Quyết định về gói giải cứu chính thức thứ 2 (và được hy vọng là cuối cùng) dành cho Hy Lạp vừa được 17 thành viên của Eurozone thông qua trong cuộc họp khẩn cấp vào cuối ngày 21/7. Tham dự cuộc họp có cả đại diện của IMF, định chế tài chính vừa “bơm” cho Hy Lạp hơn 4,2 tỷ USD.
Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou (trái), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy (giữa) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso vui mừng sau khi gói cứu trợ được thông qua. Ảnh: AFP |
So với gói cứu trợ đầu tiên được đưa ra cách đây hơn một năm, kế hoạch giải cứu lần này gây chú ý bởi sự tham gia của khu vực tư nhân vào quỹ hỗ trợ, với số tiền đóng góp lên tới hơn 53 tỷ USD, chiếm hơn một phần ba số tiền mà Hy Lạp nhận được.
Bản thân sự can dự của các ngân hàng và các nhà đầu tư vào gói cứu trợ này từng gây nhiều tranh cãi trong nội bộ Eurozone. Dẫn đầu phe phản đối, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và đại diện Ngân hàng trung ương châu Âu cho rằng việc để khu vực tư nhân tham gia sâu vào việc giải cứu một nền kinh tế ốm yếu như Hy Lạp có thể đe dọa mức độ an toàn của hệ thống tài chính châu Âu. Xa hơn nữa, có thể đẩy một số nền kinh tế như Tây Ban Nha hay Italy dấn sâu vào khủng hoảng.
Tuy nhiên, theo ý kiến của Đức, đã đến lúc khu vực tư nhân cần gánh vác một phần trách nhiệm trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ đang đe dọa khu vực đồng tiền chung. Theo hãng tin Anh BBC, cùng với gói cứu trợ tức thời, các ngân hàng cũng cam kế cho Hy Lạp vay hơn 194 tỷ USD trong vòng 30 năm tới.
Phấn khởi phát biểu sau khi quyết định giải cứu được công bố, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou cho rằng với gói tài chính nêu trên, nước này đã cỏ thể tính tới một chương trình trả nợ hợp lý và bền vững: “Đó không chỉ là một sự giúp về tài chính, nó còn giúp khai sáng cho tương lai của kinh tế Hy Lạp”, ông Papandreou nhận định.
Những chủ nợ lớn nhất của Hy Lạp. Nguồn: BIS Quartely Review |
Hy Lạp không phải là quốc gia duy nhất được hưởng lợi từ cuộc họp khẩn của lãnh đạo Eurozone. Ireland, trong khi đó, cũng được các nước láng giềng giảm 2% lãi suất cho các khoản vay tới hạn. Theo tính toán của Thủ tướng nước này, ông Enda Kenny, quyết định này có thể giúp Ireland tiết kiệm đến hơn 1,1 tỷ USD mỗi năm.
Cùng với việc cơ cấu nợ cho một số quốc gia, lãnh đạo Eurozone cũng nhất trí tái cơ cấu lại Chương trình Bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) theo mô hình IMF. Đây là cơ quan được thành lập từ năm 2010 nhưng hoạt động thiếu hiệu quả.
“Việc tái cấu trúc sẽ giúp EFSF trở nên linh hoạt và ổn định hơn. Chúng tôi muốn ngăn chặn khủng hoảng từ khi nó mới chỉ là nguy cơ”, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Herman Van Rompuy cho biết.
Nhật Minh