Nhiều nhà băng tại lục địa già đang gặp khó khăn trong huy động tiền mặt. Ảnh: Telegraph. |
Thay vì tiến hành các thương vụ làm ăn hay những khoản vay thông thường, các nhà băng Pháp, Italia và nhiều nước châu Âu khác lựa chọn cách bán thương phiếu để mở rộng nguồn tiền mặt đang khan hiếm. Một vài thương vụ đã thành công.
"Nhiệm vụ của các nhà băng châu Âu ngay bây giờ là phải đứng lên và đi tìm kiếm nguồn tiền mặt, càng nhiều càng tốt", một nhân viên cấp cao tại ngân hàng của Italia có trụ sở ở Hong Kong nói với Wall Street Journal.
Anh này cũng từng bán được các thương phiếu cho một ngân hàng của Nhật Bản. Tuy nhiên, để lấy được tiền mặt từ nhiều nơi khác nữa lại vô cùng khó khăn. Anh cho biết nếu ai có thể bán được thương phiếu cho các nước châu Á và mang về tiền mặt luôn được cả ngân hàng tung hô.
Mark Leahy, người đứng đầu tổ chức về nợ và thu nhập cố định ở châu Á nói: "Châu Á là nơi tập trung hầu hết vốn, bởi vậy đây là một địa chỉ tốt". Với các nhà đầu tư châu Á, theo Mark Leahy, sức hút nằm ở lợi nhuận.
"Không giống giới đầu cơ châu Âu, đa số các nhà đầu tư châu Á có quan điểm cho rằng đồng euro sẽ phục hồi và coi cuộc khủng hoảng châu Âu hiện nay như một cơ hội để mua vào", Ted Lord, người đứng đầu bộ phận phát hành trái phiếu bảo đảm của Barclay Capital phân tích. Chính Barclay Capital cũng vừa giúp Credit Agricole phát hành thành công loại trái phiếu có bảo đảm trị giá 2,7 tỷ USD cho các ngân hàng châu Á.
Tại Ngân hàng Société Générale của Pháp, các nhân viên cho biết họ huy động tiền gửi từ những khách hàng trung thành lâu năm trong khu vực, đặc biệt là từ các tập đoàn trong lĩnh vực năng lượng. Ashley Wilkins, phó phòng phụ trách doanh nghiệp khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói: "Chúng tôi luôn luôn phải nỗ lực thu hút được càng nhiều doanh nghiệp gửi tiền càng tốt". Các nhân viên khác tại Société Générale thì nói, vài tuần trở lại đây, ngân hàng này phải liên tục đi tìm những nguồn tiền thay thế cho dù quỹ dự trữ của nhà băng này chưa gặp vấn đề.
Thậm chí nhiều ngân hàng, trong đó có Rabobank Groep của Hà Lan, cho biết gần đây họ rất cẩn trọng với việc vay tiền từ các nhà băng đối thủ. Nhiều nơi còn tìm đến Ngân hàng trung ương châu Âu để vay tiền. Miễn là được có tiền mặt, họ sẵn sàng trả lãi suất rất cao.
Các ngân hàng châu Âu đang gồng mình trước cuộc khủng hoảng nợ trong khu vực, họ phải nhanh chóng phát hành nhiều trái phiếu để tự bảo đảm sức khỏe tài chính dài hạn của bản thân. Nếu không huy động được tiền mặt, các nhà băng có thể phải bán tài sản của mình. Bằng chứng là BNP Paribas - một tập đoàn ngân hàng lớn, tuần trước vừa tuyên bố sẽ bán bớt tài sản.
Thanh Thanh Lan