương tiện.
Các công ty Trung Quốc cũng hưởng đặc quyền rất lớn tại Triều Tiên, đặc biệt là những điều khoản thương mại và vận hành cảng biển. Theo thống kê, Trung Quốc hiện có khoảng 200 công ty đang đầu tư tại Triều Tiên. 70% số đó thuộc lĩnh vực khai khoáng. Đầu tháng 2, Tập đoàn Weijin (Hồ Nam, Trung Quốc) cũng tuyên bố đầu tư 20 triệu USD vào một mỏ vàng trữ lượng 50 tấn ở Triều Tiên, đồng thời xây dựng khách sạn 5 sao đầu tiên tại nước này.
Trung tâm mua sắm Kwangbok - Walmart của Triều Tiên. Ảnh: AP |
Để thuận tiện cho hoạt động trao đổi hàng hóa, Trung Quốc còn xây một cây cầu bắc qua sông Yalu (tỉnh Đan Đông) trị giá 250 triệu USD để nối với một khu kinh tế đặc biệt ở Triều Tiên. Sự gần gũi về địa lý đã biến Đan Đông thành trung tâm thương mại lớn nhất giữa hai nước. Khi Triều Tiên chịu cấm vận về ngân hàng và thiếu ngoại tệ, họ đã gửi rất nhiều xe tải qua đây, mang theo khoáng sản để đổi lấy hàng hóa của Trung Quốc. Vì vậy, cây cầu này luôn rất tấp nập.
Trung Quốc còn đem mô hình siêu thị đến với nước láng giềng. Điển hình là trung tâm mua sắm Kwangbok - được mệnh danh là Walmart của Triều Tiên, mở cửa từ tháng 2/2012. Đây là công trình hợp tác của Công ty thương mại quốc tế Feihaimengxin (Trung Quốc) và Tập đoàn thương mại Taesong (Triều Tiên). Trong đây không chỉ có đồ Trung Quốc mà còn có hàng Mỹ, Âu và Nhật Bản được vận chuyển từ Trung Quốc sang.
Theo báo cáo của Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ (CRS) năm 2010, những khoản đầu tư đó là một phần chiến lược bình ổn biên giới với Triều Tiên, tránh việc người dân nước này tràn sang Trung Quốc và nâng cao mức sống của họ. John S. Park, Trưởng nhóm hoạt động Hàn Quốc tại Viện Hòa bình Mỹ (USIP) cũng nhận định việc này còn giúp Trung Quốc phát triển các tỉnh nghèo phía Đông Bắc bằng cách đảm bảo tài nguyên năng lượng và khoáng sản xuyên biên giới.
Tuy nhiên, mối quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia đồng minh này không phải lúc nào cũng cơm lành canh ngọt. Nó bắt đầu xấu đi từ khi Bình Nhưỡng thử vũ khí hạt nhân tháng 10/2006 và Trung Quốc đồng ý Nghị quyết 1718 của Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc về áp đặt lệnh trừng phạt lên Triều Tiên. Đỉnh điểm là khi Triều Tiên tuyên bố thử hạt nhân lần ba hồi tháng 2, giới quan sát cho rằng Trung Quốc đã gần mất hết kiên nhẫn với người hàng xóm.
Theo giới truyền thông Trung Quốc, cuối năm 2012, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un còn phàn nàn rằng tài nguyên của họ, một trong những nguồn thu ngoại tệ lớn nhất, đang bị bán với giá quá rẻ mạt. Ông đòi giá bán cao hơn với quặng sắt. Và việc này không hề làm các nhà khai thác Trung Quốc hài lòng. Wu Xisheng, Phó giám đốc Công ty khai mỏ Xiyang (Trung Quốc) cho biết bột sắt sản xuất ở Trung Quốc có giá 60 USD một tấn. Trong khi đó, giá ở Triều Tiên chỉ là 30 USD.
Theo nhận định của Jennifer Lind - giáo sư tại Đại học Dartmouth (Mỹ) trên CNN, để duy trì sự bình ổn tại bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc sẽ vẫn bảo vệ Bình Nhưỡng. Dù vậy, khi kinh tế Triều Tiên ngày càng đi xuống, và Trung Quốc lại tăng trưởng nhanh nhiều thập kỷ nay, sự khác biệt về lợi ích sẽ ngày càng đẩy hai đồng minh ra xa.
Thùy Linh (theo NYT/WSJ)