Hôm nay 7/6, Quốc hội nghe tờ trình và thảo luận ở tổ về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Thượng tướng Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, có cuộc trao đổi với báo chí về nội dung của dự Luật.
- Dự Luật trình Quốc hội lần này sửa đổi nội dung gì, thưa ông?
- Về chức năng, nhiệm vụ của Công an nhân dân thì cơ bản giữ như hiện hành, dự thảo Luật chỉ thay đổi, điều chỉnh về mô hình tổ chức và một số cơ chế, chính sách cho lực lượng công an.
Vừa qua Trung ương đã quyết định mô hình tổ chức của công an sẽ được thu gọn lại. Có thể nói, Bộ Công an đã đi đầu trong cuộc cách mạng về tổ chức theo hướng giảm đầu mối, giảm cấp trung gian và thực hiện chủ trương “Bộ mạnh, tỉnh tinh, huyện toàn diện, xã sát cơ sở”.
Việc sửa đổi Luật trong thời điểm hiện nay là cần thiết, nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Trung ương nêu trên.
- Chính phủ đề xuất sửa đổi vấn đề cụ thể nào về tổ chức của lực lượng công an, thưa ông?
- Thứ nhất là hệ thống chức danh có trần quân hàm cấp tướng trong Công an nhân dân. Nội dung này hiện còn các nhóm ý kiến khác nhau. Một nhóm muốn giữ như hiện hành, nghĩa là quy định cụ thể vị trí chức vụ có cấp bậc hàm cấp tướng trong Luật. Phương án này tạo ra sự rõ ràng, công khai nên việc thực thi, giám sát thực hiện Luật tốt hơn. Nhưng nhược điểm của việc quy định cứng trong Luật là khi thay đổi mô hình, tổ chức thì không linh hoạt. Đó là vấn đề cần cân nhắc.
Nhóm ý kiến còn lại đề nghị dự thảo Luật chỉ quy định nguyên tắc cơ bản, giao cho Chính phủ và Thường vụ Quốc hội quy định vị trí chức vụ có cấp bậc hàm cấp tướng trong công an. Thực hiện theo phương án này thì sẽ đảm bảo linh hoạt và dễ thực hiện khi mô hình tổ chức thay đổi, lúc đó Quốc hội không phải sửa Luật.
Nội dung trên rất cần Quốc hội phân tích, đánh giá và cho ý kiến để cơ quan soạn thảo có cơ sở khẳng định nên đi theo hướng nào.
Thứ hai là bổ sung quy định Cục đặc biệt để phong hàm Trung tướng (cao hơn trần quân hàm của Cục bình thường). Đây là nội dung cần thiết khi tới đây Bộ Công an sẽ giảm đầu mối, có thể là nhiều cơ quan nhập thành một. Lúc đó, chức năng, nhiệm vụ của một cơ quan nhất định sẽ rất quan trọng và phức tạp, cần xác định đó là Cục đặc biệt.
Tất nhiên, Cục đặc biệt thì quân hàm sẽ cao hơn một bậc so với bình thường, tôi nghĩ việc này cũng phù hợp. Vấn đề cần thảo luận là Cục đặc biệt với tính chất quan trọng như vậy sẽ do Thủ tướng bổ nhiệm hay không.
Thứ ba, về quy định cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng đối với giám đốc công an cấp tỉnh. Nội dung này cũng đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Trong đó có những ý kiến không đồng tình vì cho rằng giám đốc công an tỉnh phải tương đương với chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh (hiện quy định là Đại tá). Hơn nữa, một số người lo ngại quy định như dự thảo Luật sẽ làm tăng số lượng tướng.
Bên cạnh đó cũng có những ý kiến đồng tình với dự thảo Luật, nghĩa là cho phép phong tướng với giám đốc công an tỉnh, thành ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I (việc phân loại này dựa vào tiêu chí là dân số, diện tích tự nhiên, các yếu tố đặc thù)... Các ý kiến này cho rằng số lượng phong tướng như vậy không nhiều, những tỉnh này vừa là địa phương phát triển kinh tế xã hội, vừa phức tạp về an ninh quốc phòng nên cần phải quy định cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng đối với giám đốc công an.
Khi thảo luận ở Uỷ ban Quốc phòng An ninh, có một số ý kiế đề nghị phong tướng cho giám đốc công an ở tất cả các tỉnh, thành chứ không riêng tỉnh loại I như nêu trên..
Chúng tôi đã tập hợp đầy đủ các ý kiến khác nhau để trình Quốc hội xem xét. Ngoài ba nội dung trên, các quy định khác về cơ chế chính sách, về quản lý Nhà nước thì không có vấn đề gì lớn.
"Nghị định của Chính phủ sẽ quy định cụ thể mô hình mới"
- Như vậy, nếu quy định vị trí chức vụ có cấp bậc hàm cấp tướng trong công an ngay ở dự Luật thì sẽ chặt chẽ và giúp giám sát tốt hơn. Ông nghĩ sao?
- Như tôi đã nói là vấn đề này còn ý kiến khác nhau, đề nghị giữ như hiện hành hoặc không quy định cụ thể vị trí và số lượng chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng trong Luật. Nếu theo dự thảo Luật thì linh hoạt hơn, nhưng có ràng buộc. Luật đưa ra tiêu chí cơ bản, còn từng chức danh sẽ do Thường vụ Quốc hội quy định, rồi Thủ tướng cũng quy định. Hai cấp này sẽ rà soát chứ không phải muốn tuỳ tiện là được, qua đó vẫn đảm bảo được minh bạch.
- Khi xây dựng Luật Công an nhân dân năm 2014, đề xuất quy định về cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng đối với giám đốc công an cấp tỉnh từng được nêu ra, nhưng cấp có thẩm quyền đã quyết định là đại tá. Nay vì sao cần sửa đổi điều này, thưa ông?
- Bối cảnh xây dựng Luật Công an nhân dân năm 2014 khác với hiện nay. Bây giờ mô hình tổ chức mới của Bộ Công an đã xây dựng theo hướng sắp xếp, thu gọn đầu mối, không có cấp trung gian.
Trước đây cấp có thẩm quyền cho chủ trương rất rõ ràng, không lấy đặc thù địa bàn cấp tỉnh để làm tiêu chí xét cấp tướng. Tuy nhiên, qua nghiên cứu và khảo sát thực tế, Uỷ ban Quốc phòng An ninh đã có báo cáo với Quốc hội và chúng tôi cho rằng việc này cần thảo luận kỹ, xin ý kiến cấp có thẩm quyền.
Thực tế có nhiều bất cập, kể cả trong quy hoạch và trong luân chuyển cán bộ. Ví dụ quy hoạch một ông cục trưởng lên thứ trưởng, ở cấp cục thì có trần quân hàm cấp tướng, nhưng trước khi bổ nhiệm phải luân chuyển về cơ sở để có thực tiễn, mà về tỉnh thì lại thành đại tá.
Tương tự, ở dưới quy hoạch phát triển lên trên, không có cấp trung gian mà từ tỉnh thẳng lên Bộ thì không bao giờ có thứ trưởng là thượng tướng, vì đại tá ở tỉnh lên phải có thời gian tích luỹ, cứ 4 năm một cấp, như thế là cũng có ách tắc.
Việc gì cũng có hai mặt, chúng ta cần mổ xẻ, phân tích để xem mặt nào là tối ưu nhất để lựa chọn. Đây mới là thảo luận lần đầu, còn kỳ thứ 2 vào cuối năm nay mới thể hiện quan điểm. Ở giai đoạn này phải tôn trọng các ý kiến khác nhau.
- Bộ Công an sẽ được sắp xếp, thu gọn đầu mối và không có cấp trung gian. Vậy dự Luật đề cập đến nội dung này như thế nào?
- Theo mô hình mới cụ thể ra sao thì phải chờ Nghị định của Chính phủ, lúc ấy mới xác định được số lượng Cục. Nhưng tinh thần là giảm rất mạnh mẽ với phương châm là “tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả”.
Đối với việc phân bổ cán bộ dôi dư khi sắp xếp thì cấp có thẩm quyền bàn chủ trương rồi, số người hết tuổi thì nghỉ hưu; nếu còn tuổi công tác thì khi không còn Tổng cục phải xuống Cục thôi...
- Luật Công an nhân dân cũng được sửa đổi theo hướng chính quy hóa lực lượng công an xã. Tới đây việc này sẽ được thực hiện đồng bộ hay thí điểm ở một số địa bàn trọng điểm, phức tạp, thưa ông?
- Xây dựng lực lượng công an chính quy đã được quy định trong Nghị quyết của Bộ Chính trị. Công an xã là nơi tiếp nhận đầy đủ mọi thông tin tội phạm mà không được đào tạo cơ bản, chính quy thì khó làm làm việc; trong khi đó, công an xã hiện là lực lượng bán chuyên trách, không bài bản.
Nghị quyết của Bộ Chính trị nói rõ trước mắt nên làm ở những xã trọng điểm; khi hoàn thiện pháp luật thì triển khai đồng bộ; việc này phải có lộ trình.
Trước mắt, ngành công an cũng đã có kế hoạch đưa lực lượng trên tỉnh xuống huyện, của huyện, tỉnh xuống xã và thí điểm ở một số địa bàn trọng điểm; còn công an ở xã thì bố trí sang lực lượng khác cho khép kín. Tôi cho rằng như vậy là chặt chẽ rồi.
Xem thêm: 25.000 công an chính quy sẽ được điều về cấp xã
Điều 26 dự thảo Luật quy định, cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan như sau: a) Đại tướng: Bộ trưởng Công an; b) Thượng tướng: Thứ trưởng Công an; c) Trung tướng: Cục trưởng cục đặc biệt và tương đương; Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Giám đốc Công an TP HCM; d) Thiếu tướng: Trợ lý Bộ trưởng Công an; Cục trưởng và tương đương, trừ quy định tại điểm c khoản này; Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I; chức vụ cấp phó của cấp trưởng quy định tại điểm c khoản này;... |
Võ Hải ghi