- Cơ quan chức năng vừa phát hiện khá nhiều vụ người nước ngoài hoạt động phạm pháp ở Việt Nam. Ông nhìn nhận tình trạng này thế nào?
- Không riêng ở Việt Nam, ngay với những nước phát triển, các băng nhóm, tổ chức tội phạm xuyên quốc gia khi phát hiện những kẽ hở pháp luật chúng sẽ thâm nhập.
Chúng ta phải nhìn nhận thẳng thắn rằng khi mở cửa hội nhập, ngoài những cái được thì không thể tránh khỏi cái xấu. Do đó, ở các nước phát triển họ có loại tội phạm nào thì Việt Nam cũng xuất hiện loại tội phạm đó. Điều quan trọng là chúng ta nắm bắt ra sao để phòng ngừa và chủ động phòng chống.
- Tội phạm nước ngoài vào Việt Nam bằng con đường nào, thưa ông?
- Thời gian qua, tội phạm người nước ngoài lợi dụng con đường thăm thân, du lịch đã vào Việt Nam để lẩn trốn và vi phạm pháp luật. Xu hướng này ngày càng có chiều hướng gia tăng.
Song, bên cạnh đó, người Việt Nam phạm tội rồi trốn ra nước ngoài cũng không phải là nhỏ.
Đại tá Đặng Xuân Khang - Chánh văn phòng Interpol Việt Nam. Ảnh: Hà Anh. |
- Những loại tội phạm xuyên quốc gia nào thường đến Việt Nam?
- Nổi lên trong những năm qua là vận chuyển trái phép chất ma túy từ các nước trong khu vực vào Việt Nam. Cạnh đó là hoạt động mua bán người thông qua các tổ chức đưa người nhập cư bất hợp pháp.
Thứ 3 là tội phạm liên quan đến hình sự như trộm cắp tài sản, lừa đảo xuyên quốc gia. Họ vào Việt Nam lợi dụng sự thiếu hiểu biết và kiến thức của người dân để chiếm đoạt tài sản. Đã có không ít các vụ sử dụng thẻ thanh toán, tín dụng giả để mua bán hay rút tiền tại các ngân hàng, cây ATM.
Đặc biệt, xu thế tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng "tấn công" vào nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Một số người gốc Hoa lợi dụng vào Việt tìm kiếm việc làm, đi du lịch song trên thực tế đã cấu kết với nhau để tổ chức các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt phí viễn thông, trộm cắp các số tài khoản tín dụng của những người ở nước ngoài.
- Văn phòng Interpol Việt Nam có chiến lược gì để ngăn chặn, đặc biệt với tội phạm sử dụng công nghệ cao?
- Văn phòng Interpol đã chia sẻ nhiều cơ sở dữ liệu, thông tin khai thác được từ nước ngoài hỗ trợ các cơ quan trong nước nghiên cứu vận dụng trong công tác thực tế để phòng ngừa các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao. Qua kế hoạch này, chúng tôi đã hỗ trợ lẫn nhau trong việc huấn luyện đào tạo. Đã có nhiều cán bộ chiến sĩ Cục cảnh sát truy nã được đưa ra nước ngoài để đào tạo trong khuôn khổ hợp tác Interpol Việt Nam với các nước thành viên.
Hiện nay, nhiều nước bỏ visa nên đây là cơ hội để những người phạm tội người Việt trốn ra nước ngoài và ngược lại qua con đường tiểu ngạch như biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia cũng như Trung Quốc. Việc sử dụng hộ chiếu giả cũng được nhiều tội phạm sử dụng. Thế nên trong thông qua khuôn khổ hợp tác ASEM, chúng tôi đã tranh thủ được sự hỗ trợ về việc tăng cường hợp tác kiểm soát biên giới để có dự án đầu tư vào một số cửa khẩu dọc biên giới Việt Nam. Đây được xem là cơ hội để chúng tôi tăng cường kiểm soát việc sử dụng giấy thông hành qua biên giới, sân bay của công dân Việt Nam qua nước ngoài và ngược lại để ngăn chặn những đường dây mua bán người, vận chuyển hàng lậu, ma túy... Chắc chắn trong tương lai, việc này sẽ được kiểm soát chặt chẽ.
Người trốn lệnh truy nã của Cảnh sát Hàn Quốc sang Việt Nam ẩn náu và đã bị bắt giữ. Ảnh: ANTĐ. |
- Từ ngày 31/10-3/11, Việt Nam đăng cai Đại hội đồng Interpol lần thứ 80. Xin ông cho biết điểm nhấn ở sự kiện này là gì?
- Ở sự kiện quan trọng này Interpol Việt Nam đưa ra khẩu hiệu: "Kết nối cảnh sát toàn cầu vì một thế giới hòa bình hơn. Tăng cường quan hệ đối tác, xây dựng năng lực và đổi mới". Kỳ họp thể hiện được tính chiến lược của tổ chức Interpol cũng như xu thế hợp tác cảnh sát toàn cầu trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập các quốc gia. Đến năm 2014, ở Singapore sẽ có một tổ hợp toàn cầu hỗ trợ cho các sĩ quan cảnh sát tiếp cận các thông tin hiện đại.
Những chủ đề trong hội nghị tập trung vào hoạt động chia sẻ, mở rộng hợp tác giữa tổ chức Interpol với các tổ chức quốc tế có chức năng về phòng ngừa tội phạm và tư pháp hình sự. Đồng thời tăng cường năng lực cho Interpol các nước thành viên để họ phát triển đồng đều hơn, đáp ứng yêu cầu mới trong tình hình xu thế tội phạm mang tính xuyên quốc gia ngày càng gia tăng.
- Ông đánh giá gì sau 20 năm Việt Nam gia nhập Interpol quốc tế?
- Suốt 20 năm qua Interpol Việt Nam được xem là địa chỉ đáng tin cậy của các lực lượng nghiệp vụ trong và ngoài nước. Mối quan hệ hợp tác giữa cảnh sát Việt Nam với cảnh sát nước ngoài ngày càng được tăng cường và quan hệ sâu rộng hơn. Thực tế, chúng tôi như một cánh tay nối dài cho các đơn vị trong nước vươn ra thế giới khi điều tra, phòng ngừa các đường dây phạm tội xuyên quốc gia như ma túy, mua bán người, lừa đảo kinh tế.
Thời gian qua, đã có hàng trăm người nước ngoài phạm pháp bị Interpol Việt Nam phối hợp với các đơn vị bắt giữ. Cạnh đó, gần 100 người Việt mang lệnh truy nã cũng được cảnh sát các nước giúp đỡ trong quá trình truy bắt.
Những năm đầu của thế kỷ 20, hoạt động các loại tội phạm mang tính xuyên biên giới ở một số nước thuộc châu Âu, châu Mỹ diễn ra phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng. Trước tình hình đó, lực lượng cảnh sát một số nước đã liên kết nhằm giải quyết trước mắt những vấn đề liên quan truy bắt tội phạm bỏ trốn từ nước này sang nước khác. Năm 1923, "Ủy ban cảnh sát hình sự quốc tế" được ra đời. Sau 33 năm, tổ chức này đổi tên là "Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế - Interpol". Đến nay, Interpol quy tụ 188 thành viên, trong đó có Việt Nam. |
Hà Anh thực hiện