Từ lâu, thần thoại Hy Lạp đã trở thành áng văn cổ vĩ đại của nền văn học thế giới. Hàng triệu độc giả trên khắp thế giới qua bao thời kỳ đã bị chinh phục bởi câu chuyện về những vị thần uy quyền trên đỉnh Olympia. Zeus, Poseidon, Hades, Athena, Hercules... đều là những cái tên quen thuộc đối với nhiều thế hệ người hâm mộ tác phẩm thần thoại nổi tiếng này. Năm 2010, một lần nữa các vị thần Hy Lạp tiếp tục ghi dấu ấn trên màn ảnh rộng với Percy Jackson và kẻ cắp tia chớp, và mới đây nhất là Cuộc chiến giữa các vị thần. Cả hai tác phẩm đều được xây dựng dựa vào thần thoại Hy Lạp, nhưng nếu như Percy Jackson và kẻ cắp tia chớp được chuyển thể từ cuốn truyện của tác giả Rick Riordan thì Cuộc chiến giữa các vị thần lại được làm lại từ một bộ phim cùng tên vào năm 1981.
Sam Worthington khiến người ta vẫn thấy bóng dáng chàng Jake Sully của "Avatar" trong vị á thần Perseus của "Clash of the Titans". |
Phim mở đầu bằng một lời kể về nguồn gốc mối quan hệ giữa con người và các vị thần. Ngày xa xưa, thần thánh tạo ra loài người và đổi lại, những lời cầu nguyện của họ sẽ đem tới sức mạnh và sự bất tử cho các vị thần. Nhờ đó mà thần linh có thể thống trị và khống chế con người. Tuy nhiên, khi con người bắt đầu nổi dậy thì sẽ dẫn tới một cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa những người dân, vua chúa, các vị thần và có nguy cơ hủy diệt cả thế giới.
Lúc đó, Perseus - một á thần và là con trai của thần Zeus nhưng được nuôi dạy dưới phàm trần và không hề biết thân phận của mình - đã hoàn toàn bất lực khi chứng kiến cha mẹ nuôi của mình bị Hades, vị thần địa ngục, hại chết. Perseus đã cùng một đội quân đứng lên chiến đấu để giải cứu cho công chúa Andromeda và chống lại Hades, trước khi hắn giành quyền lực từ tay thần Zeus để biến cả thế gian trở thành cõi âm ty. Chàng á thần dũng cảm bước vào một cuộc hành trình đầy hiểm nguy và phải đối mặt với hàng loạt chướng ngại vật là những con bọ cạp khổng lồ có sức mạnh kinh hoàng, Medusa - nữ thần đầu rắn và Kraken - thủy quái khổng lồ.
Cảnh chiến đấu với thủy quái Kraken. |
Một trong những điểm thu hút nhất của Cuộc chiến giữa các vị thần chính là phần kỹ xảo hình ảnh 3D đầy hứa hẹn. Ban đầu, phim chỉ được xây dựng như một tác phẩm hành động thần thoại 2D thông thường, nhưng sau thành công của siêu phẩm Avatar cuối năm ngoái, các nhà làm phim đã quyết định đưa câu chuyện thần thoại về người anh hùng Perseus lên không gian ba chiều để đem tới cho người xem những cảm giác "thật" nhất. Những cảnh chiến đấu gay cấn giữa Perseus và đám bọ cạp khổng lồ hay với nữ thần tóc rắn Medusa và trường đoạn thủy quái Kraken xuất hiện được dàn dựng khá công phu, kết hợp với hiệu ứng 3D sống động khiến khán giả có những trải nghiệm đầy thú vị.
Tuy nhiên, cũng giống như Alice ở xứ sở thần tiên, Cuộc chiến giữa các vị thần là một bộ phim được chuyển sang định dạng 3D sau khi đã quay bằng 2D nên chiều sâu và độ mịn, nét không thể bằng được Avatar - bộ phim được quay trực tiếp bằng máy quay 3D. Màu sắc và ánh sáng của Cuộc chiến giữa các vị thần ở định dạng 3D thậm chí còn tối và nhợt nhạt hơn so với bản 2D. Song cho dù ở định dạng nào thì phần đồ họa của Cuộc chiến giữa các vị thần vẫn đủ sức hấp dẫn khiến khán giả bị cuốn theo những gì đang diễn ra trên màn ảnh.
Dàn diễn viên trẻ, đẹp cũng là một trong những lý do khiến Cuộc chiến giữa các vị thần gây được sự chú ý. Trong phim, khán giả sẽ được gặp lại nam tài tử của Avatar - Sam Worthington trong vai á thần Perseus dũng mãnh. Luôn xuất hiện bên cạnh anh là nàng Io xinh đẹp do "Bond girl" Gemma Arterton thủ vai. Mặc dù diễn xuất của họ chưa đủ sức thuyết phục người xem, lối diễn của Sam Worthington vẫn gợi nhớ đến hình ảnh của Jake Sully trong Avatar, nhân vật của Gemma Arterton khá mờ nhạt nhưng đối với một bộ phim thuộc thể loại hành động giải trí như Cuộc chiến giữa các vị thần thì diễn xuất không phải là yếu tố quan trọng nhất. Ngoài ra, khán giả còn được tái ngộ với nam diễn viên người Anh Liam Neeson trong vai Zeus, còn tài tử Ralph Fiennes hóa thân thành vị thần địa ngục Hades. Siêu mẫu xinh đẹp người Nga Natalia Vodianova xuất hiện đầy ấn tượng trên màn ảnh với vai Medusa. Ngoài bộ tóc rắn như nguyên gốc thì trong Cuộc chiến giữa các vị thần, nữ thần Medusa đã được xây dựng thêm phần cơ thể nửa người nửa rắn vô cùng đáng sợ.
Siêu mẫu Nga Natalia Vodianova trong vai nữ thần Medusa, nhìn ai người đó lập tức hóa đá. |
Để tạo ra những con quái thú khổng lồ đáng sợ trong phim, các đạo diễn hình ảnh của Cuộc chiến giữa các vị thần đã mất rất nhiều sức lực và thời gian, đặc biệt là trong việc tạo nên thủy quái Kraken và chú ngựa biết bay Pegasus - hai nhân vật rất quan trọng trong phim. "Chúng ta đụng chạm tới cả đỉnh Olympia và thần Hades, vì thế chúng ta có cả thiên đường lẫn địa ngục, và chúng ta có đủ từ thần thánh cho tới quái vật. Chúng ta thừa hưởng khía cạnh giả tưởng từ tính chất của câu chuyện, nhưng cùng lúc đó, tôi cũng muốn nó phải có yếu tố thực. Chúng tôi muốn khán giả tin rằng một con ngựa biết bay và những quái vật harpy là có thật khi đặt trong thế giới mà chúng tôi xây dựng cho bộ phim" - giám sát kỹ xảo hình ảnh Nick Davis tâm sự như vậy khi nói về phần đồ họa của Cuộc chiến giữa các vị thần.
Mặc dù cốt truyện có nhiều điểm khác biệt so với nguyên tác, kết cấu có nhiều khe hở, những tình huống giải quyết chưa sâu nhưng xét một cách khách quan thì Cuộc chiến giữa các vị thần vẫn là một bộ phim hành động giải trí đáng xem. Đây là bộ phim thứ ba được trình chiếu tại Việt Nam dưới định dạng 3D, sau Avatar và Alice ở xứ sở thần tiên. Khán giả sẽ được trải nghiệm một cuộc phiêu lưu bi tráng nhưng cũng không kém phần kỳ thú tới thế giới thần thoại cổ đại - nơi có những vị thần quyền uy và những con quái vật đáng sợ, thông qua chiếc kính 3D. Cuộc chiến giữa các vị thần đang dẫn đầu danh sách những bộ phim ăn khách nhất tại Mỹ.
Phim ra mắt khán giả Việt Nam từ ngày 9/4, tại các cụm rạp MegaStar và Galaxy.
* Trailer "Clash of the Titans" |
* Một số hình ảnh trong phim |
N.M. (Ảnh: Warner Bros)
Chia sẻ cảm nhận của bạn về bộ phim.