Báo cáo bán niên về thị trường tài chính thế giới vừa được IMF công bố nhận định hệ thống tài chính toàn cầu đang trải qua giải đoạn dễ bị tổn thương nhất kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008. Sự phục hồi chậm chạp, thâm hụt ngân sách và nợ của các quốc gia cũng như động thái thiếu dứt khoát của các chính phủ khi can thiệp là những tác nhân chính đẩy hệ thống kinh tế - tài chính thế giới tới cận kề bờ vực tái khủng hoảng.
Đại diện IMF cho rằng kinh tế thế giới đang trải qua một cuộc khủng hoảng lòng tin. Ảnh: AFP |
“Chúng ta đang ở giữa cuộc khủng hoảng về lòng tin. Nó diễn ra trên cả thị trường tài chính lẫn nền kinh tế thực”, cố vấn tài chính, trưởng ban tiền tệ và thị trường vốn IMF José Viñals bình luận. “Tất cả những nỗ lực để bình ổn thị trường tài chính trong vòng 3 năm qua gần như đã bị xóa sạch”, ông này nói thêm.
Tâm điểm của những bất ổn được IMF xác định ở 2 đầu tàu của kinh tế thế giới là châu Âu và Mỹ.
Tại cựu lục địa, cuộc khủng hoảng nợ công của các chính phủ đang đe dọa nghiêm trọng sức khỏe của khu vực ngân hàng, chỉ phí vay tăng cao trong khi cổ phiếu ngân hàng ngày một mất giá.
IMF ước tính thiệt hại của các ngân hàng châu Âu kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ bắt đầu vào năm 2010 đã lên tới hơn 200 tỷ euro (khoảng 273 tỷ USD). Tổ chức này cho rằng các quốc gia trong khu vực đồng euro hiện cần nhiều hơn cả con số này để “hồi sức” cho hệ thống ngân hàng.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, mối quan ngại cũng được đặt nặng lên khả năng quản lý nợ lâu dài của Chính phủ Mỹ. Bằng chứng là việc Quốc hội Mỹ đã phải rất khó khăn khi cho phép nâng trần vay mượn cách đây không lâu. Đây có thể là một trong những nguy cơ tiềm tàng đối với kinh tế thế giới nếu không sớm được giải quyết.
Không chỉ chính phủ, bản thân từng gia đình Mỹ hiện cũng đang phải đau đầu để cân bằng tài chính của mình. Sức mua giảm, dẫn tới sản xuất đình trệ khiến nước Mỹ quay cuồng trong một vòng luẩn quẩn của tăng trưởng và khả năng điều tiết chi tiêu.
Quá trình phục hồi kinh tế trông cậy rất nhiều vào kích cầu tiều dùng. Ảnh: AFP |
Đứng trước thực tế này, ngay trong ngày 21/9, Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã công bố một gói kích thích kinh tế trị giá 400 tỷ USD với mục tiêu nhằm thằng vào việc hạ lãi suất. Đây cũng là biện pháp mà IMF khuyến cáo thực hiện trên phạm vi toàn cầu để cứu vãn sản xuất, tiêu dùng và trên hết là niềm tin của nhà đầu tư.
“Thời gian đắn đo đã kết thúc, đây là lúc hành động” - Đây là thông điệp chính được phát đi từ báo cáo của IMF. Tổ chức này đề xuất 5 giải pháp và các nhà điều hành, ngân hàng và các doanh nghiệp cần thực hiện ngay để tránh cho kinh tế thế giới rơi xuống bờ vực khủng hoảng.
Trước hết, Quỹ tiền tệ quốc tế cho rằng chính phủ các nước từ Mỹ, châu Âu đến Nhật cần có biện pháp trước mắt cũng như lâu dài để tái cân bằng ngân sách cũng như giảm nợ quốc giá.
Các ngân hàng tại châu Âu cần tìm cách cải thiện sức khỏe tài chính bằng cách tăng vốn, qua đó giúp họ có thể chống chịu tốt hơn trước những rủi ro của khách hàng, thậm chí là khả năng vỡ nợ của một số quốc gia. Chính phủ các nước và đặc biệt là Ngân hàng trung ương châu Âu cần đóng vai trò hỗ trợ tích cực hơn trong quá trình này.
Nước Mỹ cần mạnh dạn hơn nữa trong các chương trình hỗ trợ tiêu dùng, qua đó cải thiện sức sản xuất cũng như tăng tốc độ luân chuyển dòng tiền trong nền kinh tế.
Đối với các nền kinh tế mới nổi, cơ hội vẫn còn đối với việc tái cấu trúc nền kinh tế, cải thiện cán cân thanh toán cũng như đầu tư mạnh cho tăng trưởng bền vững. Điều này sẽ giúp họ chống chịu tốt hơn với những rủi ro trong tương lai, đặc biệt là những rủi ro tài chính.
Cuối cùng, quá trình tái xây dựng hệ thống quy chuẩn và pháp luật kinh tế toàn cầu cần được đẩy nhanh hơn nữa để khắc phục những nhược điểm, vốn là nguyên nhân gây là khủng hoảng suốt giai đoạn vừa qua.
Nhật Minh