Chiều 27/9, tại buổi gặp mặt báo chí, Tổng cục cảnh sát phòng, chống tội phạm (Bộ Công an) cho biết, từ ngày 31/10 đến 3/11 tại Hà Nội sẽ diễn ra kỳ họp đại hội đồng Interpol lần thứ 80. Đây là lần đầu Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện này.
Theo thiếu tướng Vũ Hùng Vương, Phó tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát phòng, chống tội phạm, tham dự kỳ họp có các lãnh đạo cao cấp của lực lượng cảnh sát đến từ 188 nước thành viên của tổ chức Interpol. Dự kiến sẽ có 1.200 đại biểu tham dự.
Đại tá Đặng Xuân Khanh (đứng) - Chánh văn phòng Interpol Việt Nam tại buổi họp báo. Ảnh: Hà Anh. |
Thiếu tướng Vương cho biết, kỳ họp đại hội đồng Interpol lần thứ 80 có chủ đề "Kết nối cảnh sát toàn cầu vì một thế giới hòa bình. Tăng cường quan hệ đối tác, xây dựng năng lực và đổi mới".
Tổ chức này sẽ tập trung 6 lĩnh vực ưu tiên để đối phó với những thay đổi nặng động về môi trường quốc tế, thách thức với an ninh toàn cầu và công tác hợp tác cảnh sát như: tăng cường hệ thống thông tin an ninh toàn cầu, hỗ trợ lực lượng cảnh sát và các cơ quan thực thi pháp luật 24/24h và 7 ngày/tuần; tăng cường năng lực cho Interpol các nước thành viên; hỗ trợ phát hiện các vụ vi phạm pháp luật và bắt giữ tội phạm; tăng cường các hoạt động và cơ sở pháp lý của tổ chức Interpol.
Tại diễn đàn, Việt Nam sẽ có bài phát biểu với nội dung xây dựng chiến lược quốc gia phòng chống tội phạm; phát huy vai trò của toàn xã hội trong việc phòng chống tội phạm và hội nhập quốc tế. Đây được xem là một trong những nhân tố quyết định thành công trong vấn đề phòng chống tội phạm.
"Kỳ họp lần này là cơ hội để Việt Nam khẳng định nỗ lực trong phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, chiến lược phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm xuyên quốc gia nói riêng của Việt Nam trong thời gian tới với các nước trên toàn thế giới", đại tá Đặng Xuân Khang, Chánh văn phòng Interpol Việt Nam nói.
Yoon Haeng Joon, nghi phạm một vụ lừa đảo bị Văn phòng Interpol Việt Nam cùng các lực lượng chức năng bắt giữ. Ảnh: Anh Minh. |
Năm 1991, tại kỳ họp đại hội đồng Interpol lần thứ 60 tại Urugoay, Việt Nam chính thức gia nhập tổ chức này và trở thành thành viên thứ 156.
Kể từ đó đến nay, lực lượng cảnh sát Việt Nam đã bắt giữ và trao trả trên 200 kẻ bị truy nã cho các cảnh sát nước Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan, Australia... Cạnh đó, cảnh sát Việt Nam cũng đã phối hợp với cảnh sát nước ngoài bắt giữ và dẫn về nước 49 kẻ truy nã của Việt Nam. Trong số này có Bùi Hữu Tài và Nguyễn Thành Thắng được FBI (Mỹ) xếp vào danh sách 2 trong số 10 kẻ nguy hiểm nhất năm 1998; Nguyễn Hải Nam phạm tội giết người ở Đức.
Hà Anh