Chiều 28/11, phiên xử Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm, 43 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79), ông Trần Phương Bình (59 tuổi, nguyên Tổng giám đốc, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đông Á - DAB) và 24 bị cáo tiếp tục với phần xét hỏi.
Như thông báo trước đó, toà cách ly ông Vũ và nguyên trưởng phòng quản lý tài sản nợ DAB Nguyễn Thị Ái Lan tại trại giam để xét hỏi các bị cáo khác.
Ông Bình giúp Vũ Nhôm thâu tóm DAB bất thành
Là người đầu tiên được gọi lên, ông Bình giọng nhỏ nhẹ, vẻ thành khẩn thừa nhận cáo trạng truy tố mình về hai tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là phù hợp.
Năm 2013 DAB bị thua lỗ kéo dài, thiếu hụt số lượng lớn tiền, vàng trong kho quỹ. Ông Bình ra chủ trương tăng vốn điều lệ từ 5.000 lên 6.000 tỷ đồng để thu hút đầu tư, có tiền xử lý khó khăn, nâng cao vị thế.
Ông Bình khai, năm 2014 đã mời Vũ Nhôm mua 60 triệu cổ phần với giá 600 tỷ đồng để trở thành cổ đông chiến lược của DAB. Vũ thế chấp 220 lô đất tại Khu phức hợp đô thị, thương mại, dịch vụ cao tầng Harbour Ville (Đà Nẵng) cho nhà băng này, vay 400 tỷ đồng.
Vũ sau đó nhờ "lo giúp" 200 tỷ đồng nên ông Bình chỉ đạo Nguyễn Đức Vinh (nguyên trưởng phòng Ngân quỹ Hội sở DAB) xuất quỹ của DAB chuyển vào tài khoản Công ty Bắc Nam 79, sau đó Vũ ký khống chứng từ nộp 200 tỷ vào DAB.
"Bị cáo không cho Vũ biết nguồn tiền ở đâu vì muốn ông ấy tin vào khả năng của DAB. Tuy nhiên, ngày 17/1/2014, tại phòng làm việc riêng, bị cáo giải thích cho Vinh lý do ứng quỹ 200 tỷ đồng. Lúc đó Vũ có ở đó nên bị cáo nghĩ Vũ biết rõ nguồn tiền này", ông Bình nói.
Về vấn đề này, tại cơ quan điều tra Vũ khai không biết 200 tỷ đồng của DAB mà nghĩ đây là tiền ông Bình cho vay cá nhân.
Giải thích nguyên nhân chuyển trả 600 tỷ đồng thay vì 400 tỷ khi tăng vốn điều lệ không thành, ông Bình cho biết thực hiện theo nguyên tắc quản lý kế toán. Trước đó DAB đã nhận 600 tỷ đồng của Bắc Nam 79 nên phải trả lại đủ. Cáo trạng xác định, việc này đã giúp cho Vũ Nhôm chiếm đoạt của DAB hơn 200 tỷ đồng.
Lý do không bán 60 triệu cổ phần cho Vũ với giá 600 tỷ đồng mà chỉ bán 50 triệu cổ phần, ông Bình nói làm theo nguyên tắc nếu cổ đông muốn sở hữu hơn 10% vốn điều lệ của DAB thì phải thông qua ban lãnh đạo ngân hàng. Vì thế, việc bán vừa đủ 500 tỷ đồng cho Vũ đã có thể giúp ông này nắm quyền chi phối nhà băng.
HĐXX cho rằng, số tiền 600 tỷ đã được tách thành 500 tỷ cho ông Bình và 100 tỷ cho Vũ. "Nếu bị cáo không chuyển khống 200 tỷ cho Vũ thì Vũ có tiền mua 50 triệu cổ phần của bị cáo không?", chủ tọa chất vấn. Ông Bình cho rằng Vũ không có tiền mặt nhưng có năng lực, bởi 220 lô đất tại Đà Nẵng được định giá đến hơn 600 tỷ đồng.
Về số tiền 500 tỷ đồng thu được từ việc bán 50 triệu cổ phần cho Công ty Bắc Nam 79, ông Bình khai sử dụng 60 tỷ đồng bù âm quỹ, 440 tỷ còn lại trả nợ cho các hợp đồng khác của ông. "Có một sự thật ở đây là khi DAB bị rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, bị cáo thấy nguy cơ cổ phần sẽ bị cấm chuyển nhượng nên nhanh chóng chuyển nhượng cho Vũ", HĐXX chỉ ra.
Ông Bình 'thấy có lỗi' với Vũ Nhôm
Từ tháng 10/2012 đến 3/2015, ông Bình chỉ đạo nguyên thủ quỹ hội sở DAB xuất quỹ chi hơn 294 tỷ đồng để mua 13,9 triệu USD, trong đó có 13,4 triệu USD là mua giúp Vũ Nhôm. Số tiền này Vũ Nhôm chưa trả lại cho DAB.
"Bị cáo muốn Vũ trở thành cổ đông chiến lược của DAB nhưng ngân hàng lúc đó rơi vào tình trạng âm quỹ, nợ xấu tăng cao. Bản thân bị cáo cảm thấy có lỗi với Vũ", ông Bình giải thích nguyên nhân mua giúp 13,4 triệu USD. Trước đó Vũ cũng nhiều lần nhờ DAB mua ngoại tệ.
"Tại thời điểm đó DAB đã âm quỹ rất lớn thì làm gì còn tiền mua hộ, tại sao không có bất cứ hợp đồng nào?", chủ tọa hỏi. Cựu tổng giám đốc DAB cho biết bản thân tin tưởng Vũ và nghĩ rằng ông này sẽ thanh toán.
Chuyển khoản âm quỹ của DAB đến nơi không bị thanh tra.
Trả lời toà, cựu Tổng giám đốc DAB cho biết, trước khi nhận văn bản bổ nhiệm của Ủy ban quận Phú Nhuận về làm việc tại ngân hàng, ông là giảng viên trường Trung học Tài chính TP HCM. Bà Cao Thị Ngọc Dung (vợ ông Bình) từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị DAB, đến năm 1997 thì rút khỏi ngân hàng.
Theo ông Bình, DAB trải qua 39 lần thay đổi vốn điều lệ, tăng từ 20 tỷ lên 5.000 tỷ đồng. Đại hội đồng cổ đông quyết định tăng vốn điều lệ dựa trên các cơ sở: tình hình phát triển ngân hàng, nhu cầu nâng cao khả năng thanh khoản, số vốn điều lệ tối thiểu do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định. Cổ phần có thể bán cho các cổ đông hoặc người ngoài ngân hàng, nếu nguồn tiền hợp pháp. Các cổ đông không được vay tiền của DAB hoặc dùng cổ phần thế chấp ở ngân hàng khác để mua cổ phần.
Tuy nhiên, nhà chức trách xác định, từ năm 2007 đến 2014, ông Bình chỉ đạo cấp dưới lập hàng loạt phiếu thu khống hơn 1.160 tỷ đồng, mua 74 triệu cổ phần DAB đứng tên ông và người thân. Để có tiền bù âm quỹ, ông Bình chỉ đạo Nguyễn Thị Kim Xuyến (nguyên phó tổng giám đốc DAB) và cấp dưới xuất quỹ bán vàng, lập hàng loạt hồ sơ cho vay khống... Hành vi này gây thiệt hại cho DAB tổng cộng 2.057 tỷ đồng.
"Tiền chiếm đoạt bản chất chủ yếu là nằm trong lượng cổ phần mà bị cáo và người thân đứng tên, hiện nó vẫn còn tồn tại ở DAB", ông Bình trình bày.
Ông Bình còn cho biết từ năm 2014, NHNN bắt đầu thanh tra toàn diện DAB và phát hiện sai phạm. Ở những lần thanh tra quỹ trước đó, NHNN đều báo trước vài ngày để DAB chuẩn bị các hồ sơ liên quan. Để che giấu sai phạm, ông Bình chỉ đạo cấp dưới điều chuyển khoản âm quỹ đến các chi nhánh, phòng giao dịch trong hệ thống – nơi không bị thanh tra.
Khi được chủ tọa hỏi "đã làm đúng và làm hết trách nhiệm chưa", ông Bình trả lời "không có ý kiến".
Ngày mai, HĐXX tiếp thục thẩm vấn.
Theo cáo trạng, ngoài việc chiếm đoạt hơn 2.057 tỷ đồng của DAB, ông Bình còn cho xuất quỹ sai nguyên tắc 470 tỷ đồng để chi lãi huy động vốn; kinh doanh gần 385 tỷ ngoại hối; hơn 610 lượng vàng tài khoản; hơn 53 tỷ trong việc tất toán khống 1.900 cây vàng cho bị cáo Nguyễn Hồng Ánh (nguyên cán bộ Công an TP HCM)... khiến DAB thiệt hại thêm 1.551 tỷ đồng. Quá trình điều tra, ông Bình khắc phục 4 tỷ đồng, Vũ Nhôm khắc phục 173 tỷ... Nhà chức trách cũng kê biên hơn 125 triệu cổ phần DAB (24,88% vốn điều lệ) của ông Bình, bà Xuyến, Phan Văn Anh Vũ, Công ty Bắc Nam 79 và 18 cá nhân. Hồi tháng 10 năm ngoái, nhà chức trách đã trưng cầu định giá cổ phần DAB nhưng bị từ chối. Lý do hội đồng giám định đưa ra là cổ phần DAB chưa đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán, không thể thu thập được thông tin về giá. |
Kỳ Hoa